Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 22/07/2021
Ngày cập nhật:
25/7/2021
Với khoảng 12,5 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ của các hộ dân, tổ hợp tác mang lại hiệu quả cao.
Thuận đầu ra
Có thâm niên hơn 30 năm ương cá giống, bà Nguyễn Thị Nụ (SN 1966) ở thôn Khánh Ninh, xã Ngọc Châu (Tân Yên) hiểu rõ những vui, buồn của nghề “con mọn” này. Theo lời bà, cá giống là loại cá nhỏ, dễ chết nên quá trình nuôi ương, thâm canh, thu hoạch, vận chuyển mang đi tiêu thụ phải có kỹ thuật.
Nhờ có hợp đồng liên kết, cá giống của gia đình bà Nguyễn Thị Nụ tiêu thụ thuận lợi.
Để bảo đảm chất lượng con giống và năng suất, gia đình thường xuyên cải tạo ao, thay nước, vệ sinh theo định kỳ, cho cá ăn đúng giờ, bảo đảm lượng thức ăn. Kỹ thuật nuôi ương là thế song để cá đến được khách hàng cũng đầy gian nan.
Trước đây, gia đình bà từng có thời gian gặp khó khi trên địa bàn xuất hiện nhiều cơ sở nuôi ương, lượng khách hàng giảm. Có thời điểm, cá giống không bán được, phải cải tạo khu ao nuôi để chuyển sang nuôi cá thương phẩm. Khắc phục, vài năm trước, thông qua một người bạn, bà Nụ liên kết với một cơ sở bán cá giống lớn tại tỉnh Hải Dương.
Từ đó đến nay, hằng năm hai bên đều ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ cá giống. “Mỗi năm tôi sản xuất gần 2 triệu cá giống các loại, chủ yếu là rô phi, chép, trôi, trắm… trong đó khoảng 30% tiêu thụ ổn định theo hợp đồng với đối tác ở Hải Dương. Số còn lại có lượng khách hàng “ruột” nên vài tháng nay, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song cá giống sản xuất đến đâu tiêu thụ hết”, bà Nụ chia sẻ.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), hiện nay, diện tích nuôi thuỷ sản toàn tỉnh khoảng 12,5 nghìn ha; trong đó nuôi thâm canh hơn 1,6 nghìn ha, nuôi bán thâm canh hơn 2,7 nghìn ha...
Thực tế cho thấy, để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ chủ động tìm đối tác để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Ví như Hợp tác xã (HTX) Thủy sản cựu chiến binh xã Minh Đức (Việt Yên) tìm kiếm, chuẩn bị ký hợp đồng sản xuất cá rô phi xuất khẩu với một doanh nghiệp (DN) ở phía Nam. Khi hợp đồng được ký kết, các thành viên có điều kiện tăng số lượng cá trong ao gấp đôi bởi yêu cầu của họ chỉ là cá cỡ nhỏ. Cùng đó thời gian nuôi rút ngắn nên có thể sản xuất 3 vụ/năm. Hay như HTX nuôi trồng thủy sản Quỳnh Anh, thôn Mỹ Tượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng) có liên kết tiêu thụ toàn bộ sản lượng cá hằng năm với các nhà hàng, bếp ăn công nghiệp trên địa bàn.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đang xây dựng chuỗi liên kết cung cấp cá giống với một DN có uy tín tại Hải Phòng, bảo đảm cá giống có nguồn gốc. “Khi chọn được đối tác cung ứng giống có uy tín thì tỷ lệ cá sống sẽ cao, chất lượng bảo đảm. Khi đó, chúng tôi không lo đầu ra khi cá đến kỳ thu hoạch”, ông Trần Văn Phú, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Quỳnh Anh nói.
Hỗ trợ công nghệ, hình thành chuỗi
Thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), hiện nay, diện tích nuôi thuỷ sản toàn tỉnh khoảng 12,5 nghìn ha, trong đó thâm canh hơn 1,6 nghìn ha, bán thâm canh hơn 2,7 nghìn ha...
Mặc dù hình thức thâm canh được quan tâm, bước đầu khẳng định hiệu quả song tỷ lệ diện tích nuôi theo hình thức này vẫn thấp, nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành vùng quy mô lớn; chưa thu hút nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực này để hình thành chuỗi liên kết. Nhiều hộ nuôi thủy sản cho rằng, hầu hết vẫn tự sản, tự tiêu. Có nhiều hộ thu hàng chục tấn cá song phải chủ động tìm đầu ra, có trường hợp phải mang ra chợ bán lẻ.
Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid, nhiều hộ, tổ hợp tác, HTX nuôi thủy sản gặp khó khi lứa cá đến thời kỳ thu hoạch. Nhiều gia đình dù đã có liên kết song đối tác khó vào thu mua, chấp nhận bán cho thương lái với giá thấp. “Dịch Covid-19 đúng lúc hơn 4 mẫu ao của gia đình cho thu hoạch cá. Do không có liên kết, chúng tôi chấp nhận bán thấp hơn 10 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên nếu không bán thì lỗ vì phải cho cá ăn, tỷ lệ cá chết tăng”, một người nuôi thủy sản tại xã Đại Lâm (Lạng Giang) chia sẻ.
Nắm bắt những khó khăn này, mới đây, Chi cục Thủy sản phối hợp với đơn vị cung ứng tổ chức cấp, hỗ trợ hơn 20 bộ thiết bị tự động hóa (1 máy cho ăn, 2 máy quạt nước và 1 tủ điện) cho các hộ nuôi thủy sản tại huyện Việt Yên, Tân Yên. Đây là một phần của Đề án phát triển tự động hóa trong nuôi trồng thủy sản thâm canh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025.
Với bộ thiết bị này, người dân có thể theo dõi, cài đặt chế độ ăn, thời gian quạt nước tạo oxy trên ứng dụng điện thoại thông minh. Cùng đó, thực hiện Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Chi cục cũng hướng dẫn xây dựng 3 chuỗi liên kết tại các huyện: Yên Dũng, Tân Yên và Việt Yên.
“Cùng với triển khai hỗ trợ 3 chuỗi liên kết này, trong năm 2021, chúng tôi mở các lớp tập huấn để hướng dẫn các hộ khắc phục những hạn chế về kỹ thuật trong nuôi trồng cũng như liên kết. Trong đó, khuyến khích sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm”, bà Nguyễn Thu Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.