• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làm giàu từ nuôi ba ba

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 02/09/2021
Ngày cập nhật: 6/9/2021

Anh Chu Quang Tôn, sinh năm 1982, người thôn Thọ Ninh, xã Phú Lương, huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh) là một trong những nông dân tiêu biểu phát triển kinh tế nhờ nuôi ba ba.

Nhìn cơ ngơi khang trang, sạch đẹp, gọn ghẽ cùng ngôi nhà mái bằng kiên cố rộng hơn 120m2 nhiều người không khỏi ngưỡng mộ, cảm phục ý chí vươn lên làm giàu của anh Chu Quang Tôn. “Nhờ nuôi ba ba mà vợ chồng tôi mua được khu đất 2 mẫu này. Ngoài phần làm nhà ở, sân, vườn trồng rau, nuôi gà, diện tích còn lại được quy hoạch thành 4 ao, trong đó 1 ao để nuôi ba ba thương phẩm, 2 ao thả ba ba giống và 1 ao nuôi cá làm thức ăn cho ba ba. Mỗi năm xuất bán gần 1 tấn ba ba thịt và khoảng 5 vạn ba ba giống với tổng doanh thu khoảng 1 tỷ đồng, trừ đi các chi phí còn thu lãi khoảng 300 triệu đồng”, anh Tôn chia sẻ.

Để có được thành quả như ngày hôm nay là cả một hành trình không ít gian nan. Năm 2005, tốt nghiệp Cao đẳng Bách khoa, anh Tôn đi làm trong khu công nghiệp rồi hướng dẫn viên du lịch. Sau hai năm bươn chải, vất vả nhưng thu nhập không cao, chàng trai chưa vợ bỏ việc về tìm hướng phát triển kinh tế ngay trên quê hương.

Sau nhiều trăn trở và quá trình tìm hiểu, anh Tôn quyết định nuôi con đặc sản- ba ba. Sẵn có 500m2 ao của gia đình, với số tiền tích cóp trong hai năm đi làm cộng với 70 triệu đồng vay mượn, anh Tôn tiến hành xây dựng ao nuôi, thả 300 con ba ba. Vào thời điểm đó, nuôi ba ba vẫn còn là nghề khá lạ lẫm, sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp chưa có, tuy trong thôn Thọ Ninh đã có một số hộ nuôi nhưng kinh nghiệm còn ít và “giấu nghề” khiến việc học hỏi kỹ thuật nuôi rất khó khăn. Mày mò mua sách về tự học, tham quan, học hỏi từ các trang trại cung cấp giống, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nên không tránh khỏi thất bại lứa ba ba đầu tiên bị mất trắng.

Anh Chu Quang Tôn (bên trái) trao đổi về kỹ thuật nuôi ba ba với người dân trong xã Phú Lương (tháng 4-2021).

Không nản lòng, anh Tôn tiếp tục vay vốn đầu tư, tích cực học tập, từng bước làm chủ kỹ thuật về chọn giống, tạo môi trường sống thuận lợi, chế biến thức ăn, cách chăm sóc, phòng ngừa và chữa bệnh cho ba ba… Nỗ lực không mệt mỏi được đền đáp xứng đáng khi những lứa ba ba khỏe mạnh, phát triển tốt nối tiếp “trúng vụ”. Có sản phẩm tốt rồi, anh Tôn lại mất không ít thời gian, công sức tìm đầu ra cho sản phẩm, bán cho thương lái xuất đi Trung Quốc, rồi giao cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh.

Việc làm ăn thuận lợi giúp anh Tôn phát triển kinh tế, mua được khu đất rộng 2 mẫu để mở rộng sản xuất. Sau khi ổn định phần nuôi ba ba thương phẩm, nhạy bén nắm bắt nhu cầu rất lớn của thị trường về con giống, anh Tôn cất công lên Yên Bái, Sơn La tìm hiểu và nhập về ba ba giống bán cho bà con Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Chất lượng giống tốt, nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi, lại kiêm cả bao tiêu sản phẩm nên lượng ba ba giống bán được nhiều, ổn định.

Đến nay, chỉ riêng xã Phú Lương có 125 hội nuôi ba ba, với kinh nghiệm 14 năm, trang trại của anh Tôn là một trong những trang trại ba ba lớn nhất huyện Lương Tài. Anh Chu Quang Tôn cho biết: “Nắm được kỹ thuật rồi thì nuôi ba ba không hề vất vả, lại cho hiệu quả kinh tế cao. Để nuôi thành công thì người nuôi phải hiểu rõ về chúng, trong đó kỹ thuật cho ăn rất quan trọng. Ba ba ăn các loại cá, ốc, gà, ăn nhiều khi trời nóng, ăn ít khi trời mát, trời rét thì không ăn gì mà ngủ đông. Thức ăn của ba ba phải bảo quản trong tủ bảo ôn. Trong quá trình nuôi cần giữ nguồn nước không bị ô nhiễm để tránh dịch bệnh. Hạn chế dùng thuốc kháng sinh mà dùng các cây dược liệu để phòng và chữa bệnh cho ba ba”.

Đổi đời nhờ nuôi con đặc sản và hành trình nuôi ba ba của anh Chu Quang Tôn là bài học sinh động, thuyết phục về tinh thần dám nghĩ, dám làm, nỗ lực, quyết tâm, không ngại khó, ngại khổ để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình.

Bảo Anh

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang