• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khai thác thủy sản bền vững, chuyên nghiệp - Làm đúng để đi xa: Những điểm sáng giữa khơi xa

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 26/10/2021
Ngày cập nhật: 28/10/2021

Những năm qua, nhiều địa phương đã có những giải pháp tốt, mang tính bền vững để quản lý tàu cá, ngư dân đảm bảo không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nhiều sáng kiến trong đánh bắt trên biển giúp ngư dân Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định khá giả hơn. Ảnh: ĐẶNG VĂN HẢI

LTS: Đã 4 năm từ ngày Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” với ngành thủy sản Việt Nam do khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Từ đó đến nay, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, địa phương và ngư dân cả nước đã từng bước hiện đại hóa năng lực đánh bắt, tuân thủ quy định pháp luật, khắc phục những tồn tại. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo ngành thủy sản phải đảm bảo EC gỡ “thẻ vàng” chậm nhất là cuối năm 2021.

Hiện đại hóa tàu xa bờ

Tàu BĐ-96768TS cập cảng cá Quy Nhơn tiếp phẩm, đá lạnh, dầu… để bắt đầu đợt đánh bắt mới. Chủ tàu, anh Lý Văn Vang (52 tuổi, xã Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết, chuyến ra khơi này có 13 thuyền viên, hành nghề lưới vây ánh sáng đánh bắt cá ngừ sọc dưa ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Năm nay, cá di chuyển không theo đàn lớn mà phân tán rộng, nhưng sản lượng lớn hơn mọi năm nên hầu hết tàu cá đều có thu. Giá cá ngừ sọc dưa từ 16.000-20.000 đồng/kg, nhiều tàu cá cập bờ mang theo 20-40 tấn, thu về 400-750 triệu đồng, chưa tính chi phí.

Việc chuyển đổi hình thức đánh bắt bằng chà chùm (loại chà tự chế bằng dây, neo dưới đáy biển để dụ và bẫy đàn cá) vừa tiết kiệm thời gian vừa có năng suất cao… Nhờ sáng kiến này nên hầu hết ngư dân Hoài Hương năm nay khấm khá, vừa chủ động được nguồn cá vừa ít rủi ro, hao tốn. “Chúng tôi đi theo tổ đội đoàn kết, khoảng 5-15 tàu. Khi chọn được vùng đánh bắt thì thả chà nằm đó hơn 2 tháng. Cắt cử tàu nhỏ ở lại giữ chà đánh bắt, tàu lớn đưa cá về bờ rồi đưa nhu yếu phẩm, nước uống và nhiên liệu ra lại”, anh Lý Văn Vang giải thích. Hiện nay, Hoài Nhơn đang phát triển loại hình đánh bắt này với trên 200 chiếc chà. Cách đánh bắt này đảm bảo sản lượng cá cho mỗi chuyến ra khơi, tăng năng suất hơn 50% so với trước, nhất là hạn chế tối đa việc di chuyển nên không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Những năm gần đây, ngư dân đã gắn trên tàu cá nhiều thiết bị như máy radar, máy định vị, máy dò cá... giúp hoạt động đánh bắt đạt hiệu quả cao. Ông Phan Hữu Nhất, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi), cho biết, toàn xã có hơn 100 tàu được trang bị máy dò ngang. Qua theo dõi, sau khi lắp máy dò ngang, sản lượng đánh bắt đạt 17-20 tấn, tăng hơn 50% so với trước đây, trong khi nhiên liệu giảm hơn 25%. Hiện nay, Tịnh Kỳ có 5 tàu đã trang bị máy dò ngang 360 độ, tăng thêm hiệu quả đánh bắt so với máy dò ngang thông thường. Xã cũng thí điểm thành công dự án xây dựng mô hình hiện đại hóa đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ, với trang bị hệ thống bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU FOAM, giúp kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm trên biển, mở ra hướng đi mới cho nghề cá Tịnh Kỳ và một số vùng biển lân cận.

Hiệu quả “tàu mẹ - tàu con”

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 12 nghiệp đoàn nghề cá, 306 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất, 15 chi hội nghề cá, 8 HTX khai thác thủy sản xa bờ... để quy tụ sức mạnh, nâng cao hiệu quả đánh bắt, giảm rủi ro và chống IUU.

Tỉnh Bình Thuận cũng đang duy trì hoạt động của 129 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 982 tàu thuyền; gần 5.000 lao động và 5 nghiệp đoàn nghề cá với 68 tàu cùng 663 lao động. Việc duy trì, phát triển các mô hình trên không chỉ nhằm chuyển từ nghề cá tự phát sang nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững, mà còn tạo ra sợi dây liên kết chặt chẽ giữa ngư dân với nhau trong quá trình khai thác ở khơi xa.

Trở lại thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), thủ phủ câu cá ngừ đại dương lớn nhất miền Trung, chúng tôi nhận thấy được vẻ sung túc ở các làng biển. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, cho biết, địa phương có đội tàu khoảng 2.350 chiếc, trong đó có 2.100 chiếc dài 15-22m với tổng công suất 11 triệu CV, chuyên đánh bắt xa bờ, chủ yếu khai thác cá ngừ đại dương cùng các loại cá ngừ khác. Năm 2020, sản lượng khai thác hải sản các loại của toàn thị xã này đạt 59.000 tấn, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương đạt 10.000 tấn, với doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng. Từ những mô hình sơ khai các làng biển, Hoài Nhơn đã và đang hình thành được hạ tầng đánh bắt tuy quy mô chưa lớn nhưng hội đủ các yếu tố, điều kiện để tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch, phát triển theo hướng hiện đại. Hậu cần nghề cá địa phương đã phát triển khá mạnh, với 200 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động. Hoài Nhơn đang từng bước quy hoạch lại ngành thủy sản, với đội tàu cá dần được đầu tư, nâng cấp hiện đại, đáp ứng với xu thế đánh bắt trong thời kỳ mới.

Ông Nguyễn Chí Công phấn khởi cho biết: “Khoảng 15 năm trước, khi ngành thủy sản miền Trung chập chững vươn khơi xa, ngư dân Hoài Nhơn đã kết thành nhiều tổ đội đoàn kết đánh bắt dài ngày trên biển. Hoài Nhơn đã thành lập nghiệp đoàn nghề cá trên biển với hơn 1.100 tàu cá xa bờ, 680 tổ đánh bắt. Ngư dân đánh bắt xa bờ tuy đông nhưng được đánh giá thực thi tốt các nguyên tắc trong phòng chống IUU, tuân thủ Luật Thủy sản. Từ năm 2020 đến nay, Hoài Nhơn không có tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài. Chúng tôi hoàn thành sớm nhất việc nâng cấp đội ngũ tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình”. Từ năm 2010, ngư dân Trần Sin (xã Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn), chủ tàu cá BĐ 97344 TS, đã cùng 9 tàu cá địa phương liên kết lại để thành lập tổ đoàn kết chuyên “săn” cá ngừ đại dương. Hình thức đánh bắt theo tổ đội của ngư dân như cánh thợ săn trên rừng. Khi ra khơi, các ngư dân câu cá ngừ đại dương kết nối với nhau để đánh bắt, hỗ trợ nhau, chia sẻ khai thác đàn cá trên biển.

Ở xã Tam Quan Bắc còn có ông Bùi Thanh Ninh (64 tuổi, làng biển Thiện Chánh), đã nghĩ ra mô hình tổ đoàn kết trên biển, trong đó có “tàu mẹ - tàu con”, mà nay ngư dân Hoài Nhơn đang vận dụng hiệu quả. “Tàu mẹ - tàu con” được đúc kết từ thực tiễn đánh bắt xa bờ, rất ưu việt, ứng dụng được với nhiều ngành nghề khác. Khi ra khơi, các tàu con sẽ hỗ trợ tàu mẹ đánh bắt, đồng thời dò tìm đàn cá giúp tàu mẹ nhằm tiết kiệm thời gian, công sức, nhiên liệu cũng như giảm bớt rủi ro, tổn thất, hạn chế việc đánh bắt vi phạm chủ quyền.

“Xây nhà” cho cá

Những năm qua, nguồn lợi hải sản dần cạn kiệt nên việc đánh bắt của ngư dân kém hiệu quả. Vì vậy, giải pháp đẩy mạnh nuôi biển, tái tạo nguồn lợi hải sản nhằm hướng đến việc khai thác bền vững đang được các địa phương chú trọng triển khai thực hiện.

Hơn một năm trước, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau triển khai dự án thả rạn nhân tạo ở khu vực biển Tây, cách hòn Đá Bạc 14km. “Ngôi nhà” cho cá ở được xây dựng bằng cách thả 500 khối rạn xuống biển. Khối rạn hình lập phương, được phân thành 5 cụm rạn với 100 khối rạn/cụm.

Từ khi có rạn nhân tạo, các loài cá tập trung ngày càng tăng lên. Đặc biệt, một số loài cá tại khu vực rạn có kích thước lớn hơn nhiều so với kích thước trung bình mà ngư dân khai thác trước đây như cá hồng, cá đổng… Việc xuất hiện các loài cá bớp, cá nhồng, cá mú, cá hường… cho thấy chuỗi thức ăn tự nhiên trong hệ sinh thái vùng rạn đang có dấu hiệu phục hồi tích cực.

Hiện “ngôi nhà” cho cá ở do cộng đồng quản lý, thành viên là những ngư dân có tàu khai thác thủy sản quanh khu vực thả rạn nhân tạo. Từ khi thả rạn nhân tạo, những “hung thần” sát hại nguồn lợi thủy sản ven bờ như cào bay không dám vào hoạt động vì nếu gặp phải rạn nhân tạo, miệng cào vướng các khối bê tông, đồng thời gặp phải sự truy cản quyết liệt của các tàu cá cộng đồng quản lý rạn.

Ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau, cho biết, việc thả rạn nhân tạo nhằm chống lại sự suy giảm nguồn lợi thủy sản do khai thác quá mức. Chi cục đang trong quá trình tổng kết đánh giá hiệu quả dự án, trước khi có những đề xuất tiếp tục mở rộng hay không.

NHÓM PV

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang