Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 14/01/2021
Ngày cập nhật:
19/1/2021
Mô hình nuôi cá “sông trong ao” đã và đang phát huy được nhiều ưu điểm trong phát triển thủy sản, có nhiều điều kiện thuận lợi có thể nhân ra diện rộng ở Tam Nông.
Có lợi thế về diện tích mặt nước, truyền thống và kinh nghiệm nuôi thủy sản song năng suất và sản lượng thủy sản của huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) chưa thực sự xứng với tiềm năng. Vì vậy, để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, Tam Nông đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển thủy sản, trở thành một trong những chương trình kinh tế trọng điểm của huyện. Huyện Tam Nông hiện có 1.180ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó có trên 694ha nuôi thâm canh và bán thâm canh, tập trung ở các xã như: Thọ Văn, Dị Nậu, Tứ Mỹ, Thanh Uyên, Lam Sơn… Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh đã tăng hơn 20ha so với năm 2017. Năng suất trung bình trong nuôi trồng thủy sản của Tam Nông đạt khoảng 40,7 tạ/ha, tăng gần 1,7 tạ/ha; sản lượng trung bình đạt trên 4.800 tấn/năm, tăng gần 2.000 tấn so với năm 2017, giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt trên 144 tỷ đồng năm 2020. Tuy nhiên, diện tích nuôi quảng canh ở Tam Nông vẫn còn khá lớn, trong đó có cả các khu vực có diện tích mặt nước lớn, tập trung. Hầu hết người nuôi thủy sản đều dựa trên kinh nghiệm, trao đổi lẫn nhau; việc tập huấn kỹ thuật còn ít. Cán bộ nông nghiệp có chuyên môn về thủy sản thiếu khiến cho việc hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nuôi gặp nhiều hạn chế…
Phát huy tiềm năng, thế mạnh, huyện Tam Nông đã có định hướng và xây dựng đề án phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung quy hoạch vùng thủy sản, chú trọng phát triển, khuyến khích xây dựng vùng nuôi tập trung, thay đổi tập quán nuôi thủy sản nhỏ lẻ theo lối quảng canh, bán thâm canh sang đầu tư thâm canh, từ các loại cá truyền thống sang các loại cá thương phẩm có giá trị cao như: Lăng, nheo, diêu hồng, chép lai… nâng cao hiệu quả sử dụng mặt nước. Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, tín dụng chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay cho người nuôi cá, giúp các hộ dân thuê diện tích đất, mặt nước để đầu tư, mở rộng diện tích nuôi thả.
Để tạo điều kiện cho người nuôi thủy sản được học tập, tham quan, tham khảo các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, huyện đã tổ chức cho các hộ nuôi, cán bộ khuyến nông và lãnh đạo các xã tham quan các mô hình như nuôi cá sông trong ao; thâm canh cá trong hồ lớn, nuôi trai nước ngọt lấy ngọc; nuôi cá trạch đồng, tôm đồng, ốc nhồi… tại các tỉnh có thế mạnh về thủy sản, từ đó, áp dụng vào sản xuất tại địa phương. Bên cạnh đó, các mô hình như nuôi cá sông trong ao, ốc nhồi thương phẩm, cá trê lai, ếch thương phẩm được Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thủy sản chuyển giao đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cách nuôi truyền thống.
Đặc biệt, để người nuôi yên tâm đầu tư, UBND huyện đã khảo sát và tiến hành ký hợp đồng đấu thầu với thời hạn 20 năm cho 7 hộ có diện tích mặt nước lớn, UBND các xã đã ký 35 hợp đồng đấu thầu với thời hạn 5 năm cho các hộ có diện tích mặt nước lớn hơn 2,1ha, sản xuất theo quy mô trang trại. Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho phát triển thủy sản, trong 3 năm qua nguồn ngân sách tỉnh và huyện đã hỗ trợ cho 31 trang trại tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ giá con giống, xây dựng hạ tầng đã giúp các hộ nuôi thủy sản giảm bớt kinh phí đầu tư; có thêm vốn đầu tư thâm canh…
Nhờ có sự thay đổi, kéo dài thời gian thuê mặt nước, nhiều hộ nuôi thủy sản ở Tam Nông đã yên tâm đầu tư thâm canh, tăng năng suất và sản lượng.
Ông Tạ Văn Long, một hộ nuôi thủy sản ở xã Thọ Văn cho biết: Trước đây, thời gian đấu thầu thường chỉ được 2-3 năm. Diện tích trên 10ha thì được 5 năm nên chúng tôi chủ yếu nuôi thả theo hình thức quảng canh bởi nếu đầu tư lớn, hết hạn mình không đấu thầu lại được thì lỗ. Nay được thuê mặt nước với thời gian lâu dài, những người nuôi trồng thủy sản như chúng tôi sẽ yên tâm đầu tư về hạ tầng, thâm canh.
Gia đình ông Trương Xuân Đài ở xã Dị Nậu có hơn 48ha mặt nước chuyên nuôi thủy sản, mỗi năm gia đình ông thu hoạch khoảng 190 tấn cá, kết hợp với trồng sen và nuôi vịt đẻ, trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập bình quân trên 2 tỷ đồng/năm, Đến thời kỳ khai thác, ông chỉ cần điện thoại là thương lái đến tận nhà, không phải lo lắng tìm đầu ra. Các loại cá của gia đình ông luôn được thương lái đánh giá cao do chất lượng thịt thơm, ngon bởi nuôi thả và sử dụng nhiều thức ăn tự nhiên… Ông cho biết: Hiện nay, nhu cầu về thực phẩm sạch, trong đó có thủy sản của người tiêu dùng ngày càng cao. Trước thực tế đó, người sản xuất như chúng tôi bắt buộc phải thỏa mãn các yếu tố là làm sao vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, vừa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Theo đánh giá của một số hộ có kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản lâu năm, diện tích mặt nước lớn, tập trung, vừa là lợi thế nhưng cũng là một khó khăn trong phát triển thủy sản ở Tam Nông. Nguyên nhân chính là do diện tích lớn khiến cho việc nuôi thâm canh gặp khó khăn do nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn, nhất là việc chia ô, thửa, mua thức ăn phù hợp với từng loại cá. Diện tích nuôi quảng canh trên địa bàn huyện lớn, sản phẩm chủ yếu vẫn là các loại cá truyền thống; tỷ lệ cá có giá trị kinh tế cao còn ít, mức đầu tư của người nuôi còn hạn chế. Ngoài một số hộ đã có sự liên kết với thương lái thì đa phần người nuôi vẫn còn khó khăn trong khâu tìm kiếm và tiếp cận thị trường...
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông cho biết: Để tận dụng và khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh thủy sản của huyện, thời gian tới đây, Tam Nông sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, đặc biệt là hỗ trợ và khuyến khích người nuôi theo hướng tập trung thâm canh, sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Huyện cũng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn để xây dựng mô hình mới, nhân rộng những mô hình đạt hiệu quả cao; chú trọng phát triển các loại cá đặc sản, tiến tới thực hiện gắn tem, nhãn truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu cho thủy sản Tam Nông…
Quân Lâm
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.