• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tôm càng xanh trên đất lúa chuyển đổi

Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 16/08/2021
Ngày cập nhật: 17/8/2021

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế từ những vùng đất nhiễm mặn, đất trồng lúa kém hiệu quả, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Quảng Bình đã thực hiện nhiều mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa chuyển đổi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Tôm càng xanh là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, kích cỡ tương đối lớn, thịt tôm thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Từ năm 2018, Trung tâm KNKN tỉnh đã thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả tại một số địa phương trên địa bàn huyện Quảng Ninh và Bố Trạch.

Kết quả từ những mô hình nuôi thử nghiệm này cho thấy tôm càng xanh thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tỉnh Quảng Bình, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, Trung tâm KNKN tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa chuyển đổi gắn với tiêu thụ sản phẩm tại các xã: Hồng Thủy (Lệ Thủy), Gia Ninh, Hàm Ninh, Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) và Đức Ninh (TP. Đồng Hới) với diện tích 4,7ha.

Bà Hồ Thị Thủy, Phó trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm KNKN tỉnh cho biết, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa chuyển đổi gắn với tiêu thụ sản phẩm được triển khai thực hiện tại 8 hộ nuôi tôm trên địa bàn các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và TP. Đồng Hới.

Mục tiêu của mô hình là chuyển đổi những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh thương phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng hiệu quả kinh tế.

Tham gia mô hình, người dân được Trung tâm KNKN tỉnh hỗ trợ 50% giống và 50% vật tư (thuốc, thức ăn…); cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi và hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký sản xuất.

Trước khi thực hiện, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật nuôi, quy trình chăm sóc và cách phòng trừ dịch hại trên tôm. Giống tôm được chọn thả là giống tôm càng xanh toàn đực được mua tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II.

Ông Lê Hùng, xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) cho biết: “Lần đầu tiên, tôi tham gia nuôi tôm càng xanh toàn đực trên 0,5ha đất lúa kém hiệu quả nên còn khá nhiều bỡ ngỡ. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Trung tâm KNKN tỉnh, tôi đã khắc phục kịp thời những sự cố trong ao nuôi do ảnh hưởng của thời tiết. Cái hay của nuôi tôm càng xanh là không phải phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn trên thị trường vì có thể tận dụng nguồn thức sẵn có để bổ sung cho tôm, như: cá tạp, tép...”.

Do thời gian nuôi tôm rơi vào thời điểm nắng nóng, thời tiết thay đổi liên tục, các hộ nuôi còn thiếu kinh nghiệm trong nuôi tôm càng xanh nên cán bộ kỹ thuật của Trung tâm KNKN tỉnh thường xuyên bám hộ, bám mô hình để kịp thời phát hiện những thay đổi trong môi trường nước.

Kết quả kiểm tra sau 5 tháng nuôi ở các hộ dân cho thấy, tôm sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng bình quân khi thu hoạch đạt 25-30con/kg, tỷ lệ sống đạt 50%, sản lượng thu được bình quân mỗi hộ 2.000kg, với giá bán 200.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hộ thu được lợi nhuận gần 120 triệu đồng.

Tôm càng xanh trong ao nuôi của ông Lê Hùng, xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) sinh trưởng và phát triển tốt.

Thời điểm hiện tại, nhiều hộ nuôi tôm đã tiến hành thu hoạch tôm. Ông Đặng Văn Thỏn, xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) cho biết: “Đầu vụ, tôi thả 60.000 con tôm càng xanh giống, sau một thời gian nuôi và chăm sóc tôm theo đúng quy trình kỹ thuật, hiện gia đình đã bắt đầu thu hoạch tôm để bán dần cho người dân trên địa bàn. Tôm từ 25-30 con/kg, có giá bán từ 180.000-200.000 đồng/kg. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên giá bán tôm không được cao nhưng gia đình tôi vẫn rất phấn khởi và sẽ tiếp tục nhân rộng, phát triển mô hình trong thời gian tới”.

Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh, tôm càng xanh là đối tượng nuôi khá mới, nhu cầu tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh. Để hỗ trợ người dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm đã kết nối, giới thiệu, quảng bá rộng rãi sản phẩm tôm càng xanh đến người tiêu dùng.

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa chuyển đổi bước đầu đã mang lại hiệu quả cao. Mô hình không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản.

"Người dân đã chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phòng chống dịch hại trên tôm. Quy trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa chuyển đổi áp dụng cân bằng sinh học không tác động đến môi trường, giảm thiểu dịch bệnh, tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu", ông Hải cho biết thêm.

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa chuyển đổi gắn với tiêu thụ sản phẩm được các hộ nuôi đánh giá cao, người dân xem đây là đối tượng nuôi mới có thể thay thế đối tượng nuôi truyền thống trước đây. Từ hiệu quả của mô hình, nhiều người dân trong vùng và các địa phương lân cận đã tham quan học hỏi và áp dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, để nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả, Trung tâm KNKN tỉnh khuyến cáo người dân cần chọn nguồn giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín; môi trường nuôi là đất ruộng chuyển đổi thường nhiều dịch hại nên công tác cải tạo ao nuôi cần chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân thủ tuyệt đối các quy trình kỹ thuật nuôi.

Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn cho biết: “Nuôi tôm càng xanh toàn đực trên diện tích lúa chuyển đổi không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng làm thay đổi thói quen sản xuất truyền thống, hướng đến sản xuất hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình nuôi tôm càng xanh trên diện tích lúa nhiễm mặn, đất trồng lúa kém hiệu quả để nâng cao thu nhập”.

Lan Chi

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang