Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 15/11/2021
Ngày cập nhật:
18/11/2021
Để phát triển ngành thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Khánh Hòa định hướng việc phát triển phải gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng và chế biến thủy sản.
Nhiều đối tượng nuôi chủ lực
Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh tập trung nuôi 2 đối tượng chủ lực là tôm hùm và các loại cá tại 4 vùng nuôi trọng điểm thuộc huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh. Riêng tôm hùm được tập trung nuôi bằng lồng bè tại các vịnh: Nha Trang, Cam Ranh và Vân Phong, với hơn 60.600 ô lồng, sản lượng trung bình hơn 1.500 tấn/năm. Đối với cá biển, người dân nuôi theo hình thức ao đìa (hơn 288ha) và nuôi lồng bè (hơn 9.000 lồng), sản lượng trung bình hơn 9.100 tấn/năm. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thương phẩm, với tổng diện tích hơn 2.000ha ao đìa, trong đó hơn 82% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, gần 18% diện tích nuôi tôm sú; tổng sản lượng 2 loại tôm này hàng năm gần 4.000 tấn.
Nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp đã bắt đầu phát triển tại vịnh Vân Phong.
Ngoài ra, thời gian qua, người dân trong tỉnh còn nuôi ốc hương (sản lượng trung bình hàng năm hơn 2.800 tấn); hàu Thái Bình Dương (sản lượng trung bình hơn 200 tấn/năm), rong biển (sản lượng hơn 410 tấn/năm), cua biển (sản lượng hơn 88 tấn/năm)... Các đối tượng nuôi biển đã mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người nuôi. Điều này cho thấy, các vùng biển của tỉnh rất phù hợp để phát triển nuôi biển, với nhiều đối tượng nuôi thương phẩm khác nhau.
Tuy nhiên, những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại nhiều địa phương trong tỉnh phải đối diện với những thách thức. Hiện nay, người dân vẫn nuôi theo quy trình truyền thống, độ rủi ro về môi trường, thiên tai, dịch bệnh rất lớn…
Định hướng phát triển
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, theo kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, tỉnh định hướng phát triển NTTS theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị các loài thủy sản nuôi chủ lực, gắn với truy xuất nguồn gốc để đảm bảo nguyên liệu cho ngành chế biến và xuất khẩu. Muốn vậy, phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng NTTS tập trung, phát triển vùng nuôi theo hướng trang trại gắn với công nghiệp chế biến; tập trung ứng dụng khoa học vào NTTS, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi...
Để triển khai kế hoạch này, trong NTTS ven bờ, người nuôi sẽ được giao mặt nước để đầu tư, ổn định sản xuất. Địa phương sẽ tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi hình thức nuôi từ lồng bè gỗ truyền thống sang vật liệu mới (HDPE) có thể chịu được sóng gió, đảm bảo an toàn, mỹ quan; định hướng cho người dân nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, các sản phẩm chủ lực... để vừa tăng hiệu quả kinh tế vừa giữ môi trường nuôi. Đối với vùng biển hở, sẽ kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư nuôi thủy sản biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nuôi bằng lồng bè hiện đại để tăng sản lượng nuôi thương phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hình thành các tổ liên kết, thành lập các hợp tác xã NTTS để liên kết với doanh nghiệp tạo thành các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, ổn định đầu ra cho người nuôi.
Theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, NTTS sẽ chuyển từ nuôi trồng theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, chế biến thủy sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Để triển khai, tỉnh tập trung định hướng phát triển các đối tượng nuôi chủ lực, công nghệ phù hợp với từng vùng nuôi; xác định giải pháp đầu tư, nguồn vốn, đối tượng chế biến, thị trường tiêu thụ; xây dựng cơ chế, chính sách... Những vấn đề này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh việc phát triển ngành NTTS tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người nuôi.
HẢI LĂNG
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.