Nguồn tin: Báo Cà Mau, 28/08/2021
Ngày cập nhật:
29/8/2021
Một số hộ nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh (STC) trên địa bàn tỉnh Cà Mau phản ảnh việc hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, nhất là thức ăn tôm đang thiếu và tôm thì chưa bán được, do vướng nhiều thủ tục trong phòng chống dịch trong thời gian thực hiện giãn cách.
“Lúc 7 giờ 30 phút sáng 27/8, đại lý có cho các tài xế đi test nhanh tại điểm Phòng chống dịch Phường 5 và đã được cấp Giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, cùng các giấy tờ theo quy định đầy đủ, nhưng khi đi giao hàng tới chốt kiểm soát dịch bệnh gần cầu Lương Thế Trân thì không cho qua, tài xế của tôi phải quay về”, chủ Đại lý thuốc thuỷ sản, thức ăn tôm giống Như Ý, đường Nguyễn Tất Thành, Phường 8, TP Cà Mau, cho biết.
Ông Hồ Văn Lực, ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước cho biết: “Hiện tại, sau gần 100 ngày nuôi, tôm đạt kích cỡ 30 con/ kg, muốn bán để thu hồi vốn và trang trải cuộc sống trong tình hình dịch bệnh khó khăn, nhưng kêu lái bán thì chưa được, còn nuôi tiếp thì thức ăn vận chuyển cũng khó khăn, cùng với sức tải môi trường ao nuôi cũng đến ngưỡng. Gia đình rất lo lắng”.
Còn anh Nguyễn Trọng Hiếu, ấp Thuận Hoà, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, thì đang trong tình trạng lo lắng hơn khi tôm đã 30 con/ kg. Anh cho biết: “3 ngày nay không nhận được thức ăn tôm, ao tôm thì đã hết sức tải do ao nhỏ, kêu lái bán vẫn chưa bán được, thương lái nói cứ chờ… Nếu vẫn không nhận được thức ăn tôm, cũng như không bán tôm được thì vụ nuôi này thực sự khó khăn”.
Với lượng tôm khoảng 3 tấn dưới ao thì tiêu thụ ít nhất cũng 100 kg thức ăn/ ngày. Trong khi đó, lượng thức ăn nhận được từ đại lý để dự trữ là không nhiều như trước và đồng nghĩa với việc trong khoảng thời gian từ 2-3 ngày không nhận được thức ăn từ đại lý thì họ không còn thức ăn cho tôm để duy trì mô hình.
Theo chủ Đại lý thuốc thuỷ sản, thức ăn tôm giống Như Ý: “Nhằm hỗ trợ khách hàng nuôi tôm, thức ăn luôn sẵn sàng chở đến cho nông dân, nhưng hàng đã chất lên xe 3 ngày qua mà vẫn chưa thể thông chốt, để chuyển thức ăn đến cho hộ nuôi. Nhiều hộ nuôi rất nóng lòng”.
Qua những phản ảnh về khó khăn của bà con nuôi tôm cũng như đại lý thức ăn trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp cũng đã có những ghi nhận, kiến nghị đến UBND tỉnh để tháo gỡ khó khăn trên, nhằm đảm bảo cho việc vận chuyển thức ăn đến người nuôi tôm nhanh nhất.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Châu Công Bằng, cho biết: “Theo nội dung Công văn số 4800/UBND-KT ngày 25/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc hướng dẫn quản lý người và phương tiện hoạt động trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, có quy định hoạt động vận chuyển hàng hoá, ngoài việc phải có thẻ nhận diện QR-code, kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực của tài xế và người đi cùng phương tiện, doanh nghiệp phải đăng ký với UBND cấp huyện”.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Cà Mau đã ban hành Công văn số 2298/UBND-KT ngày 25/8/2021, yêu cầu các phương tiện vận tải khi hoạt động nội tỉnh ngoài việc phải có thẻ nhận diện QR-code đối với phương tiện, kết quả xét nghiệm âm tính của tài xế và người đi cùng xe, phải được UBND thành phố cấp giấy phép hoạt động mới đủ điều kiện thực hiện vận chuyển hàng hoá.
Ông Châu Công Bằng cho biết thêm: “Cà Mau là tỉnh cuối của cung đường, nên tất cả các phương tiện khi đến đều có các hoạt động trực tiếp tại Cà Mau, chứ không chỉ chạy ngang qua như các tỉnh tuyến trên. Việc kiểm soát người và phương tiện vào Cà Mau là vô cùng quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Đã qua, nhiều trường hợp phương tiện ngoài tỉnh vào làm phát sinh ổ dịch rất phức tạp, nên tỉnh quyết định cho thực hiện test nhanh tại các chốt (thủ tục nhanh gọn, nếu âm tính thì đi ngay, không gây trở ngại cho lưu thông), nhằm góp phần cho công tác phòng chống dịch của Cà Mau chặt chẽ, hiệu quả hơn. Rất mong mọi người hiểu, thông cảm cho các cơ quan thực thi nhiệm vụ và hợp tác tốt”.
Trước tình hình trên, chiều ngày 27/8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đã ký Công văn số 4848 về việc cấp Thẻ nhận diện (logo) cho phương tiện vận chuyển hàng hoá hoạt động nội tỉnh. Nội dung ghi rõ: “Thống nhất chủ trương giao Sở Giao thông vận tải cấp thẻ nhận diện (logo) cho tất cả các phương tiện (bao gồm lái xe và người trên xe) của đơn vị vận tải, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh và cá nhân tham gia hoạt động vận chuyển hàng hoá nội tỉnh. Các phương tiện nêu trên đã được Sở Giao thông vận tải cấp logo thì không phải đăng ký với UBND cấp huyện. Yêu cầu các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan khẩn trương liên hệ (đăng ký trực tuyến) với Sở Giao thông vận tải để được cấp logo theo quy định; đồng thời phải thực hiện nghiêm việc ghi “Sổ nhật ký phương tiện hoạt động nội tỉnh” đã được Sở Giao thông vận tải quy định tại Công văn số 1774/SGTVT-VT ngày 26/8. Trong quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan liên hệ Sở Giao thông vận tải để được hướng dẫn”.
Từ sự hỗ trợ nhanh của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã giúp cho các đại lý được thông chốt kiểm soát, thức ăn được đưa đến tận ao nuôi tôm cho người dân.
“Các anh đã tháo gỡ khó khăn kịp thời cho đại lý, hộ nuôi và người thu mua tôm… em thành thật cám ơn các anh nhiều”, chủ đại lý thức ăn tôm Như Ý chia sẻ./.
Diệu Lữ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.