Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 04/10/2021
Ngày cập nhật:
5/10/2021
So với các vật nuôi khác thì ốc bươu đen không bị ảnh hưởng mà vẫn bình ổn định giá trong suốt thời gian dịch Covid-19 hoành hành. Nhờ vậy mà nông dân nuôi loại ốc này vẫn luôn có nguồn thu nhập những ngày thực hiện giãn cách xã hội.
Mô hình nuôi ốc bươu đen của Huỳnh Văn Tấn khép kín từ khâu ấp trứng, nuôi bèo, bán ốc con, ốc thịt, ốc bố mẹ nên luôn có thu nhập ổn định.
Huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) có khá nhiều nông dân làm mô hình nuôi ốc bươu đen. Điển hình như mô hình của anh Huỳnh Văn Tấn, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây và cũng là thanh niên tiêu biểu tại địa phương. Anh là thành viên của Hợp tác xã (HTX) sản xuất dưa hấu VietGAP ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây. Ngoài việc trồng dưa hấu theo chuẩn VietGAP thì anh đã thực hiện mô hình nuôi ốc bươu đen kết hợp mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho kinh tế gia đình.
Nhận định ốc bươu đen là động vật dễ nuôi, sống ở nơi ẩm thấp như ao hồ, ruộng nước, nguồn thức ăn chủ yếu là các loại thực vật, các vi sinh vật trong bùn non. Ốc là món ăn ưa thích của mọi nhà, tính lành và phương thức chế biến đa dạng như nướng, luộc, xào, nấu lẩu… nên đầu ra tương đối ổn định, giá bán khá cao, từ đó anh Huỳnh Văn Tấn đã tận dụng ao nuôi cá rô để thả bèo nuôi ốc bươu đen.
Ban đầu, anh mua ốc bố mẹ làm giống, thả nuôi ốc trong vèo ở ao nuôi cá rô của gia đình trước đây. Sau đó, anh thả bèo tai tượng vào để làm giá thể cũng như thức ăn cho ốc. Sau 6 tháng nuôi, anh Tấn đã xuất bán được khoảng 50kg ốc thương phẩm, với giá 50.000 đồng/kg, thu về 2,5 triệu đồng. Cứ bình quân 2-3 tuần là anh Tấn thu hoạch và kèm theo bán trứng ốc được 4-5kg cho thương lái hoặc các hộ muốn nuôi ốc với giá bán 1 triệu đồng/kg. Tổng thu nhập gần 10 triệu đồng, đã thu hồi được vốn đầu tư ban đầu. Từ tháng thứ 7 trở đi là anh đã “bỏ túi” hàng chục triệu đồng từ nguồn bán ốc thương phẩm và trứng ốc giống.
Anh Tấn cho hay: “Nuôi ốc nhàn lắm, không sợ bệnh, không chăm sóc hàng ngày, có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi sau những giờ lao động chính từ làm lúa, trồng dưa. Nguồn thu nhập cũng đáng kể, tháng nào ít cũng được 2,5 triệu đồng, tháng nào ốc đẻ nhiều thì được 10 triệu đồng/tháng. Thời gian xảy ra dịch bệnh thì tôi mang ốc bán cho bà con xung quanh mua vì nhu cầu thả nuôi nhiều, lúc ốc nở không bán được thì thả nuôi trong vèo tiếp, không sợ ế hay dội hàng”.
Còn anh Phạm Hoàng Nghiêm, ở ấp 9A2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cũng đã tận dụng ao vườn nuôi ốc bươu đen, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Với diện tích vườn 1.250m2, anh Nghiêm bắt đầu nuôi ốc bươu đen từ giữa năm 2020. Do trước khi nuôi, anh đã tìm hiểu rất kỹ đặc tính của con ốc bươu đen và nguồn giống chất lượng để mua nên mô hình đạt hiệu quả ngay những tháng đầu thả nuôi. Nguồn thức ăn của ốc thì cũng dễ tìm như trái mít, mướp dạt anh xin được của các hộ xung quanh.
Ngoài nuôi ốc bươu đen, anh Nghiêm còn tiến hành cho ấp trứng trong thau nhựa để tạo nguồn ốc con tiếp tục nhân đàn, không còn phải chi tiền mua ốc giống. Mỗi ngày, anh đi thu gom trứng ốc để vào thau nhựa ấp, sau 15 ngày trứng nở thì thả ốc xuống ao.
