• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắc Ninh: Phong trào nuôi cá VietGap ở Gia Bình

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 19/07/2021
Ngày cập nhật: 22/7/2021

Là một trong những địa bàn có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh Bắc Ninh, những năm gần đây việc chuyển hướng sang nuôi cá theo quy trình VietGap, áp dụng kỹ thuật tiên tiến góp phần đem lại hiệu quả cao cho nhiều hộ nông dân ở Gia Bình.

Nằm trong vùng “rốn nước” của huyện, ông Vũ Văn Phú ở thôn Đổng Lâm, xã Quỳnh Phú có kinh nghiệm nuôi cá thâm canh 10 năm nay. Tuy nhiên, nuôi cá truyền thống ngày càng gặp nhiều bất lợi do chất lượng nguồn nước kém, cá dễ bị bệnh và chết hàng loạt. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn, tham quan thực tế, ông Phú quyết định tìm hiểu và chuyển hướng nuôi theo quy trình VietGap trên diện tích hơn 1 mẫu. Theo đó, thay vì dùng một số hóa chất như trước, nước ao được xử lý chủ yếu bằng men vi sinh, từ lúc làm sạch đáy ao, trong suốt quá trình nuôi thả và được kiểm tra định kỳ hàng tháng. Các ao đều gắn biển có thông tin rõ ràng về diện tích, độ sâu, ngày xuống giống, loại con giống… Thức ăn được sử dụng của các hãng uy tín. Mỗi ngày, ông Phú luôn mang theo cuốn sổ nhỏ ghi chép cẩn thận giờ cho ăn, lượng thức ăn cho cá, thời điểm sử dụng các loại men…để theo dõi và có sự điều chỉnh phù hợp. Đầu năm 2020, sau quá trình thẩm định, cơ sở của ông Phú được cấp giấy chứng nhận VietGap.

Ông Phú phấn khởi: “Dù đã có kinh nghiệm nhưng theo tôi, nuôi cá quan trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Từ khi nuôi cá VietGap, quá trình sinh trưởng của cá được bảo đảm, năng suất tăng gần 30% so với nuôi kiểu truyền thống. Cứ 8 tháng chúng tôi lại được thu 1 lứa với năng suất khoảng 7 tấn/ lứa, rủi ro do dịch bệnh giảm hẳn”.

12 thành viên nuôi cá lồng của HTX dịch vụ tổng hợp Xuân Tùng (Song Giang, Gia Bình) được cấp giấy chứng nhận VietGap.

Thành lập từ năm 2014, HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Tùng, thôn Chi Nhị, xã Song Giang có 12 thành viên nuôi cá lồng trên sông với tổng số hơn 100 lồng đều được cấp giấy chứng nhận VietGap. Sản lượng cá thu hàng năm ổn định đạt 300 - 350 tấn . “Nuôi cá đặc sản giá trị lớn như cá lăng, trắm đen, trắm cỏ, chép giòn nên chúng tôi phải chăn nuôi cẩn thận để hạn chế tối đa thiệt hại, hướng tới việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Nhìn chung, chăn nuôi theo quy trình VietGap đòi hỏi các hộ phải kiên trì, kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu. Các thành viên trong HTX thay đổi được nhận thức trong phương thức canh tác. HTX quản lý được đầu vào con giống, đầu ra cá thương phẩm, nguồn nước dưới ao… của các hộ thành viên” - ông Đào Xuân Chuẩn, Giám đốc HTX chia sẻ.

Được biết, huyện Gia Bình có 94 cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, là một trong những địa phương có số cơ sở được chứng nhận nhiều nhất tỉnh. Theo ông Nguyễn Khắc Đạm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, với diện tích 1.028 ha nuôi trồng thủy sản và 684 lồng nuôi cá trên sông tại 6 xã, nuôi cá theo quy trình VietGAP là hướng đi phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của huyện, giúp các vùng nuôi ít xảy ra dịch bệnh, chất lượng sản phẩm tăng, nâng cao giá trị sản xuất. Trong suốt quá trình nuôi thả, cán bộ kỹ thuật của ngành Nông nghiệp thường xuyên hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, tư vấn thuốc phòng bệnh, xử lý chất thải khi nuôi, bảo đảm chất lượng và hiệu quả tại từng ao. Khi áp dụng VietGap, cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng được 4 tiêu chí cơ bản là bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Tuy nhiên, băn khoăn các hộ nuôi cá VietGap là mặc dù quá trình để được cấp giấy chứng nhận tốn nhiều công sức, nhưng việc tiêu thụ cá không có gì thay đổi. Sản phẩm chủ yếu được bán qua thương lái với giá bấp bênh. Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, cá bị ép xuống giá thấp nhưng thức ăn chăn nuôi lại tăng cao khiến người chăn nuôi lao đao. Mong muốn của các hộ là được các cấp, ngành quan tâm kết nối để sản phẩm an toàn có thể vào được các siêu thị, bếp ăn tập thể với giá thành ổn định. Tiếp tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, kỹ thuật để phát huy lợi thế nguồn nước, đưa phong trào nuôi cá bài bản theo quy trình VietGap trở thành giải pháp làm kinh tế bền vững cho nông dân.

Huyền Thương

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang