Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 21/01/2021
Ngày cập nhật:
22/1/2021
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xuất hiện rét đậm, rét hại và dự kiến sẽ còn kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có nuôi trồng thủy sản. Để chủ động bảo vệ động vật thủy sản trước tác động của thời tiết, thời điểm này tại các địa phương trong tỉnh, người nuôi thủy sản đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho các đối tượng nuôi.
Thu hoạch sớm đối với những diện tích nuôi tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm - Ảnh: L.A
Vụ nuôi tôm năm nay, ông Đặng Minh Đức ở tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thả nuôi tôm vụ đông trên diện tích gần 0,6 ha. Những ngày qua, dù trời mưa rét, gió thổi mạnh nhưng hằng đêm ông vẫn phải đánh vôi nông nghiệp và vôi Dolomite cho ao tôm để ổn định môi trường, hạn chế tác động của axit có trong nước mưa và cung cấp các khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của tôm. Với kinh nghiệm nuôi tôm nhiều năm, trước đó ông Đức cũng đã chủ động chuẩn bị các điều kiện để phòng, chống rét đậm, rét hại cho ao nuôi của mình như cấp thêm gần 30 cm nước, lắp đặt thêm 2 giàn quạt nước, tăng cường các loại men vi sinh để phân hủy chất thải. Theo ông Đức, nước sâu sẽ giúp nhiệt độ tầng đáy cao hơn, đảm bảo độ ấm ở tầng đáy; quạt nước giúp tăng cường độ ô xy hòa tan vào trong nước ao nuôi; còn men vi sinh sẽ làm sạch môi trường đáy ao, nơi tôm trú ẩn khi mưa rét.
Còn tại xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, trao đổi với chúng tôi khi vừa chèo thuyền đi kiểm tra các lồng nuôi cá của mình về, anh Phạm Văn Thiện cho biết, gia đình anh thường xuyên duy trì từ 5 - 7 lồng nuôi cá trên sông Ô Lâu. Ngoài nuôi các giống cá truyền thống như cá trắm cỏ, cá trê lai, anh còn nuôi thêm các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao là cá chình và cá leo. Theo anh Thiện, vào mùa đông, người nuôi cá cần chú trọng việc chăm sóc để nâng cao sức đề kháng cho đàn cá nuôi. Nắm bắt được đặc tính của cá là khi trời rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống thấp, cá thường giảm ăn nên người nuôi cá cần giảm lượng thức ăn so với những ngày bình thường để tránh dư thừa, vừa gây thất thoát lãng phí thức ăn vừa làm ô nhiễm môi trường nước. Thời điểm cho cá ăn cũng cần thay đổi khung giờ từ 13 - 15 giờ hằng ngày vì lúc này nhiệt độ ấm hơn. Ngoài ra, cần hạ thấp lồng nuôi, thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, treo túi vôi ở các góc lồng để khử trùng môi trường nước nhằm tiêu diệt, hạn chế mầm bệnh phát sinh gây hại cho cá…
Theo Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Đào Văn Trẫm, thời điểm này các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn huyện đang tích cực cải tạo ao hồ để sẵn sàng bước vào vụ nuôi mới. Riêng tại các ao nuôi vượt lũ, các ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, người dân đang tập trung chuẩn bị thu hoạch để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Những ngày qua thời tiết diễn biến bất thường, rét đậm kéo dài, do đó huyện đã tập trung tuyên truyền đến các hộ nuôi trồng thủy sản không được chủ quan, lơ là. Đối với ao nuôi cá cần nâng cao mực nước trong ao, có biện pháp che chắn bằng nilon hoặc thả bèo trên 1/3 diện tích ao. Khuyến cáo các hộ nuôi tôm tăng cường chạy máy sục khí để tạo nguồn lưu thông tăng lượng ô xy hòa tan trong ao. Có chế độ chăm sóc phù hợp, cho ăn bằng thức ăn đủ chất dinh dưỡng, thức ăn công nghiệp chất lượng cao; bổ sung thêm vitamin C và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Hướng dẫn khi nhiệt độ xuống dưới 18 độ C thì giảm từ 30 - 50% lượng thức ăn, khi nhiệt độ dưới 14 độ C thì ngừng cho ăn và không đánh bắt. Đồng thời khuyến cáo các hộ nuôi mới không thả giống vào những ngày nhiệt độ xuống thấp để tránh hao hụt.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam cho biết, để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết cực đoan đến các đối tượng thủy sản nuôi, các địa phương và người nuôi thủy sản trong tỉnh cần thường xuyên theo dõi thông tin diễn biến tình hình thời tiết để chủ động các biện pháp ứng phó khi nhiệt độ xuống thấp. Trong thời gian giá rét, tuyệt đối không kéo lưới kiểm tra thủy sản nuôi, không thu hoạch theo cách đánh tỉa thả bù để tránh bị xây xát cho thủy sản nuôi nhằm hạn chế các bệnh đốm đỏ, lở lét do nấm, trùng quả dưa và ký sinh trùng… Đối với các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm gần đến kỳ thu hoạch nhưng không có điều kiện thực hiện các biện pháp chống rét, nhất là các đối tượng chịu rét kém như cá rô phi, các chim trắng, cá lóc, ba ba, cá vược, cá chim vây vàng… thì cần tổ chức thu hoạch sớm và triệt để, không để xảy ra hiện tượng thủy sản chết do rét. Đối với diện tích thủy sản chưa đạt kích cỡ thương phẩm, đàn cá bố mẹ, cá giống thì người nuôi cần phải áp dụng các biện pháp chống rét gồm duy trì mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu 1,5 - 2 m để ổn định nhiệt độ; thả sọt đan bằng tre nứa, bên trong sọt có các búi rơm tạo giá thể để thủy sản trú ẩn tránh rét, sọt được đặt ở góc phía Bắc ao nuôi; làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi bằng nilon sáng màu hoặc thả bèo tây trên mặt ao từ 1/2 - 2/3 diện tích mặt ao nuôi về phía Bắc để chắn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt cho nước ao nuôi; di chuyển lồng bè nuôi thủy sản đến nơi ít gió hoặc hạ sâu lồng nuôi xuống từ 1,8 - 2 m; treo các túi vôi xung quanh lồng để khử trùng nước. Cho thủy sản ăn đầy đủ, sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần ăn phù hợp, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng; khi nhiệt độ nước ao nuôi xuống dưới 15 độ C thì ngừng cho ăn; vào thời điểm nắng ấm trong ngày có thể cho ăn bằng thức ăn tinh, thức ăn chế biến, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh. Định kỳ dùng vôi CaO, liều lượng từ 2 - 3 kg/100 m2 bón xuống ao nuôi để phòng ngừa bệnh nấm, ký sinh trùng cho cá. Khi môi trường ô nhiễm thì phải sử dụng chế phẩm sinh học có tác dụng làm sạch nước để cải thiện môi trường nuôi. “Ngoài ra, trong quá trình nuôi, người nuôi cần thường xuyên theo dõi diễn biến điều kiện tự nhiên, tình trạng sức khỏe thủy sản nuôi và các yếu tố môi trường nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp”, ông Nam lưu ý thêm.
Lê An
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.