Nguồn tin: Báo Bình Định, 11/08/2021
Ngày cập nhật:
13/8/2021
Ðến nay, người nuôi tôm trong tỉnh Bình Định đã thả gần 2.000 ha nuôi tôm nước lợ vụ 2. Ðể đảm bảo thành công trong sản xuất, các đơn vị chức năng, địa phương, DN, người nuôi tôm đã chủ động phòng, chống dịch bệnh tôm ngay từ khi bắt đầu thả con giống.
Để công tác phòng chống dịch bệnh đạt kết quả tốt, ngày 28.7 vừa qua, UBND tỉnh gửi văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ tỉnh Bình Định 50 tấn hóa chất khử trùng xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản từ nguồn dự trữ quốc gia. Ngày 4.8, Bộ NN&PTNT có quyết định về việc xuất cấp (không thu tiền) 40 tấn hóa chất Chlorine 65% min hỗ trợ tỉnh Bình Định phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
Ông Phạm Tấn Hương (thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) chú trọng phòng, chống dịch bệnh khi nuôi tôm thâm canh trong ao trải bạt. Ảnh: HOÀI THU
Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), cho biết: Số hóa chất này sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng chống dịch, bệnh tôm ở nhiều địa phương trong tỉnh thời gian tới. Khi tình hình dịch Covid-19 tạm ổn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tổ chức tập huấn thêm về kỹ thuật nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho tôm. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục tập trung tối đa nguồn lực hỗ trợ nhanh chóng dập dịch bệnh ở các vùng nuôi tôm nếu có xảy ra. Người nuôi tôm, khi có dịch bệnh cần báo ngay cho các đơn vị chức năng để được hướng dẫn, không nên tự xử lý không đúng cách sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh...
Trong tình hình nắng nóng kéo dài, tôm dễ bị bệnh do biến đổi thời tiết, môi trường, việc thực hiện quan trắc môi trường càng được đơn vị chức năng quan tâm. Trong tháng 7.2021, Chi cục Thủy sản đã thực hiện 2 đợt quan trắc môi trường để kiểm tra các thông số, từ đó cảnh báo, đề xuất, khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật kịp thời đến người nuôi để điều chỉnh, quản lý môi trường nuôi. Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản, cho biết: Để góp phần hỗ trợ người nuôi tôm vụ 2 đạt kết quả tốt, Chi cục Thủy sản chỉ đạo các phòng chuyên môn tiếp tục theo dõi, cập nhật, tổng hợp, báo cáo diễn biến tình hình nuôi tôm kịp thời, để có ý kiến đề xuất, tham mưu lãnh đạo Sở NN&PTNT trong công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất. Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nuôi tôm thương phẩm, sản xuất giống tôm, dịch vụ kinh doanh thức ăn cho tôm, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi tôm. Tiếp tục chú trọng công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi tôm.
Một số DN sản xuất tôm có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư nhiều hơn cho phòng, chống dịch bệnh tôm. Trong đó, Tập đoàn Việt Úc đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch giám sát chủ động tôm nuôi năm 2021 tại Công ty TNHH Việt - Úc Phù Mỹ (nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao) và Công ty CP Việt - Úc Bình Định (sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao). Giữa tháng 7.2021, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm cho phòng xét nghiệm realtime PCR của Công ty CP Việt - Úc Bình Định để áp dụng các kỹ thuật hiện đại phát hiện các loại vi rút, vi khuẩn gây một số bệnh cho tôm.
Thời gian qua, nhận thức về việc chủ động phòng, chống dịch bệnh tôm ở người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Lê Thanh Tâm, Chi hội trưởng Chi hội nuôi tôm cộng đồng ở thôn Đông Điền (xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước), chia sẻ: Các thành viên trong chi hội nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến đang thả nuôi tôm thẻ chân trắng vụ 2 ở tổng cộng 43 ao. Rút kinh nghiệm từ việc nhiều diện tích tôm bị dịch bệnh gây thiệt hại năm ngoái, chúng tôi thống nhất cùng thực hiện tốt hơn việc phòng, chống dịch bệnh trong vụ 1. Xong đâu đó tổ chức rút kinh nghiệm để vụ 2 làm tốt hơn, từ việc cải tạo ao nuôi cho đến việc chọn tôm giống, nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng và nguồn gốc rõ ràng, xử lý nguồn nước nuôi tôm đảm bảo yêu cầu.
Còn theo ông Phạm Tấn Hương, người nuôi tôm thâm canh trong ao trải bạt tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, bên cạnh kinh nghiệm tích lũy của từng người nuôi tôm, thì việc chủ động tuân thủ đúng theo lịch vụ, những hướng dẫn, khuyến cáo của đơn vị chức năng, nhất là khi nắng nóng kéo dài như hiện nay, góp phần quan trọng trong phòng chống dịch, bệnh như thực tế ông áp dụng những năm qua.
HOÀI THU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.