Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 5/9/2018
Ngày cập nhật:
7/9/2018
Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi vịt, ông Lê Ngọc Mới (Út Mới) thấu hiểu nỗi khổ của người chăn nuôi nên tiên phong thay đổi tư duy làm ăn. Theo cách làm mới của ông, người nuôi vịt không còn cảnh phải bám đồng rồi chấp nhận rủi ro, mà ở đó có tính khoa học để hướng đến đảm bảo bền vững cho nghề nuôi.
Ở Đồng Tháp Mười, hàng chục năm qua ông Út Mới không chỉ nổi tiếng là một "đại gia" trong giới chăn nuôi vịt mà còn là người tiên phong đưa mô hình nuôi chạy đồng truyền thống vào một khuôn mẫu kiểu mới. Ông tâm sự: "Sau những thành công bước đầu, lần này tôi đầu tư tiền tỉ để làm ăn lớn. Sản phẩm vẫn đảm bảo an toàn từ đầu vào và đầu ra và sẽ không còn cảnh dội hàng giảm giá...".
Ông Mới (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm nuôi vịt với nông dân trong vùng.
Hơn 40 năm "du mục" cùng đàn vịt
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Mỹ Hòa (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), tuổi thơ của ông Mới là những tháng ngày lang thang trên đồng bầu bạn cùng đàn vịt. Ông Mới kể do gia cảnh khó khăn nên ông sớm dở dang việc học và theo những người nuôi vịt chạy đồng du mục khắp miền Tây. Mới đó mà đã hơn 40 năm ông Mới gắn bó với con vịt. Cái nghề "du mục" này làm ông có lúc "ăn không ngon, ngủ không yên", nhưng ông đến với nó bằng tình yêu, sự đam mê nên nhất quyết không bỏ nghề.
"Năm tôi 16 tuổi, có một lão nông ở Cà Mau lùa đàn vịt lớn lên Đồng Tháp Mười nên tôi kết thân. Với kinh nghiệm hàng chục năm nuôi vịt chạy đồng, ông đã chỉ dẫn và giúp tôi có thêm động lực để quyết định mua 500 con về nuôi. Nhưng lần mạo hiểm này không thành công vì vịt chết gần phân nửa. Tiền thì vay hỏi, kỹ thuật nuôi chưa có, thú y chưa phát triển, thời gian nuôi dài, muốn bán vịt lại phải phụ thuộc vào thương lái nên lỗ nặng. Tuy nhiên, tôi không vì thế mà bỏ ước mơ đổi đời từ con vịt và quyết gom hết vốn liếng, hỏi vay thêm mua 900 con vịt về nuôi vịt đẻ", ông Mới nói.
Theo ông Mới, kết quả lỗ trong lần làm ăn đầu tiên không làm ông nản chí mà như tiếp thêm động lực để ông chính thức theo nghề vịt chạy đồng. Cứ thế, năm này qua tháng nọ, ông theo đàn vịt đi khắp miền Tây, ở đâu có đồng trống là ông hỏi và lùa vịt đến. Ông Mới cho biết: "Trời không phụ lòng người, sau khi rút tỉa kinh nghiệm ở lần nuôi đầu tiên, đàn vịt lần này tôi nuôi rất thành công. Nhờ nó, tôi trả dứt nợ và mua thêm vịt để nhân đàn. Có lúc đàn vịt của tôi lên đến hàng chục ngàn con, đưa chạy đồng khắp miền Tây".
Sau nhiều năm lang thang với đàn vịt, ông Mới có cơ ngơi khang trang cùng với hơn 10ha đất. Nhưng những năm gần đây, nghề nuôi vịt chạy đồng không còn hiệu quả. Theo ông Mới, nguyên nhân là do làm lúa 3 vụ/năm nên thời gian lưu vịt trên đồng rất ngắn. Thêm vào đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên đồng lớn làm nguồn thức ăn cạn kiệt, đặc biệt tỷ lệ vịt bệnh tật, hao hụt nhiều, chất lượng trứng thấp. Đặc biệt vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, trứng vịt đột ngột rớt giá khiến "đại gia" như ông Mới cũng lâm vào cảnh khó khăn. Đàn vịt 20.000 con làm ông lỗ mỗi tháng hơn trăm triệu đồng tưởng chừng như phải bỏ nghề.
"Năm 2015, trong một lần lên TP. Hồ Chí Minh trị bệnh, trong lúc rảnh rỗi, tôi vào siêu thị tham quan, đặc biệt tại gian hàng trưng bày bán trứng gia cầm. Ở đó, họ bán trứng sạch giá tuy có cao hơn thị trường nhưng vẫn được nhiều người chọn mua. Đây là mốc quan trọng giúp tôi nghĩ phải thay đổi tư duy, vì kiểu làm ăn "phụ thuộc vào tự nhiên" gặp quá nhiều rủi ro, nguy cơ phá sản rất lớn", ông Mới tâm sự.
