Nguồn tin: VOV, 15/10/2021
Ngày cập nhật:
18/10/2021
Cần sớm ban hành Quy chuẩn quốc gia về thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá, cũng như bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Kiểm ngư cấp tỉnh…
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau luôn coi trọng việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Trong đó việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) và hướng tới một nghề cá bền vững. Kết quả đạt được rất khả quan, tuy nhiên, khó khăn cũng vẫn còn rất nhiều.
Thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) là nơi tập trung nhiều tàu đánh bắt của tỉnh Cà Mau. Hiện thị trấn đã có 712/716 tàu thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thực hiện lắp đặt. Kết quả trên đến từ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Bên cạnh việc tuyên truyền thì các biện pháp quản lý bắt buộc cũng được thực hiện.
“Đầu tiên thị trấn phải tập trung tuyên truyền, tập huấn cho bà con, sau đó kết hợp với lực lượng biên phòng, kiểm ngư và Chi cục Thủy sản cùng quản lý. Thị trấn cũng đưa ra một số điều kiện như không gắn thiết bị giám sát hành trình thì phương tiện không đăng kiểm được; phương tiện đủ thủ tục Đồn Biên phòng mới cho ra biển hoạt động”, ông Trần Thanh Mỹ, cán bộ phụ trách nông – lâm - ngư nghiệp thị trấn Sông Đốc cho biết.
Tàu cá không đủ điều kiện không được cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cho ra khỏi cửa biển.
Việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện từ đầu năm 2018. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để giám sát, quản lý tàu cá đánh bắt trên biển. Đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã có 1.505/1.516 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt hơn 99%.
Thực tế, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã giúp các chủ tàu quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu cá hơn. Ông Đoàn Quốc Lượm, một trong những chủ tàu cá thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình sớm nhất của tỉnh Cà Mau cho biết, thiết bị giám sát hành trình giúp gia đình ông biết chính xác tàu đang hoạt động ở vị trí nào. Thông qua thiết bị cũng có thể liên lạc với tài công để trao đổi thông tin kịp thời. Tuy nhiên, khó khăn của ngư dân hiện nay là thiết bị này rất đắt mà không bền, sau khi hết bảo hành là sử dụng không còn ổn định.
“Tàu cá gắn thiết bị giám sát hành trình mang nhiều lợi ích. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ thiết bị khi hết hạn bảo hành lại bị trục trặc. Khi máy không hoạt động tốt nảy sinh nhiều bất cập và bị cơ quan chức năng nhắc nhở. Dịch bệnh đang ảnh hưởng đến giá thủy sản khiến nhiều tàu, ghe phải nằm bờ, bản thân đang cố gắng cầm cự để đảm bảo đời sống cho các ngư phủ. Giờ muốn đổi hoặc mua sắm thiết bị giám sát mới lại phải chi phí vài chục triệu đồng là điều khó khăn của ngư dân hiện nay”, ông Lượm cho biết.
Thời gian qua, thiết bị giám sát hành trình đã giúp cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau kịp thời phát hiện và ngăn chặn các tàu cá đánh chồng lấn sang các vùng biển nước khác. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại thực trạng một số tàu cá khi ra khơi bị mất kết nối với hệ thống giám sát. Đặc biệt, vấn đề này chưa có quy định để xác định lỗi và cũng không thể xử lý.
“Về yếu tố kỹ thuật thiết bị nào cũng phải có quy chuẩn để trên cơ sở đó sản xuất, lưu hành và quản lý. Từ trước đến nay, việc quản lý theo kiểu ngược, cứ cho phép lưu hành thiết bị sau đó mới quay ngược lại tính toán xây dựng quy chuẩn. Hiện nay quy chuẩn thì chưa có thì rất khó khăn. Trong trường hợp bắt gặp quả tang hay ngư dân tháo thiết bị giám sát hành trình gắn trên tàu khác hay gắn trên bờ mới chứng minh được cố tình không duy trì, từ đó, mới xử phạt được. Khi thiết bị còn dính trên tàu, hoạt động trên biển nhưng mất kết nối thì không xác định được nguyên nhân từ đâu, cũng không biết đường xử lý”, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Thủy sản Cà Mau nêu rõ.
Bên cạnh việc đẩy mạnh quản lý tàu cá, thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cũng quan tâm đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá để đáp ứng nhu cầu phát triển,... Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn mà địa phương không thể giải quyết được.
UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương cần sớm ban hành Quy chuẩn quốc gia về thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá; bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Kiểm ngư cấp tỉnh; bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thủy sản, cảng cá, hạ tầng trục giao thông kết nối thông suốt, đồng bộ... để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững nghề cá./.
Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.