Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 17/12/2021
Ngày cập nhật:
21/12/2021
Nhận thấy tiềm năng nuôi cá lồng trên sông Đuống rất lớn, trong những năm qua, nhiều hộ dân, hợp tác xã ở Bắc Ninh đã đầu tư để phát triển mô hình nuôi cá lồng theo hướng chuyên canh theo hướng VietGAP nhằm cung cấp những sản phẩm cá chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Chăm sóc cá lồng.
Từ năm 2015-2016, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có chính sách hỗ trợ vật tư làm lồng, do vậy nuôi cá lồng trên sông có điều kiện phát triển. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có gần 200 hộ nuôi cá lồng với hơn 2.200 lồng nuôi, tập trung tại các huyện Lương Tài, Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình và Yên Phong. Cá lồng được nuôi chủ yếu trên hệ thống sông Đuống, sông Thái Bình và sông Cầu, với các loại cá có giá trị như: cá tầm, lăng đen, lăng chấm, lăng hồng, trắm cỏ, diêu hồng, ngạnh sông, chép, rô phi đơn tính... đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh cũng như các thị trường lớn như Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng...
Từng làm ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I và có đam mê với nghề nuôi cá tầm, năm 2017, anh Hoàng Huy Tập, thôn Đồng Đoài, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành) đã đưa cá tầm Siberi (Acipenser baerii) xứ lạnh về nuôi thương phẩm bằng lồng trên sông Đuống thành công. “Vụ nuôi cá tầm trên sông Đuống tốt nhất bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 4 sang năm, tốc độ cá lớn rất nhanh, một tháng có thể tăng đến 1kg” – anh Tập cho biết hiện anh đã ươm nuôi thành công giống cá tầm, thay vì phải đi mua phôi giống từ Sa Pa (Lào Cai) như trước đây.
Theo anh Tập, một năm, anh đưa ra thị trường khoảng 30-40 tấn cá tầm. Thị trường tiêu thụ cá tầm rất lớn, gia đình anh sản xuất ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Để nuôi cá tầm thành công trên sông Đuống với tỷ lệ sống lên tới 80% phải có bí quyết riêng. Đơn cử, vào mùa hè, phải giảm lượng thức ăn để cá tiêu bớt mỡ, giảm thiểu tình trạng cá chết do nắng nóng. Một cản trở khác đối với nghề nuôi cá tầm là giá thức ăn rất cao, từ 30-35 nghìn đồng/kg. Đây cũng là yếu tố khiến mô hình nuôi cá tầm chưa được nhân rộng như các loại cá khác.
Anh Đỗ Đăng Năng ở thôn Thụy Mão, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành cho biết: Năng suất nuôi cá lồng trên sông Đuống lớn hơn nuôi ở ao đất rất nhiều. Một lồng rộng 6x9m nuôi cá lồng trên sông có thể đạt tối đa 8-9 tấn cá, tương đương 1ha ao nuôi cá bình thường. Với 50 lồng nuôi cá của gia đình, một năm đưa ra thị trường khoảng 200 tấn cá các loại. Nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP rất khắt khe, từ khâu giống, vệ sinh lồng sạch sẽ, thuốc kháng sinh không sử dụng, tạo ra con cá sạch, xuất ra thị trường có thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường hơn so với nuôi nhỏ lẻ.
Cá lồng sông Đuống chất lượng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Một vụ nuôi cá lồng thường kéo dài từ 8-9 tháng, lâu có thể lên tới 18 tháng. Lúc mới nuôi cá lồng trên sông Đuống, anh Năng tập trung nuôi chuyên canh cá lăng. Sau đó, anh nuôi thêm các giống cá khác như: cá diêu hồng, trắm cỏ, trắm đen, cá chép, cá chép giòn… để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Việc nuôi cá lồng trên sông Đuống có nhiều thuận lợi do có nguồn nước sạch nên cá lớn nhanh, thịt thơm ngon hơn so với nuôi trong ao, hồ, đặc biệt cá không có mùi bùn đất.
Các mô hình nuôi cá lồng trên sông Đuống hiện cho năng suất cao hơn so với nuôi cá thâm canh trong ao đất, đạt từ 4 - 6 tấn/lồng/36m2 mặt nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trung bình từ 42-60 triệu đồng/lồng nuôi/lứa. Sản phẩm cá lồng nuôi trên sông Đuống có độ đồng đều cao, mã đẹp nên được các chợ đầu mối, các khu công nghiệp, chế xuất lớn và người tiêu dùng rất ưa chuộng. Thậm chí, nhiều bà con mua lẻ còn đến tận lồng để mua cá về ăn.
Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp trong vài năm nay, giá thị trường có thể rẻ, nhưng việc nuôi cá lồng trên sông Đuống vẫn được duy trì, các lớp cá vào liên tục, không bị đứt gẫy đáp ứng nhu cầu thị trường. Mong muốn các ngành, các cấp tăng cường hơn nữa trong việc quản lý về cung – cầu, tránh tình trạng lúc dư thừa, lúc khan hiếm và giá cả bấp bênh, lên xuống không ổn định.
Hải Phong
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.