• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhiều mặt hàng thủy, hải sản rớt giá

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 14/07/2021
Ngày cập nhật: 16/7/2021

Gần một tháng nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là khi các chợ đầu mối của TP. Hồ Chí Minh đóng cửa và thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch đã khiến cho thị trường tiêu thụ hải sản giảm mạnh, kéo theo giá cả các mặt hàng tôm, cua, cá tụt giảm, gây ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt của ngư dân.

Ngư dân huyện Đông Hải xếp dỡ hàng hóa sau chuyến biển.Ảnh: C.L

Nghẽn đầu ra

Tại Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), do đang là thời điểm đánh bắt cá vụ Nam thuận lợi nên có rất nhiều tàu cập cảng để bán hải sản. Tuy nhiên, giá thu mua hải sản có phần giảm hơn trước khiến ngư dân không khỏi lo lắng. Ngư dân Nguyễn Văn Bửu (thị trấn Gành Hào) cho biết: “Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, chi phí cho mỗi chuyến ra khơi cũng tăng, trong khi việc đánh bắt ở vùng gần bờ khó khăn do nguồn lợi hải sản ngày mỗi cạn kiệt. Song điều khiến ngư dân lo lắng nhất vẫn là giá thu mua hải sản. Dịch bệnh COVID-19 khiến các quán ăn, nhà hàng đóng cửa, nguồn tiêu thụ giảm khiến giá tôm, cá các loại giảm hơn so với trước”.

Tương tự, ở Cảng cá Nhà Mát (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu), hay ở cửa biển Cái Cùng (huyện Hòa Bình), các mặt hàng thủy, hải sản cũng đang rớt giá thê thảm. “Giá các mặt hàng tôm, mực, các loại cá đều giảm so với trước nên trừ chi phí, mỗi ngư dân chỉ được nhận vài triệu đồng sau chuyến đi biển. Thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn nay càng chồng chất khó khăn”, ngư dân Lý Văn Út (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) không giấu vẻ lo lắng.

Gần một tuần qua, nông dân huyện Phước Long và TX. Giá Rai cũng không khỏi lo lắng trước việc thương lái tạm ngưng thu mua cua thịt, trong khi đã đến kỳ thu hoạch. Qua tìm hiểu được biết, giá hải sản giảm không chỉ ảnh hưởng đến các tàu cá hoạt động đánh bắt gần và xa bờ mà còn ảnh hưởng đến các cơ sở thu mua, chế biến thủy, hải sản.

Ông Liên Văn Lợi - chủ cơ sở sản xuất, chế biến thủy, hải sản ở Cảng cá Gành Hào cho biết: “Gần nửa tháng nay, giá các mặt hàng cá, tôm liên tục sụt giảm không chỉ khiến bà con ngư dân gặp khó khăn mà ngay cả doanh nghiệp thu mua cũng điêu đứng. Bởi nguồn hàng thì vẫn đảm bảo nhưng không tìm được đầu ra, chỉ dám thu mua và hoạt động cầm chừng, trong khi phải gánh nhiều chi phí để duy trì hoạt động”. Trên thị trường, hiện giá cá đã giảm từ 30 - 40% so với trước khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát. Nhiều dây chuyền đã dừng hoạt động, hải sản dồn ứ, tốn kém chi phí bảo quản. Người lao động thất nghiệp, rơi vào cảnh khốn khó...

Cần có chuỗi giá trị hải sản

Từ đầu năm 2020 đến nay, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu, thị trường bị thu hẹp nên nguồn hải sản khai thác được trong nước rơi vào cảnh cung vượt cầu. Trong khi đó mức tiêu thụ ở trong nước cũng đang gặp khó khăn. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhiều nhà hàng, khách sạn đóng cửa, tạm dừng kinh doanh; người dân hạn chế ra đường, chi tiêu tiết kiệm dẫn đến sức tiêu thụ các loại thủy, hải sản cũng giảm mạnh.

Thực tế hiện nay, việc khai thác, chế biến hải sản còn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là ngư dân quá phụ thuộc vào thương lái. Mặt bằng giá thường do thương lái quyết định, nghịch lý là đánh bắt được với số lượng càng lớn thì giá thu mua lại càng thấp. Trong khi đó, trên thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp lại đang phụ thuộc vào nhu cầu từng thời điểm của các thị trường, thiếu đối tác, chính vì vậy, một khi thị trường tiêu thụ chính có biến động thì hầu như ngay lập tức các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến, thu mua bị động và rồi người chịu thiệt cuối cùng trong khâu này luôn là nông dân, ngư dân.

Để các mặt hàng thủy, hải sản trở về đúng với giá trị thật và công sức bỏ ra của ngư dân được đền đáp, thiết nghĩ các địa phương ven biển nên hình thành chuỗi giá trị hải sản, và cần được phát triển theo chiều sâu chứ không phải chiều rộng như hiện nay. Đi cùng với đó là gia tăng giá trị sản phẩm chứ không dừng lại ở gia tăng sản lượng. Đồng thời, cần tăng cường liên doanh, liên kết, nâng cao khả năng cạnh tranh của thủy, hải sản trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu... Có như vậy mới giúp ngư dân và cả doanh nghiệp bớt lao đao mỗi khi thị trường trong và ngoài nước gặp trở ngại như hiện nay.

Khôi Nguyên

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang