• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vùng nuôi ven đầm Thủy Triều: Cá mú chết do nước ô nhiễm

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 10/10/2021
Ngày cập nhật: 11/10/2021

Từ cuối tháng 9 đến nay, cá mú ở vùng nuôi ven đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) chết rải rác, nguyên nhân là do nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến cá bị nhiễm khuẩn gây bệnh.

Cá chết rải rác

Ngày 8-10, chúng tôi có mặt ở vùng nuôi thủy sản tổ dân phố (TDP) Bãi Giếng Nam (thị trấn Cam Đức). Ở đây có 6 hộ nuôi với tổng diện tích 20ha, trong đó 18ha nuôi cá mú và 2ha nuôi tôm nước lợ. Gia đình ông Trần Văn Đảm (TDP Bãi Giếng Nam), có 7 đìa nuôi cá mú với diện tích 2,1ha. Ông Đảm cho biết, từ ngày 18-9 đến nay, ở 4 đìa cá đã nuôi từ 2 đến 3 tháng rưỡi có hiện tượng cá chết rải rác, trung bình chết 50-60 con/ngày/đìa, gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình ông.

Vùng nuôi cá mú ở tổ dân phố Bãi Giếng Nam (thị trấn Cam Đức).

Các đìa nuôi cá ở xung quanh đều có hiện tượng tương tự. Ông Nguyễn Thanh Bình (TDP Bãi Giếng Nam) cho biết: “Chi phí gia đình tôi bỏ ra cho 1 vụ nuôi cá mú (12 tháng) tầm 300 triệu đồng, trong đó giá cá giống 20.000 đồng - 24.000 đồng/con. Mỗi vụ thả từ 10.000 đến 15.000 con giống. Nhiều gia đình phải vay ngân hàng để mua giống. Với tình trạng cá mú chết rải rác như hiện nay, cộng với cá mú đủ kích cỡ nhưng không thể xuất bán do dịch Covid-19 đang khiến cho người nuôi thủy sản nơi đây gặp rất nhiều khó khăn”.

Quan sát vùng nuôi này, chúng tôi ghi nhận cứ khoảng 4-5 đìa (1.000m2/đìa) sử dụng chung 1 hệ thống mương dẫn nước từ đầm Thủy Triều; chưa có hệ thống thoát nước riêng biệt cho từng đìa. Ở miệng cống nước dẫn từ đầm Thủy Triều vào vùng nuôi tôm, cá, nước có màu đen và rất nhiều rác thải, xác tôm, cá chết, không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Cần cải thiện môi trường nước

Mới đây, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cam Lâm đã tiến hành kiểm tra thực địa, thu thập thông tin dịch tễ tại vùng nuôi TDP Bãi Giếng Nam và thu mẫu cá gửi về Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị động vật (Chi cục Chăn nuôi và Thú y). Căn cứ kết quả phân tích và xét nghiệm kết hợp thông tin dịch tễ tại vùng nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đưa ra nhận định vùng nuôi TDP Bãi Giếng Nam hiện nay chưa có mương cấp và thoát nước riêng biệt nên nước ô nhiễm, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Do đó, cá bị nhiễm khuẩn Vibrio sp nặng gây hiện tượng chết rải rác thời gian qua. Chi cục đã đưa ra các giải pháp và khuyến cáo đối với người nuôi; giao Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cam Lâm, cơ quan chức năng thị trấn Cam Đức tiếp tục theo dõi, hướng dẫn người nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tổng hợp theo quy định.

Ông Võ Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cam Đức cho biết, vùng nuôi thủy sản ở thị trấn tập trung chủ yếu ở khu vực ven đầm Thủy Triều. Cách đây 20 năm, diện tích vùng nuôi thủy sản của địa phương là 158ha. Tuy nhiên, trong quá trình quy hoạch đô thị, nâng cấp, làm đường, cùng với việc người dân nuôi không hiệu quả đã bỏ hoang đìa khiến diện tích vùng nuôi thủy sản hiện nay chỉ còn khoảng 42ha, với khoảng 30 hộ nuôi. Nguyên nhân của việc nuôi thủy sản ven đầm Thủy Triều không hiệu quả là do nguồn nước ở đầm Thủy Triều ngày càng ô nhiễm, phát sinh từ rác thải người dân đánh bắt thủy sản, hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp sản xuất ven đầm… Đây là vấn đề tồn tại từ lâu, nhưng địa phương vẫn chưa có phương án để giải quyết triệt để.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo: Đối với các đìa nuôi có cá mú chết, xử lý môi trường nước bằng chế phẩm vi sinh để giúp giảm ô nhiễm hữu cơ, tạo môi trường thuận lợi cho cá sinh trưởng; thường xuyên vớt xác cá để xử lý; san thưa mật độ nuôi; xử lý nước đìa nuôi trước khi thải ra môi trường bằng cách treo túi vôi tại cống thoát nước trong trường hợp không có ao chứa xử lý. Đối với phương pháp trị bệnh do vi khuẩn Vibrio sp, cần tắm cá mú bị bệnh bằng hóa chất sát trùng; trộn thức ăn có thuốc kháng sinh và vitamin tổng hợp cho cá…

CHÍ TRUNG

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang