Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 20/01/2021
Ngày cập nhật:
21/1/2021
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng năm 2020 đạt 74.961,2ha, đạt 101,7% so với kế hoạch, với tổng sản lượng ước đạt 276.335 tấn, bằng 131% so với cùng kỳ và kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 823 triệu USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ… là những con số minh chứng một cách thuyết phục nhất cho sự thành công của ngành thủy sản Sóc Trăng trong năm 2020 đầy khó khăn, thử thách.
Nhờ khống chế tỷ lệ thiệt hại dưới 10% và năng suất tôm trung bình cao nên sản lượng tôm năm 2020 của tỉnh tăng 24,8% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh khó khăn về hạn, mặn, mưa bão và đặc biệt là dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu làm gián đoạn chuỗi cung ứng tôm. Có những thời điểm, tiến độ thả giống tôm nuôi của Sóc Trăng diễn ra khá chậm nhưng rất hiệu quả do đã được đúc kết kinh nghiệm từ những năm trước. Và tất cả đã được minh chứng qua những con số không thể ấn tượng hơn, cụ thể như: diện tích thả nuôi tôm nước lợ được 51.431ha, đạt 102% kế hoạch, trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm 72% diện tích và đặc biệt là diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh năm nay chiếm đến 94,3% diện tích thả nuôi. Diện tích trên cùng với việc khống chế tỷ lệ thiệt hại tôm nuôi ở mức dưới 10% và năng suất bình quân của tôm thẻ đạt 4,7 tấn/ha, tôm sú 1,7 tấn/ha đã góp phần đưa sản lượng tôm nuôi ở Sóc Trăng ước đạt gần 188.000 tấn, vượt 12,5% kế hoạch và tăng 24,8% so với cùng kỳ.
Đánh giá về nguyên nhân thành công của vụ tôm nước lợ năm 2020, Ths. Quách Thị Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết: “Thành công trên có được là nhờ tổng hòa của nhiều yếu tố, như: được sự chỉ đạo sát sao của các cấp từ Trung ương đến địa phương, cùng với sự nỗ lực của ngành trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý và đặc biệt là sự nỗ lực, sáng tạo của người dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, cho nên nhìn chung kết quả nuôi trồng thủy sản của tỉnh Sóc Trăng năm 2020 thắng lợi. Cụ thể như: tỷ lệ diện tích nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh tăng lên; người nuôi ý thức trong vấn đề chọn con giống, cải tạo ao nuôi kỹ trước vụ nuôi, áp dụng các mô hình nuôi tôm lót bạt, nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, tuân thủ lịch mùa vụ... giúp năng suất trung bình năm 2020 cao hơn so với cùng kỳ các năm trước, góp phần làm tăng sản lượng tôm nuôi trong năm”.
Bên cạnh đối tượng nuôi chủ lực là con tôm nước lợ, một số đối tượng thủy sản mặn, lợ, ngọt khác cũng được quan tâm phát triển với tổng diện tích thả nuôi ước đạt 23.530ha và ước sản lượng đạt 88.395,4 tấn, đạt 112,9% kế hoạch. Đối với vùng mặn, lợ, nông dân còn thả nuôi 629ha artemia; 1.354,3ha cua biển; 310ha cá kèo và 112,9ha các loài cá khác (cá chẽm, cá dứa, cá lóc, cá bông lau, cá rô phi…). Đây là những đối tượng được nuôi xen canh hoặc luân canh tại các vùng nuôi tôm Vĩnh Châu và một số ít ở Mỹ Xuyên, Trần Đề và Cù Lao Dung nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi, cắt đứt mầm bệnh trong ao nuôi.
Cũng theo Ths Bình, để có được kết quả trên, trong năm, ngành đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là công tác quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh để thông báo kịp thời đến người nuôi. Trong năm, ngành đã tổ chức đo nhanh các yếu tố môi trường với 5.088 mẫu các chỉ tiêu tại hiện trường (nhiệt độ, độ mặn, pH, độ kiềm, độ trong và oxy hòa tan). Dựa trên kết quả quan trắc môi trường nước hàng tuần, các đơn vị đưa ra những khuyến cáo đến người nuôi, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội tôm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài PT-TH, email, zalo... Ngoài ra, trong bảng thông báo kết quả quan trắc cũng được kết hợp với các thông tin cảnh báo dịch bệnh, các văn bản khuyến cáo nuôi tôm của các ngành chuyên môn (TCTS) phổ biến người dân.
Trên cơ sở kết quả đạt được của năm 2020, phát huy tiềm năng điều kiện tự nhiên về nuôi tôm nước lợ, các lợi thế về thị trường, công nghệ, năng lực chế biến thủy sản, ngành đã đề ra kế hoạch phát triển ngành thủy sản năm 2021, như: tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 75.000ha; trong đó, nuôi tôm nước lợ 51.000ha (tôm sú 16.000ha, tôm thẻ chân trắng 35.000ha), nuôi thủy sản nước ngọt 22.650ha (cá tra 100ha; tôm càng xanh 100ha; cá các loại 22.450ha), nuôi thủy sản khác 1.350ha. Tổng sản lượng nuôi thủy sản là 250.600 tấn, gồm: tôm nước lợ 172.000 tấn (tôm sú 24.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 148.000 tấn), cá tra 25.000 tấn, tôm càng xanh 50 tấn, cá các loại 53.160 tấn và thủy sản khác 390 tấn.
Tại hội nghị tổng kết kết quả sản xuất vụ tôm nước lợ năm 2020 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021 vào ngày 24-12, các đại biểu tham dự hội nghị đều có chung mối quan tâm là làm sao kéo dài chuỗi thành công cho ngành tôm của tỉnh như mấy năm gần đây. PGS.TS Trương Quốc Phú – Trưởng Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, sự hỗ trợ và liên kết chuyển giao khoa học công nghệ với Sóc Trăng thời gian qua là rất hiệu quả. TS Phú cũng thông tin đến hội nghị về kết quả thử nghiệm 2 mô hình nuôi mới hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào mà Khoa Thủy sản đã thực hiện rất thành công. Hiện Khoa Thủy sản đang phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh triển khai mô hình trình diễn trên diện tích 1ha tại phường Vĩnh Phước, TX. Vĩnh Châu, dự kiến sẽ tiến hành thả giống vào đầu tháng 1-2021.
TÍCH CHU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.