• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhiều nông dân trắng tay vì cá sấu

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 12/07/2021
Ngày cập nhật: 15/7/2021

Từng là vật nuôi mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình, nhưng gần đây giá thu mua xuống thấp, trong khi chi phí thức ăn, vệ sinh thì ngày một tăng, thậm chí không có đầu ra, những chuồng cá sấu đã đẩy người nuôi vào cảnh điêu đứng.

Hậu quả của việc nuôi trồng tự phát

Cách đây 2 năm, giá cá sấu trên thị trường dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, nhiều nông dân trong tỉnh Bạc Liêu đã đua nhau xây chuồng nuôi loại động vật hoang dã này. Có thời điểm, cá sấu giống tăng lên mức 0,5 - 0,6 triệu đồng/con. Dù ngành quản lý đã cảnh báo về những hệ lụy khi gây nuôi cá sấu theo phong trào nhưng vẫn không thể ngăn nổi “làn sóng” này.

Đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát mạnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất - kinh doanh. Các doanh nghiệp thu mua chế biến các sản phẩm từ cá sấu phải thu hẹp sản xuất, giảm thu mua nguyên liệu do xuất khẩu gặp khó khăn, kéo theo đó là giá thu mua cá sấu sụt giảm thảm hại. Hiện giá cá sấu dao động ở mức 40.000 - 45.000 đồng/kg, trong khi chi phí chăn nuôi hơn 100.000 đồng/kg.

Những ngày này về huyện Phước Long, bên cạnh nỗi lo về dịch bệnh COVID-19 thì câu chuyện cá sấu rớt giá cũng là chủ đề được nhiều người dân bàn tán. Theo Phòng NN&PTNT huyện Phước Long, trên địa bàn huyện hiện có gần 1.000 hộ nuôi với khoảng 108.000 con cá sấu. Ông Ngô Thanh Kiệm - một hộ nuôi cá sấu than: “Với mức thu mua cá sấu như hiện nay thì người nuôi cá sấu càng nuôi càng lỗ. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, dù bán rẻ cũng không dễ tìm người mua. Qua đợt này chắc chắn tôi sẽ thay thế vật nuôi khác, chứ nuôi cá sấu không có lãi, cứ lấy tiền bán lúa bù lỗ hoài chịu không thấu”.

Thực trạng này cho thấy hậu quả của việc tự phát trong định hướng cây trồng - vật nuôi, thiếu sự liên kết để ổn định đầu ra. Không chỉ cá sấu mà trước đó, mô hình nuôi trăn cũng phát triển rầm rộ ở nhiều địa phương trong tỉnh, lợi nhuận chỉ bước đầu, nhưng khó khăn thì dai dẳng.

Trang trại nuôi cá sấu của người dân xã Hưng Phú (huyện Phước Long). Ảnh: C.L

Tìm cách tháo gỡ khó khăn

Thị trường chính xuất khẩu cá sấu của Bạc Liêu bấy lâu nay là Trung Quốc. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trong thời gian qua khiến thị trường này bị "đóng băng" và chưa biết bao giờ mở cửa trở lại. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, có thời điểm ngành Du lịch tạm đóng cửa, các mặt hàng thời trang từ da cá sấu cũng không bán được vì vắng du khách quốc tế - khách hàng chính của những sản phẩm chế biến từ cá sấu.

Theo những hộ nuôi, cá sấu đến kỳ xuất bán thì khoảng 4 - 5 ngày phải cho ăn một lần, cá càng lớn thì chi phí thức ăn càng nhiều, nếu cứ kéo dài thời gian để chờ giá thì người nuôi càng thiệt hại. Một số nơi người nuôi đã rao bán mỗi con cá sấu trọng lượng từ 20 - 25kg với giá 0,5 - 0,6 triệu đồng với hy vọng “gỡ” lại chi phí đầu tư chuồng trại, con giống, thức ăn… Tuy nhiên, cách làm này cũng không hiệu quả vì cá sấu không phải là loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày. Ông Trần Đức (xã Hưng Phú, huyện Phước Long) cho biết: “Nuôi gà, vịt, heo… có rớt giá thì làm thịt để tủ lạnh ăn dần còn được, chứ nuôi cá sấu một khi không bán được cho thương lái thì cũng không biết làm gì với nó. Hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi, và giá cá tăng trở lại để bà con sớm ổn định cuộc sống”.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 900 cơ sở nuôi cá sấu, chỉ có trang trại Phương Tín (huyện Phước Long) đạt tiêu chuẩn CITES. Để tháo gỡ khó khăn cho người nuôi cá sấu hiện nay, trước tiên, ngành quản lý cần có số liệu thống kê đầy đủ về số lượng cá còn tồn đọng trong dân, chuẩn bị mọi đều kiện cần thiết để khi tình hình dịch bệnh ổn định sẽ xúc tiến tìm kiếm đầu ra, giúp nông dân có địa chỉ tiêu thụ cụ thể. Về lâu dài, cần thành lập các tổ, hợp tác xã gây nuôi cá sấu để có thể hướng tới cấp địa chỉ vùng nuôi, chỉ dẫn địa lý cụ thể nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu riêng cho con cá sấu.

Bài học từ việc nuôi động vật ngoại lai làm hại đồng ruộng đến nuôi trăn, cá sấu ồ ạt rồi bị bế tắc đầu ra như hiện nay, một lần nữa đã cảnh tỉnh người chăn nuôi. Nếu không có sự kiểm soát, quản lý và nhất là liên kết để ổn định thị trường tiêu thụ thì việc chạy theo phong trào sẽ khiến cho nông dân thêm điêu đứng.

Song Nguyên

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang