Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 05/09/2018
Ngày cập nhật:
7/9/2018
Nuôi bò bán thịt, lấy phân bò nuôi trùn quế, lấy trùn quế làm thức ăn nuôi cá, nuôi lươn. Cách làm khép kín của anh Nguyễn Minh Chung, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), đã tiết kiệm được nhiều chi phí trong chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình.
Anh Chung (bìa trái) đang giải thích kỹ thuật nuôi trùn với khách tham quan.
Phải mất nhiều giờ quanh co trên con đường làng, chúng tôi mới tìm được nhà anh Chung, phía sau căn nhà tình thương đã cũ là một khuôn viên nuôi trùn rộng hàng trăm mét vuông và cái chuồng bò nằm cạnh 2 bể nuôi lươn thoáng rộng. Nghỉ tay bới trùn, anh Chung mời chúng tôi vào nhà uống ly nước mát, rồi anh bắt đầu câu chuyện nuôi trùn. Anh Chung cho biết: “Thật ra nuôi con trùn quế không khó, cơ bản là phải đảm bảo được nhiệt độ thích hợp cho trùn sinh sống, phải thường xuyên tưới nước để giữ độ ẩm cho trại, nguồn thức ăn cho trùn phải đảm bảo đầy đủ không để trùn đói”.
Thức ăn của chúng chủ yếu là phân gia súc, gia cầm, nếu nguồn phân chuồng không đủ cung có thể tận dụng rau cải hay cọng lục bình mọc trên sông xay nhuyễn pha trộn với phân chuồng, đem ngâm ủ 1-2 ngày mang cho trùn ăn. Tuy còn mới mẻ chưa đủ kinh nghiệm nuôi, nhưng từ 20kg trùn giống ban đầu, chỉ sau mấy tháng nuôi thì nay số lượng trùn con đã tăng lên gấp nhiều lần. Có nhiều cơ sở, hộ gia đình nuôi cá, nuôi lươn tìm đến nhà anh đặt mua với giá 40.000 đồng/kg trùn, nhưng do còn trong giai đoạn thử nghiệm và nhân giống, một phần dành để làm thức ăn cho 2 bể lươn hơn 1.000 con nên anh Chung chỉ có thể bán cho bà con mỗi ngày khoảng 3-4kg trùn thịt.
Đưa tay lau giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt sạm đen, ở cái tuổi 36 mà mới thoạt nhìn tôi ngỡ anh đã ngoài 40, anh khẽ cười rồi nói: “Nắng gió thời gian đã làm cho con người ta như già đi trước tuổi”. Sau cái ngập ngừng, anh Chung kể tiếp câu chuyện của mình. Mấy năm trước, sau khi cưới vợ ra riêng, cuộc sống vợ chồng anh hết sức khó khăn, bởi làm ăn thua lỗ, phải vay mượn nợ người thân và bên ngoài với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều năm ròng rã, phải lên Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê để kiếm tiền trả nợ. Rồi trong lần tham quan vùng đất Củ Chi, anh phát hiện ở đây có rất nhiều người nuôi bò, rồi lấy phân bò nuôi con trùn quế. Hỏi ra mới biết giá trị của con trùn là làm thức ăn chăn nuôi như: lươn, cá, gà, vịt… rất mau lớn và tiết kiệm được nhiều chi phí. Anh nghĩ đến điều kiện môi trường ở quê mình nuôi trùn cũng tốt, anh mua liền 20kg trùn giống về thả nuôi. Vợ anh (chị Nguyễn Thị Hồng Khuê) và một số người thân, hàng xóm đều cho rằng, anh làm chuyện không giống ai. Ai nói mặc ai, anh không bận tâm và cứ mỗi sáng sớm anh làm công việc quét dọn chuồng bò của cha mình, lấy phân nuôi trùn. Thấy trùn ngày một sinh sôi nảy nở, anh mừng vì đã thành công trong khâu nhân giống. Bên cạnh đó, nhận thấy thị trường tiêu thụ trùn quế tại địa phương ngày một nhiều nên anh tiếp tục đầu tư mở rộng thêm chuồng trại, giờ cũng đã được hơn 250m2, số lượng trùn con cũng đã tăng lên rất nhiều. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có của mình, anh xây thêm 2 bể nuôi hơn 1.000 con lươn, dự kiến Tết Nguyên đán năm nay anh có lươn thịt để xuất bán.
Anh Chung chia sẻ: “Mình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nên mọi việc không hề đơn giản, phải đi từng bước, nhưng sau thời gian nuôi tôi nhận thấy trùn quế rất thích hợp với nhiệt độ nơi đây, ít sinh bệnh, dễ nuôi. Thức ăn của trùn cũng dễ tìm như phân heo, bò hay các phụ phẩm rau, củ, quả khác cũng có thể tận dụng làm thức ăn nuôi trùn”. Anh Chung còn cho biết, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi trùn của mình cho bất cứ ai có nhu cầu. Bởi anh là người hiểu hơn ai hết, với những khó khăn của người khởi nghiệp lúc đầu cần có người bạn đồng hành, cùng vượt qua khó khăn phía trước.
Một cán bộ Văn phòng UBND xã Vĩnh Viễn A, cho biết: Mô hình nuôi trùn quế của anh Chung rất mới lạ, nhưng xem ra bước đầu đã mang lại hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Nhận thấy, nếu mô hình nuôi trùn quế của anh Chung thật sự có hiệu quả kinh tế cao thì địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng và đề nghị về trên xin phần hỗ trợ thêm kỹ thuật chăn nuôi.
Trùn quế hay giun quế có tên khoa học là perionyx excavatus, chúng thuộc nhóm trùn ăn phân, thường sống trong môi trường có nhiều chất hữu cơ đang phân hủy. Do có hàm lượng protein cao nên trùn quế được xem là nguồn dinh dưỡng bổ sung quý giá cho các loại gia súc, gia cầm, thủy hải sản… Và còn là nguồn phân hữu cơ sinh học bón được cho các loại hoa kiểng và rau sạch.
Bài, ảnh: QUANG HẢI
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.