Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 24/11/2021
Ngày cập nhật:
26/11/2021
Sau thời gian lép vế với con tôm thẻ, trong vụ nuôi năm nay, con tôm sú đã có sự trở lại bằng con giống tôm sú mới siêu tăng trưởng mang tên CPF - Turbo M9 (gọi tắt là M9) của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam và nhanh chóng thuyết phục được nhiều nông dân nuôi tôm ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Và khi vụ nuôi vẫn chưa kết thúc nhưng hầu hết hộ nuôi giống tôm sú mới này đều có chung nhận xét: “So với những giống tôm sú trước đây thì tôm sú M9 là tốt nhất và cho hiệu quả cao nhất”.
Tôm sú từng là đối tượng nuôi chủ lực của nông dân tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng mặn, lợ khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, nhưng từ năm 2011 đến nay, diện tích và thị trường tôm sú dần thu hẹp lại do có sự cạnh tranh từ con tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là đối tượng nuôi có lợi thế cạnh tranh lớn của ngành tôm Việt Nam trên thị trường thế giới nên diện tích nuôi tôm sú vẫn được duy trì hàng năm ở một tỷ lệ nhất định so với tôm thẻ. Tại Sóc Trăng, trong số hơn 51.000ha nuôi tôm nước lợ thả nuôi năm nay, có khoảng 25% là tôm sú.
Những lứa tôm sú M9 kích cỡ lớn thu hoạch đầu tiên ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) mang đến niềm vui cho nông dân. Ảnh: TÍCH CHU
Sự thất thế của con tôm sú do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là ở yếu tố con giống. Do đó, trong những năm qua, các nhà khoa học, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh con giống trong và ngoài nước không ngừng nghiên cứu, lai tạo, gia hóa để có được nguồn giống bố mẹ mang những đặc tính trội giống như tôm thẻ như: lớn nhanh, sức đề kháng tốt, nuôi được mật độ cao và nuôi đạt kích cỡ lớn… để đáp ứng nhu cầu của người nuôi lẫn thị trường tiêu thụ. Một trong những thành công mới nhất phải kể đến đó là nguồn tôm sú siêu tăng trưởng M9 của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam trong vụ tôm nước lợ năm 2021 này tại huyện Mỹ Xuyên, với mức lợi nhuận vượt ngoài sự mong đợi.
Anh Lê Hoàng Khương, ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên đã đặt mua 200.000 post tôm sú M9 để thả nuôi cho một số ao của mình. Sau 143 ngày nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật được cán bộ Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP hướng dẫn, ngay trong đợt thu hoạch đầu tiên đã mang về cho anh Khương 1,8 tấn tôm kích cỡ trung bình 15 - 21 con/kg và còn 4 ao đang nuôi về kích cỡ lớn hơn để có sản lượng nhiều hơn và bán giá cao hơn. Khác với những loại tôm sú gia hóa trước đây, tôm sú M9 rất được thương lái mua tôm ôxy (tươi sống) ưa chuộng, nên anh bán được với giá 220.000 và 240.000 đồng/kg. Anh Khương không giấu được niềm vui: “Giống tôm sú này lớn nhanh, dễ nuôi đạt kích cỡ lớn và bán được tôm ôxy nên lợi nhuận luôn cao hơn so với những giống tôm sú trước đây”.
Không chỉ có anh Khương mà nhiều nông dân nuôi tôm sú ở huyện Mỹ Xuyên cũng chọn giống M9 để thả nuôi trong vụ này và hầu hết đều rất thành công. Theo anh Phan Quốc Việt – cán bộ phụ trách địa bàn huyện Mỹ Xuyên của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP, nhìn chung, khách hàng đa số đều biết đến chất lượng tôm thẻ của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP trước nay nên họ rất tin tưởng chất lượng con giống M9 mới này. Điều làm họ hài lòng nhất là tôm sú M9 lớn nhanh và có thể bán tôm ôxy với giá cao. Có thể nói, tôm sú M9 không chỉ là sự đột phá, mà còn mở ra một trang mới cho nghề nuôi tôm sú ở Sóc Trăng nói riêng và những vùng nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong thời gian tới.
Sự trở lại và thành công ấn tượng ngay giữa mùa dịch Covid-19 của giống tôm sú M9 không chỉ là niềm vui mà còn mở ra cơ hội cho người nuôi tôm. Tuy đã có thành công ngay từ vụ nuôi đầu tiên, nhưng Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP vẫn chưa bằng lòng với kết quả hiện tại mà muốn nâng cao hơn nữa tỷ lệ thành công để tăng năng suất và rút ngắn thời gian nuôi.
Anh Phan Quốc Việt thông tin thêm: “Hiện Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP đang triển khai mô hình nuôi tôm sú M9 công nghệ cao CPF - Combine Black Tiger để giúp người nuôi tăng tỷ lệ thành công, nuôi tôm về kích cỡ lớn, rút ngắn thời gian nuôi, tăng năng suất và hiệu quả sau mỗi vụ nuôi. Với hướng đi mới này, chúng tôi tin tưởng nghề nuôi tôm sú sẽ trở lại một cách mạnh mẽ hơn, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới”.
TÍCH CHU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.