• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giã cào nhám ‘Tận diệt’ nguồn lợi thủy sản

Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 18/07/2021
Ngày cập nhật: 20/7/2021

Nghề giã cào nhám khá đơn giản chỉ từ chiếc tàu giã cào đơn ngư dân trang bị thêm tấm lưới hoặc hoán cải các tấm lưới có mắt to thành mắt nhỏ để đánh bắt sò nhám, trên tàu chỉ cần từ 3- 4 lao động và 2 can dầu là có thể sẵn sàng hoạt động. So với giã cào bay thì nghề cào nhám có tính chất “tận diệt” và hủy hoại môi trường sinh thái biển rất cao. Các tàu làm nghề cào nhám chủ yếu là khai thác các loại hải sản non… làm ảnh hưởng tới cuộc sống của ngư dân làm nghề khai thác gần bờ tại vùng biển Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết, La Gi, Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận). Mỗi tàu giã cào nhám có thể cào 300 đến 500 bao sò nhám. Lợi nhuận thu được hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Các tàu hành nghề cào nhám thực chất là nghề giã cào (lưới kéo) ven bờ thường có công suất trên dưới 90CV. Theo quy định của pháp luật, tàu cá từ 90CV trở lên chỉ được phép hoạt động, khai thác ở tuyến khơi, cách bờ biển hơn 24 hải lý, không được hoạt động ở tuyến bờ. Thế nhưng, vì lợi nhuận một số tàu làm nghề giã cào nhám vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép cách bờ biển chỉ khoảng 500m, bám biển cả ngày lẫn đêm. Ông Nguyễn Long, ngụ tại xã Tân Tiến (La Gi) bức xúc chia sẻ: “Chúng tôi sống chủ yếu bằng nghề biển, thế nhưng thời gian gần đây một số tàu thuyền hành nghề giã cào nhám đánh bắt hải sản non theo kiểu “tận diệt” làm cho ngư trường ngày càng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và cào mất lưới của ngư dân khiến cho việc mưu sinh của những người đánh cá ven bờ ngày càng khó khăn…”.

Thuyền giã cào ngoài tỉnh hoạt động trên vùng biển gần bờ ở Tuy Phong (ảnh Tư liệu).

Trước thực trạng hoạt động kiểu “tận diệt” nguồn lợi, môi trường của các tàu thuyền hành nghề giã cào nhám, lực lượng chuyên trách bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các địa phương vùng biển đã tập trung triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn hoạt động cào nhám. Đồng thời, cơ quan chức năng đã rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá hoạt động nghề cào nhám tại địa phương; nắm cụ thể chủ tàu, đối tượng đang hoạt động nghề cào nhám để có biện pháp vận động, tuyên truyền ngư dân tự giác chấm dứt hoạt động nghề cào nhám, chuyển đổi sang nghề khác thân thiện với môi trường. Chi cục thủy sản đã điều động thêm phương tiện và tăng cường lực lượng thanh tra thủy sản cho các Trạm quản lý và bảo vệ nguồn lợi La Gi, Tuy Phong (nơi có nhiều thuyền hoạt động nghề cào nhám) để cùng phối hợp lực lượng biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến và nhập bến tại Cảng cá. Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 các địa bàn vùng biển trong tỉnh đã phát hiện và xử lý hàng chục trường hợp tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm để hoạt động nghề cào nhám. Các trường hợp vi phạm đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (phạt tiền 15.000.000 đồng/trường hợp vi phạm đối với hành vi tàng trữ ngư cụ cấm khai thác thủy sản; phạt tiền 25.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản). Đồng thời, tịch thu toàn bộ ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản… Tuy nhiên, tình trạng các tàu cá hành nghề cào nhám hoạt động trái phép, lén lút vẫn xảy ra trên vùng biển Bình Thuận, do thời gian các tàu thuyền hoạt động chủ yếu vào ban đêm nên khó phát hiện. Các đối tượng thường xuyên đối phó, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng; các đối tượng theo dõi và trao đổi thông tin cho nhau khi phát hiện lực lượng tuần tra. Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn quá mỏng và thiếu, yếu về nhân lực, phương tiên nên chưa quản lý bao quát và chưa xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Để ngăn chặn và chấm dứt hoạt động tàu cá hành nghề cào nhám trên vùng biển Bình Thuận, thiết nghĩ lực lượng chuyên trách bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng, chính quyền địa phương vùng biển đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân về tác hại của nghề giã cào nhám đối với môi trường, nguồn lợi thủy sản; vận động ngư dân chấp dứt hoạt động cào nhám, chuyển đổi sang nghề khác thân thiên môi trường; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tàu trên biển, tàu xuất bến, nhập bến. Đồng thời, có phương án bố trí lực lượng, phương tiện cho Trạm quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào những đợt cao điểm để kịp thời phát hiện ngăn chặn hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản, không để phát sinh điểm nóng và kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá hoạt động cào nhám trên vùng biển ven bờ.

Lê Thanh

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang