• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nam Định: Hiệu quả mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao ở Hải Triều

Nguồn tin: Báo Nam Định, 26/11/2021
Ngày cập nhật: 2/12/2021

Thời tiết diễn biến phức tạp cùng với môi trường bị ô nhiễm, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nuôi tôm ở các địa phương trong tỉnh Nam Định. Vì vậy, thời gian qua, nhiều hộ nuôi tôm đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tiến quy trình kỹ thuật, đưa những mô hình mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Điển hình là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao của anh Hoàng Đức Thiện, xóm Tây Bình, xã Hải Triều (Hải Hậu).

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao của anh Hoàng Đức Thiện, xóm Tây Bình, xã Hải Triều.

Gắn bó với nghề nuôi tôm hơn chục năm, trải qua không ít thất bại song với bản tính kiên trì, không nản chí, lại ham nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên anh Thiện thành công nhiều hơn thất bại. Lợi nhuận mỗi vụ anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, quy mô các khu nuôi. Từ năm 2015, anh bắt đầu chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm theo hướng thâm canh công nghệ cao. Theo anh Thiện, nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi nông dân phải thay đổi mạnh mẽ tư duy, cách làm. Khác với cách nuôi thông thường chỉ có 1 giai đoạn (con giống mua về được thả thẳng xuống ao nuôi), phương thức nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao của anh Thiện gồm 2 giai đoạn là giai đoạn ương và giai đoạn nuôi thương phẩm. Theo đó, anh Thiện đã đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật trang thiết bị như thiết kế hệ thống ao nuôi phù hợp gồm các ao ương giai đoạn 1, ao nuôi thương phẩm giai đoạn 2; hệ thống xử lý nước đầu vào; xử lý chất thải, nước thải và hệ thống tạo ô-xy cho các ao cũng được thiết kế bài bản. Ao ương giai đoạn 1 là ao xi măng được chia nhỏ, đặt trong nhà màng để đảm bảo kiểm soát tối đa các yếu tố tác động đến con nuôi. Ao nuôi thương phẩm giai đoạn 2 là dạng ao nổi, thành ao bằng bê tông, đáy cát được lót bạt, giữa đáy ao có thiết kế rốn ao dạng hình phễu để thu gom thức ăn thừa, phân tôm ra ngoài xử lý. Anh Thiện cho biết: Việc nuôi tôm chia thành từng giai đoạn dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước giúp tôm sinh trưởng, phát triển đồng đều, trọng lượng lớn hơn.

Đến nay, anh Hoàng Đức Thiện đã mở rộng quy mô nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp của trang trại lên 10ha, được phân thành 3 khu sản xuất. Trong đó khu A và khu C nuôi ngoài trời với gần 20 ao, diện tích mỗi ao từ 600-1.400m2. Cuối năm 2019, anh Thiện đầu tư gần 9 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo khu B thành hệ thống nuôi khép kín gồm 18 ao tròn nổi trong nhà màng, mỗi ao có diện tích 140m2; được bố trí hoàn toàn riêng biệt cả từ đường cấp, thoát nước cho đến hệ thống sủi ô-xy. Anh Thiện khẳng định, nuôi tôm trong ao tròn nhà màng nổi có nhiều ưu điểm như: môi trường ít biến động, nhiệt độ ổn định hơn, mùa hè có thể dùng lưới đen che để giảm cường độ ánh sáng, mùa đông dùng nilon phủ kín đến chân ao để giữa ấm cho tôm. Từng ao riêng biệt có thể hạn chế mầm bệnh lây lan khi chẳng may nhiễm. Mặt khác, diện tích ao tròn nhỏ nên tiện lợi cho người nuôi trong khâu chăm sóc, quản lý nguồn nước. Nhờ vậy nuôi tôm trong ao tròn nhà màng rút ngắn thời gian sinh trưởng của tôm từ 20-30 ngày.

