Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 26/01/2021
Ngày cập nhật:
30/1/2021
Không cần đào ao hay xây bể, nông dân trong tỉnh Hưng Yên đã nhờ vào dòng chảy của sông Hồng, sông Luộc để nuôi cá, làm kinh tế hiệu quả. Nuôi cá lồng trên sông không chỉ đem lại cho thị trường nhiều loại cá ngon, đặc sản mà còn đem đến những mẻ cá sạch an toàn, đạt tiêu chuẩn Vietgap.
Mô hình nuôi cá lồng theo quy trình Vietgap tại thành phố Hưng Yên
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 450 lồng nuôi cá trên sông, tập trung chủ yếu ở các huyện: Kim Động, Văn Giang, Khoái Châu và thành phố Hưng Yên. Trung bình mỗi năm, các hộ sản xuất phát triển được thêm hàng chục lồng cá mới. Đối tượng nuôi chính ở các lồng trên sông là cá lăng chấm, lăng vàng, trắm cỏ, rô phi đơn tính, diêu hồng, chép giòn, ngạnh… Những loại cá này có giá trị kinh tế cao, đặc biệt hiệu quả khi nuôi ở môi trường lồng trên sông. Mỗi lồng cá có diện tích trên 10m2, nhưng có thể nuôi cá với mật độ cao gấp chục lần so với ao thông thường. Năng suất đạt 4 - 6 tấn/lồng/chu kỳ nuôi. Mỗi năm, người nuôi có thể thâm canh 2 - 2,5 chu kỳ nuôi.
Bà Lê Thị Kim Chung, người nuôi cá lồng trên sông Hồng tại thành phố Hưng Yên cho biết: Có ý định sản xuất cá sạch từ rất lâu, nhưng đến khi nắm được kỹ thuật nuôi cá lồng trên sông và áp dụng quy trình Vietgap vào nuôi thâm canh thủy sản tôi mới thực sự thành công. Tôi tìm hiểu nhu cầu thực tế của thị trường, sản xuất các loại cá ngon, sạch như: Lăng, ngạnh, chép, diêu hồng... theo đúng quy trình an toàn, sản phẩm thu hoạch đến đâu bán hết đến đó.
Không riêng bà Chung, nghề nuôi cá lồng trên sông đã giúp nhiều nông dân trong tỉnh làm giàu, đem lại nguồn thực phẩm chất lượng cho cộng đồng. Vừa dùng thức ăn công nghiệp, vừa kết hợp phụ phẩm nông nghiệp, lại được nuôi trong môi trường nước sạch, chảy liên tục nên cá khỏe mạnh, lớn nhanh, thơm ngon.
Ông Vũ Duy Tiến, hộ kinh doanh thủy sản tại phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên) cho biết: Tôi chuyên buôn bán, vận chuyển thủy sản tươi sống cho thị trường trong tỉnh và Thủ đô Hà Nội. 100% cá được mua từ các hộ nuôi cá lồng trên sông tại thành phố Hưng Yên và huyện Kim Động. Các hộ sản xuất đều có chứng nhận sản xuất theo quy trình Vietgap, chất lượng cá thơm ngon, dù giá cao hơn 10 - 20% vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Để phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, năm 2020, tỉnh tiếp tục thực hiện Dự án phát triển nuôi cá lồng trên sông tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2019 - 2021. Qua đó, lựa chọn các tổ chức, cá nhân phù hợp, có khả năng và nhu cầu thực tế để tham gia dự án. Trong năm, đã có 5 tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Kim Động và thành phố Hưng Yên đủ điều kiện tham gia dự án với tổng số 78 lồng nuôi cá được hỗ trợ. Các hộ sau một năm sản xuất đều đem lại hiệu quả cao.
Đồng chí Vũ Văn Điệp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Nuôi cá lồng trên sông là hướng sản xuất thủy sản sạch an toàn và hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao. Chi cục thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có mô hình sản xuất hoặc những hộ được tham gia dự án xây dựng lồng nuôi cá trên sông theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đúng thiết kế; đặt lồng nuôi theo đúng vị trí đã được phê duyệt theo Quyết định số 173/QĐ-SNN ngày 10.5.2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT. Những hộ tham gia dự án được cán bộ kỹ thuật trực tiếp giám sát, hướng dẫn về kỹ thuật nuôi; phương pháp phòng, trị bệnh cho thủy sản; theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn cá để đánh giá hiệu quả của dự án. Trung bình mỗi năm tổ chức 1 lớp tập huấn cho trên 50 người về kỹ thuật nuôi cá lồng trên sông.
Thời gian tới, nghề nuôi cá lồng trên sông theo quy trình Vietgap có triển vọng phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Ngành chuyên môn khuyến cáo người có nhu cầu phát triển nuôi cá trên sông cần liên hệ với chính quyền địa phương, ngành chức năng để được hướng dẫn; cần lưu ý để sản xuất theo quy hoạch, quy định, bảo đảm an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, trong quá trình sản xuất nên lựa chọn các đối tượng nuôi đa dạng, phong phú, gắn với nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao, bảo đảm quy trình sản xuất an toàn từ con giống đến việc sử dụng thức ăn, góp phần nâng cao sản lượng cũng như giá trị sản xuất thủy sản.
Vi Ngoan
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.