Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 06/09/2021
Ngày cập nhật:
9/9/2021
Đến ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), hỏi “Vua cá chạch lấu” Trần Thanh Hùng thì ai cũng biết. Hơn chục năm trước, câu chuyện gác tấm bằng kỹ sư để khởi nghiệp khiến nhiều người hoài nghi, cho rằng anh Hùng sẽ thất bại, nhưng giờ đây, trang trại hơn 3ha đã chứng minh điều ngược lại.
Trang trại nuôi cá chạch lấu của anh Hùng.
Cất bằng kỹ sư về nuôi cá
Tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư thủy sản, thay vì chọn đi làm công, nhận lương tháng như nhiều người thì với kinh nghiệm làm thêm cho trại cá thời sinh viên và quyết tâm khởi nghiệp, anh Trần Thanh Hùng đã mạnh dạn rẽ vào con đường khó, khởi nghiệp.
Anh kể, cách đây hơn chục năm, quyết định của anh bị nhiều người hoài nghi, xem là liều mạng. Bởi hồi xưa tới giờ, mấy ai đi học kỹ sư lại về làm nông dân. May mắn anh được gia đình tin tưởng và ủng hộ tinh thần.
Ngày đó, cá chạch lấu khó tiêu thụ, một mặt do thị trường còn mới mẻ, mặt khác lại ít người thích ăn. Nhưng đã quyết chí thì anh làm cho bằng được, vậy là năm 2011, anh bắt đầu hiện thực giấc mơ với loài được ví như “nhân sâm nước”.
Theo anh Hùng, cá chạch có 2 loại là cá chạch lấu và cá chạch thường. Cá chạch thường dài khoảng 20cm, nặng chưa đến 100gram/con, miệng có nhiều tua thịt, không có hoa văn, vây lưng nhỏ và mềm, giá trị kinh tế không cao. Còn 1 con cá chạch lấu có thể dài đến hơn 50cm, nặng nửa ký, miệng nhọn, không có râu, thân hình có hoa văn, vây lưng lớn và cứng, thịt ngon nên giá trị kinh tế cao.
“Vạn sự khởi đầu nan”, anh Hùng quan niệm, để khởi nghiệp phải chọn con giống tốt, khỏe thì cơ hội thành công mới cao. Nghĩ là làm, anh khăn gói lên tận tỉnh Đồng Tháp, khu vực tiếp giáp nước bạn Campuchia tìm mua cá giống. Anh Hùng kể, ban đầu gom góp vốn mua con giống nhưng do vận chuyển đường xa, cộng với việc chưa quen cách nuôi nên lượng cá hao hụt nhiều, phải làm nhiều lần, mua thêm để bù vào.
Khó khăn không làm chàng trai thị trấn Ngã Sáu chùn bước, cứ làm rồi học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Từ 6 bể nhỏ ban đầu, nay cơ sở của anh đã phát triển lên hơn 100 bể, với diện tích 3ha, bao gồm 2 trại vừa ương giống vừa nuôi thương phẩm.
Gian nan làm con giống
Khi chúng tôi tìm hiểu về cá chạch lấu thì được biết quá trình tạo giống loài cá này rất khó khăn, tốn thời gian, công sức, tiền của mà tỷ lệ thành công chưa chắc đã cao. Theo kinh nghiệm của anh Hùng, thời điểm tốt nhất để nhân giống là khoảng tháng 2 âm lịch kéo dài đến tháng 10 âm lịch. Lựa chọn cá chọi bầy, cá lớn con, hoa văn rõ, ăn khỏe làm cá bố mẹ. Anh quan niệm, việc chọn kỹ nguồn cá giống sẽ giúp hạn chế hao hụt và con giống làm ra khỏe, nuôi đạt năng suất cao.
Sau khi chọn được cá bố mẹ và khi cá mang trứng đủ ngày thì anh mới bắt lên, dùng tay vuốt nhẹ phần bụng để kích thích cho trứng chảy ra. Để đạt hiệu quả cao, anh rắc trứng cá được thụ tinh lên vỉ lưới dựng đứng trong bể xi măng, có mực nước từ 60-70cm, sục khí oxy liên tục 24/24 giờ, nhiệt độ trong môi trường nước và hàm lượng oxy phải đảm bảo theo quy định. Sau 6 ngày trứng cá chạch lấu sẽ nở thành cá bột. Anh Hùng cho biết: “Tùy theo kinh nghiệm mà người nuôi canh thời gian vuốt trứng, xử lý, nhiệt độ bảo quản phù hợp thì mới đạt tỷ lệ thành công cao”.