Anh Hoàng Văn Bình, quản lý kỹ thuật của trang trại cho biết: Cũng như cấy lúa, yếu tố quan trọng nhất để vụ tôm bội thu đó là “nước” và “giống”. Nguồn nước khi được cấp vào ao nuôi sẽ được đưa vào ao lắng để xử lý bằng Chlorine trong 10 ngày hoặc với thuốc tím là 7 ngày để diệt khuẩn, đảm bảo an toàn cho tôm nuôi. Tôm giống phải được mua ở các hãng uy tín, có thương hiệu; thường nhập tôm cỡ P11 đến P14 (11 đến 14 ngày tuổi ) có chiều dài từ 9-11mm và được thả vào ao ương với mật độ cao từ 1.800-2.000 con/m2. Ở giai đoạn “gièo” này, tôm được ăn 6 bữa/ngày, mỗi bữa cách nhau 3 tiếng và kết thúc cho ăn trước 9 giờ tối. 7 ngày đầu “gièo” tôm là quan trọng nhất, quyết định đến cả vụ tôm nên người nuôi phải thường xuyên quan sát tình hình sinh trưởng, phát triển của tôm để “quyết” nuôi 2 hay 3 giai đoạn. Nếu tôm giống khỏe mạnh, phát triển bình thường, sau 20-24 ngày chuyển sang ao nuôi thương phẩm với mật độ 250-300 con/m2 cho đến khi thu hoạch. Nếu tôm “còi”, chậm lớn sẽ phải chuyển sang nuôi tôm 3 giai đoạn, kéo giãn mật độ nuôi trong ao ương, đồng thời bổ sung dinh dưỡng cho tôm để nuôi giai đoạn 2 thêm 30 ngày trước khi đưa ra ao thương phẩm nuôi giai đoạn 3. Trong suốt quá trình nuôi cần phải thường xuyên quan sát nhằm kịp thời phát hiện các bệnh đốm trắng, hoại tử, đỏ thân để xử lý ngay, tránh lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên quan trọng nhất “phòng bệnh là trên hết” ngay từ khâu chuẩn bị vụ nuôi; sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi, cho thức ăn “đúng” và “đủ” theo kích thước, độ tuổi sinh trưởng của tôm, hạn chế lượng thức ăn dư thừa trong ao nuôi để tạo môi trường đảm bảo an toàn cho tôm. Chú ý được các yếu tố này, vụ tôm sẽ “có ăn”. Trong 3,5-4,5 tháng tùy thuộc vào thời tiết, phương thức nuôi, tôm sẽ đạt kích cỡ 35-50 con/kg và cho thu hoạch.

Sau 6 năm nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, điều chỉnh phù hợp các điều kiện thực tế tại địa phương, giờ đây trang trại nuôi tôm siêu thâm canh của anh Thiện đã hoàn toàn làm chủ công nghệ cao và liên tục thắng lợi ở mỗi vụ nuôi. Với việc áp dụng các công nghệ cao đã giúp anh Thiện thực hiện nuôi quay vòng, gối vụ liên tục, ao này tôm chưa lên thì ao kia tôm đã xuống giống. Bằng cách này, không những giảm bớt áp lực về đầu ra mà còn thường xuyên có tôm xuất bán ra thị trường vào mọi thời điểm theo nhu cầu của khách mua. Theo chia sẻ của anh Thiện, bình quân mỗi năm trang trại xuất bán ra thị trường 150-200 tấn tôm thẻ chân trắng, doanh thu đạt 15 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 4-5 tỷ đồng. Năm 2019, trang trại nuôi tôm của anh Hoàng Đức Thiện đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp giấy chứng nhận VietGAP. Đây cũng là điểm tham quan, học tập thường xuyên của nông dân địa phương và trong vùng.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao của anh Hoàng Đức Thiện là một trong những điển hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, cần được nhân rộng. Qua đó, góp phần phát triển nghề nuôi tôm bền vững tại tỉnh ta./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang