Nguồn tin: Báo Đồng Tháp, 29/09/2021
Ngày cập nhật:
1/10/2021
Hàng năm cứ vào tháng 7 thì “nước đã nhảy khỏi bờ”, nhưng đến nay nhiều cánh đồng, rạ lúa vẫn còn trơ gốc, dự báo 1 năm, con nước về trễ và thấp so với bình thường. Nếu như những năm trước, các hộ dân thực hiện mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi, thì năm nay, bằng kinh nghiệm của mình, các hộ nuôi đã chủ động các phương án, cách làm để thích ứng với tự nhiên.
Đây là năm thứ 3 gia đình anh Nguyễn Thanh Tâm ở xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) áp dụng mô hình “2 lúa 1 tôm”. Với diện tích 2 ao, khoảng 1ha, anh thả nuôi 800.000 con tôm càng xanh, sau hơn 3 tháng chăm sóc, thời điểm này tôm đạt trọng lượng khoảng 100 con/kg. Những mùa nước trước, nước lên muộn nhưng lại rút nhanh, tôm nuôi bị ảnh hưởng nhiều. Rút kinh nghiệm, năm nay, anh Tâm đã có sự chuẩn bị trước. Anh cho biết: “Gia đình cũng đã chuẩn bị nuôi theo kiểu công nghiệp, chuẩn bị motor, bơm nước để bơm xuyên suốt ngày đêm cho tôm nhanh lột vỏ, đạt trọng lượng. Ngoài ra cũng đã chuẩn bị ao để thả tôm ra cho mật độ rộng hơn, cho tôm đạt trọng lượng nhanh hơn”. Còn ông Võ Văn Chiến ở xã Bình Thạnh thực hiện mô hình “2 lúa - 1 cá đồng”. Với ao gần 1.000m2, ông thả 12.000 con cá mè dinh và cá chép. Đến nay hơn 3 tháng, cá đạt trọng lượng khoảng 25 con/kg. Để chủ động kiểm soát mực nước, ông đã gia cố bờ bao lửng rộng gần 4ha. Trong khi ngóng chờ con nước thì hệ thống máy bơm được vận hành, cá đã lên ruộng.
Theo kế hoạch năm 2021, TP Hồng Ngự triển khai thực hiện 5 mô hình sinh kế trong mùa lũ, nhưng do tình hình thực tế và rút kinh nghiệm 2 năm lũ trước, TP Hồng Ngự chỉ triển khai 3 mô hình, với mật độ nuôi thấp gồm: lúa - cá đồng, cá tự nhiên; lúa - tôm và lúa mùa kết hợp nuôi tôm. Để chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng lũ về muộn và nhỏ, ngành chức năng thành phố cũng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho các hộ nuôi nhằm mang lại hiệu quả trong sản xuất chăn nuôi.
Ông Phan Văn Hậu - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Hồng Ngự cho biết: “Trung tâm thường xuyên cử cán bộ đến hướng dẫn cho bà con nhưng do tình hình dịch bệnh, chúng tôi chỉ thực hiện tư vấn online và xem các video của bà con gửi để giám sát tình hình chăn nuôi và theo dõi quá trình phát triển của tôm cá. Đến thời điểm này, các mô hình ở TP Hồng Ngự tương đối đảm bảo. Cũng đã tập huấn cho các hộ nuôi các phương án để sản xuất. Các hộ nuôi tôm thì chuẩn bị máy bơm và hệ thống quạt để nuôi công nghiệp, tăng cường theo dõi môi trường nước để đảm bảo cho tôm phát triển tốt...”.
Thực tế cho thấy, mặc dù đã có các phương án chuẩn bị chu đáo nhưng người dân vẫn hy vọng nước sẽ về và đủ lớn để người dân thực hiện hiệu quả hơn các mô hình sinh kế và lượng phù sa cho vụ mùa sau cũng sẽ dồi dào hơn.
HOÀNG LONG
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.