Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 06/10/2021
Ngày cập nhật:
8/10/2021
Những năm trở lại đây, nuôi tôm nói riêng và nuôi thủy sản nói chung đang trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác, nuôi thủy sản phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết. Để hạn chế thiệt hại, việc chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa bão là rất cần thiết.
Thu hoạch tôm nuôi để hạn chế thiệt hại do mưa bão - Ảnh: T.Q
Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 3.320 ha diện tích nuôi thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm là 1.117 ha. Sản lượng thu hoạch 9 tháng đầu năm 2021 đạt gần 6.650 tấn, trong đó nuôi tôm đạt trên 3.830 tấn, chiếm gần 58% tổng sản lượng thủy sản nuôi. Dù có giá trị kinh tế cao nhưng tôm là loại thủy sản rất nhạy cảm với thời tiết. Vào mùa mưa bão, các yếu tố môi trường trong ao nuôi như độ pH, độ mặn… trong nước thay đổi làm tôm nuôi dễ bị sốc, tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy phát triển mạnh. Để đảm bảo các điều kiện nuôi ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai, thời gian qua ngành nông nghiệp và các địa phương đã khuyến khích các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh áp dụng công nghệ và chủ động các biện pháp ứng phó với thời tiết cực đoan, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
Với diện tích gần 4 ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, thời điểm này, ông Trần Văn Thu ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh đang tập trung thu hoạch những ao nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm, chỉ để lại một số ao nuôi có khả năng vượt lũ để thu hoạch vào dịp cuối năm. Theo ông Thu, nuôi tôm vụ trái giá bán cao hơn nhiều so với vụ chính. Tuy nhiên, ngoài rủi ro do dịch bệnh thì người nuôi tôm còn phải đối mặt với ảnh hưởng do thiên tai, nhất là mưa bão. Các đợt mưa lũ lớn cuối năm 2020 làm toàn bộ các ao nuôi của ông bị nước lũ cuốn trôi, thiệt hại hơn 600 triệu đồng. Rút kinh nghiệm năm trước, bước vào mùa mưa lũ năm nay, ngoài gia cố lại hệ thống đê bao, ông còn rào lưới toàn bộ những ao nuôi dự kiến nuôi vụ trái. Chuẩn bị sẵn sàng bao cát, cọc tre, máy bơm nước, lắp đặt thêm hệ thống máy sục khí, máy quạt nước, dự trữ sẵn nước mặn… đề phòng trường hợp nước lũ dâng cao. Ngoài ra, trong quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi khả năng bắt mồi của tôm; kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, ôxy hòa tan, nhiệt độ, độ mặn… trong nước ao nuôi để điều chỉnh cho phù hợp. Duy trì các dàn quạt nước thường xuyên hoạt động để tạo dòng chảy tránh phân tầng nước, đồng thời cung cấp ôxy hòa tan đảm bảo cho tôm nuôi phát triển tốt.
Khác với nuôi tôm ở vùng triều, thời điểm này các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát mới bắt đầu bước vào vụ nuôi chính. Vụ nuôi tôm năm nay ông Lê Văn Toàn ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh thả nuôi hơn 2 ha tôm thẻ chân trắng theo quy trình 2 giai đoạn. Theo ông Toàn, phương pháp nuôi tôm truyền thống trước đây có hạn chế đó là tôm dễ bị ảnh hưởng do thiên tai, đặc biệt là mưa lớn; dễ xảy ra dịch bệnh do không kiểm soát được nguồn nước, chất thải từ thức ăn, các yếu tố môi trường thay đổi. Nên bắt đầu từ năm 2019, ông Toàn đã chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm theo quy trình 2 giai đoạn bằng bể tròn. Trong đó, ông đã đầu tư các bể tròn nổi và hệ thống nhà lưới che phủ các bể nuôi. Với cách làm này, tôm nuôi vẫn sinh trưởng tốt trong điều kiện thời tiết nhiệt độ thấp, mưa nhiều. Nhờ vậy, những vụ nuôi gần đây rất hiệu quả, tôm phát triển tốt, trọng lượng lớn, kích cỡ đồng đều. “Vào mùa mưa bão năm nay, tôi đã hoàn thành việc tu sửa hệ thống máy sục khí, máy phát điện, lắp đặt thêm các ống xả nước tầng mặt, gia cố lại mái che đủ sức chống chịu với gió mạnh”, ông Toàn cho hay.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, thời gian qua, các mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi theo quy trình 2, 3 giai đoạn, nuôi công nghệ Biofloc, nuôi trong nhà màng, nhà kính… đã được người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao và hạn chế được ảnh hưởng của thời tiết. Tuy nhiên theo đánh giá, các mô hình này hiện vẫn đang còn khá ít, diện tích nuôi tôm theo hướng thâm canh và bán thâm canh vẫn là chủ yếu. Do vậy, để chủ động ứng phó với tác động trong mùa mưa bão, cùng với khuyến cáo thu hoạch ngay đối với những diện tích nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm, các hộ nuôi tôm cần tập trung gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở do mưa lũ làm thất thoát sản phẩm, nhất là khu vực nuôi tôm chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão từ biển đổ vào. Nạo vét, khơi thông kênh mương đảm bảo thoát nước tốt khi xảy ra mưa lũ. Thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi lũ lụt xảy ra. Cùng với đó, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm; có các biện pháp phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn của tôm… Tuân thủ nghiêm yêu cầu sơ tán người lao động về nơi trú ẩn an toàn của địa phương, đảm bảo không bị thiệt hại về người khi xảy ra thiên tai. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam cho biết, thời gian qua, ngoài việc thường xuyên khuyến cáo các biện pháp bảo vệ thủy sản nuôi trong mùa mưa bão, Chi cục Thủy sản còn thực hiện việc quan trắc và thông báo định kỳ 2 lần/tháng về các thông số môi trường, hàm lượng vi khuẩn… trong nguồn nước của một số vùng nuôi trọng điểm để các hộ nuôi kịp thời xử lý khi có bất thường xảy ra.
Ngoài diện tích nuôi tôm, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 2.180 ha diện tích nuôi nước ngọt, gần 30 ha nuôi các đối tượng nhuyễn thể, nuôi xen ghép và hàng trăm lồng bè nuôi thủy sản. Trong khi theo dự báo, mùa mưa bão năm nay diễn biến phức tạp, có khả năng xuất hiện những cơn mưa lớn, kéo dài làm thay đổi các yếu tố môi trường, làm động vật thủy sản giảm sức đề kháng và mẫn cảm hơn với các tác nhân gây bệnh có sẵn trong nước như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, để bảo vệ các đối tượng thủy sản nuôi, Chi cục Thủy sản khuyến cáo các hộ nuôi cần khẩn trương thu hoạch thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm để hạn chế thiệt hại do mưa bão, lũ lụt gây ra. Đối với những ao nuôi có khả năng vượt lũ cần gia cố bờ ao chắc chắn đủ khả năng chống chịu với mưa lũ lớn. Đặt ống xả tràn để thoát nước khi mưa lũ kéo dài và khi mực nước trong ao quá lớn. Đặt lưới chắn xung quanh ao nhằm giảm thất thoát khi mưa lũ kéo dài. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ cọc tre, lưới, đăng chắn, máy phát điện, phao cứu sinh… để chủ động gia số, sửa chữa ao nuôi khi có tình hống xấu xảy ra. Đối với nuôi lồng bè cần chủ động gia cố hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển lồng nuôi vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây hư hỏng lồng. Bố trí neo đậu phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu phòng chống lụt bão của cơ quan quản lý địa phương. Tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè khi có mưa bão xảy ra.
Thục Quyên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.