Ương giống trải qua 3 giai đoạn. Cá bột được anh cho ăn trứng nước và trùn chỉ khoảng 5-7 ngày; khoảng 10-20 ngày, cá cứng cáp hơn thì chuyển qua ăn trùn chỉ. Qua giai đoạn này, cá chạch lấu đạt kích cỡ 5-7 phân trở lên thì có thể cho cá ăn thức ăn công nghiệp đến lớn. Kích thước lý tưởng 10 phân/con trở lên là để đem ra nuôi thịt được, hoặc xuất bán.
Vớt 1 vợt cá dưới bể cho chúng tôi xem thực tế, anh Hùng cho biết, nguồn nước nuôi cá quan trọng phải sạch, phải có ao lắng, lọc, xử lý nước để hạn chế mầm bệnh, cá lớn nhanh.
Anh Hùng cho biết, cá chạch lấu có thể nuôi ao đất, bể bạc, hay nuôi trong vèo, nhưng theo kinh nghiệm thì nuôi bể bạc hiệu quả cao hơn so với ao đất, rủi ro thấp do quản lý nguồn nước tốt. Bởi nếu nuôi ao đất xử lý không tốt, lâu ngày đáy ao dơ, dễ phát sinh dịch bệnh.
Bỏ công chăm sóc nuôi thịt khoảng 8-10 tháng, cá sẽ đạt trọng lượng 300-400gram/con. Hiện tổ hợp tác của anh Hùng sản xuất cá giống và nuôi thương phẩm theo hình thức xoay vòng, chênh lệch thời gian giữa các bể nên lúc nào cũng có hàng cung cấp cho khách có nhu cầu.
Dịch bệnh làm ảnh hưởng đầu ra
Hiện, mỗi năm, trang trại anh Trần Thanh Hùng xuất bán khoảng 10 triệu con cá bột và 2 triệu con cá giống với giá bán mỗi con từ 3.000-5.000 đồng tùy kích thước. Với sản phẩm cá thịt, anh xuất bán hơn 10 tấn/năm, giá bán dao động từ 200.000-300.000 đồng/kg, mỗi năm trừ hết chi phí, anh thu lợi nhuận khoảng 2 tỉ đồng.
Từ chỗ chật vật tìm đầu ra, thậm chí năn nỉ người mua thì nay cá chạch lấu từ trang trại của anh Hùng đã dần khẳng định thương hiệu và có mặt khắp cả nước, thậm chí vươn ra nước bạn Trung Quốc, Campuchia. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể liên hệ anh qua các trang mạng xã hội chia sẻ trực tuyến để học hỏi kinh nghiệm và mua con giống.
Thời điểm dịch bệnh Covid-19 phức tạp khiến đầu ra của nhiều sản phẩm, vật nuôi bị hạn chế và cá chạch lấu cũng không ngoại lệ. “Tỷ phú cá chạch lấu” Trần Thanh Hùng cho biết, đầu ra rất chậm, kể cả con giống lẫn cá chạch thương phẩm giảm sút 70-80%. Ngoài việc giá giảm, việc vận chuyển hàng hóa đi các địa phương khác cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do một số nơi đang thực hiện giãn cách xã hội.
Hiện, Tổ hợp tác của anh Hùng đang cơ cấu lại, tập trung nuôi thịt để đón đầu thị trường sau dịch bệnh. Nếu nuôi đúng quy trình kỹ thuật thì lợi nhuận gấp 3-4 lần so với các đối tượng khác. Anh Hùng phấn khởi cho biết: “Nhờ con cá chạch lấu này mà nhiều hộ trong vùng có của ăn của để, hiện trên 20 hộ trong vùng đang nuôi theo mô hình này”.
Hơn 10 năm, khởi nghiệp bằng đam mê với khoảng 6 bể cá lúc đầu, giờ anh Hùng đã có vốn, mua thêm đất xây dựng thành trang trại với tổng diện tích lên đến 3ha, được bà con trong vùng đặt cho cái tên “Vua cá chạch lấu”. Đó là sự ghi nhận cho sự nỗ lực không mệt mỏi của chàng trai đầy nghị lực của thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành.
Bằng kiến thức, kinh nghiệm sức trẻ, niềm đam mê và ý chí cầu tiến, mô hình của anh Trần Thanh Hùng không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn giúp cho nhiều hộ trong vùng chuyển đổi ngành nghề cùng nuôi cá chạch lấu, có của ăn, của để. Câu chuyện khởi nghiệp của anh đã mở ra hướng phát triển mới, tiềm năng cho ngành thủy sản của tỉnh và ít nhiều đã truyền cảm hứng cho những bạn trẻ, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Năm 2015, anh Trần Thanh Hùng vinh dự nhận giải Lương Định Của vì có thành tích đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng. Sau đó 2 năm, anh được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Bài, ảnh: NGỌC HƯỞNG
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.