Anh Nghiêm cho biết: “Theo kinh nghiệm học tập và thực nghiệm nuôi ốc của tôi thì từ lúc thả ốc giống đến 6 tháng sau thì ốc trưởng thành có khả năng sinh sản và sinh sản liên tục. Với cách áp dụng ấp trứng trong thau của tôi thì lượng ốc được nhân đàn liên tục. Đầu năm 2021, tôi bán ốc thương phẩm với giá 50.000-60.000 đồng/kg. Sau khi liên tục thả giống nhận thấy ốc càng lúc càng nhiều, ốc trưởng thành và đẻ trứng tôi không bán ốc thương phẩm nữa mà giữ ốc lớn lại để đẻ trứng và chuyển sang cung cấp trứng vì giá cao và nhu cầu thả nuôi ngày càng nhiều. Mỗi ngày, tôi vớt được 700-800 gram trứng, thu được 700.000-800.000 đồng.
Ở huyện Châu Thành thì mô hình nuôi ốc thương phẩm cũng nở rộ mấy năm nay. Ông Lê Thành Công, ở ấp Tân Long, xã Đông Phước A, đã thực hiện mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao từ 2 năm qua. Năm 2019, ông Công bắt đầu với 1 vèo nuôi ốc bố mẹ chỉ với diện tích 20m2. Ốc giống là ốc nhỏ mà ông Công bắt được trong mương vườn. Thấy dễ nuôi, đến năm 2020 ông đã mạnh dạn đầu tư nuôi với diện tích mặt ao 1.000m2 để nuôi chuyên ốc thương phẩm và hơn 10 công mương vườn nuôi ốc tự nhiên với con giống do mình tự cho ấp nở ra.
Ông Công nhớ lại: “Ban đầu tôi đầu tư nuôi 100 cặp ốc bố mẹ, sau thời gian nuôi 6 tháng thì thu hoạch được 160 ổ trứng ốc, đem ấp và chăm sóc theo kỹ thuật đã học được thì có khoảng 16.000 con ốc con. Từ số ốc đó, tôi nuôi tiếp, nhân giống bố mẹ thêm trong 1.000m2 ao vườn. Thời gian sau 5-6 tháng, tôi thu hoạch được 1.200kg ốc thương phẩm, bán với giá trung bình 30.000 đồng/kg, thu được 36 triệu đồng, trừ các chi phí thì lợi nhuận trên 30 triệu đồng. Còn ốc giống bán với giá 500 đồng/con 1 tuần tuổi, cũng tạo thêm được 15 triệu đồng/tháng.
Cũng theo ông Công, sở dĩ ông duy trì được diện tích nuôi ốc lớn là vì nguồn thức ăn cho ốc rất dễ tìm, chủ yếu là rong đuôi chồn, bèo cám, bèo hoa dâu, thịt mít chín, sơ mít. Đây là nguồn thức ăn sẵn có ở vườn nhà hoặc thu gom từ các vườn mít của bà con trong ấp. Còn việc chăm sóc thì cũng không phải làm hàng ngày, khi nào thấy nước dưới ao có dấu hiệu dơ thì thay nước để nguồn nước không bị ô nhiễm làm ốc bệnh. Ao nuôi ốc có độ sâu phù hợp là gần 1m nước, dưới đáy ao nên có lớp bùn cát khoảng 20cm, trên mặt ao thoáng, có cắm cây hay làm bè để ốc tắm nắng, hay phơi mình. Trong ao thả bèo với mật độ dày, chiếm khoảng 1/3 diện tích mặt ao thì sẽ tạo đủ lượng thức ăn cho ốc. Nếu ốc được ăn nhiều thức ăn xanh như các loại bèo thì thịt ốc chất lượng hơn vì khá dai và giòn. Khi cần, người nuôi có thể bổ sung thêm nguồn thức ăn từ gạo tấm, cám giúp cho ốc mau lớn và nhiều thịt.
Trong thời điểm hiện tại, nuôi ốc mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững và rủi ro thấp, nhất là lúc diễn ra dịch bệnh đang rất phức tạp. Hiện đầu ra của ốc không bức thiết như các loại vật nuôi khác, nếu không bán được thì ốc vẫn sống và sinh sản, nhân đàn. Đây có thể cũng là ưu điểm vượt trội để người dân chọn lựa thực hiện, nhân rộng mô hình.
Bài, ảnh: TRÚC ANH
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.