Tư duy làm ăn mới
Trị bệnh xong, ông Mới bắt đầu tìm hiểu cách nuôi vịt sạch. Ông trực tiếp lặn lội sang Tiền Giang, rồi ra Đồng Nai, Vũng Tàu học tập kinh nghiệm. Sau khi học được kỹ thuật nuôi, cuối năm 2015, ông Mới bắt đầu thử nghiệm với đàn vịt của mình. Ông không cho vịt chạy đồng như trước mà nuôi nhốt lại một chỗ và cho ăn thức ăn (kỹ thuật này được gọi là cho vịt nằm rọ đẻ trứng). Theo ông Mới, khi triển khai thực hiện mô hình, bạn bè và gia đình không ai ủng hộ. Bởi theo họ, nuôi vịt chạy đồng đã không có lời thì nhốt lại cho ăn thức ăn sẽ lỗ. Tuy nhiên, cách làm của ông lại được sự ủng hộ nhiệt tình của cơ quan chức năng. Cũng chính sự đồng hành của địa phương và ngành chuyên môn mà những khó khăn từ việc tổ chức lại sản xuất, kết nối cung cầu của ông Mới được kịp thời tháo gỡ. Kể từ đó, ông Mới nuôi vịt chắc chắn có lời, đầu ra luôn ổn định.
Ông Mới thu hoạch trứng vịt.
Sau những thành công bước đầu với 7.000 con vịt được nuôi rọ theo mô hình chăn nuôi vịt bán công nghiệp, ông quyết định đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây dựng chuồng trại theo mô hình chăn nuôi công nghiệp khép kín có hệ thống máng nước tự động cho vịt uống, 2 khu vực trải đệm sinh học nuôi 10.000 con vịt theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, ông còn đào 3 ao lắng lọc nước thải. Chính việc nuôi khép kín này đã giúp tỷ lệ vịt đẻ đạt từ 85 - 90%, bảo vệ môi trường, giảm mùi hôi ảnh hưởng đến các hộ lân cận và trứng vịt luôn đạt chất lượng. Vịt nuôi theo mô hình này được tiêm phòng định kỳ, dịch bệnh được khống chế, tất cả thức ăn và nước uống đều được kiểm soát chặt chẽ và được cập nhật đều đặn trong nhật ký sản xuất hằng ngày. Cuối năm 2017, trang trại nuôi vịt sinh học Út Mới được Sở Công thương TP Hồ Chí Minh gắn mã vạch truy xuất nguồn gốc trứng vịt, trở thành trang trại trứng vịt đầu tiên ở ĐBSCL đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Chia sẻ về sự "liều lĩnh" của mình, ông Mới cho rằng trong bối cảnh hiện nay, chăn nuôi sạch là giải pháp tất yếu, phải chịu khó học hỏi, khi làm nghề bằng tâm huyết và đam mê thì sẽ thành công. Ngoài ra, ông còn chủ động thành lập Tổ hợp tác (THT) nuôi vịt Tháp Mười gồm 11 hộ ở các xã Mỹ Hòa, Mỹ Đông, Mỹ An, Tân Kiều, Phú Điền… nhằm tạo sự liên kết giữa những người nuôi, rồi hợp tác với Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (TP Hồ Chí Minh) để tạo đầu ra sản phẩm. Đến nay, các thành viên của THT nuôi vịt Tháp Mười không còn phải "đau đầu" tìm lời giải cho bài toán đầu ra trứng vịt như trước đây. Hiện ngoài thu nhập ổn định từ 10ha lúa, riêng đàn vịt trên 7.000 con đang cho trứng đã giúp gia đình ông Mới có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/tháng. Ông Mới đang đầu tư mở rộng chuồng trại để nâng tổng đàn lên khoảng 10.000 con.
Ông Nguyễn Đình Thái, Giám đốc kinh doanh Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết: "Chúng tôi rất cần sản phẩm trứng có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để cung cấp cho các siêu thị và mô hình của ông Mới đáp ứng tiêu chí đó. Hiện nay, đều đặn 2 ngày 1 chuyến công ty nhận của bà con trong THT từ 70.000 - 80.000 quả trứng với giá cao hơn giá thị trường từ 200 - 300 đồng/quả, trứng của THT sản xuất ra công ty đem đi xuất khẩu trứng vịt tươi và trứng vịt muối trang thị trường Singapore được đánh giá rất cao".
Ông Hồ Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết vịt là một trong 5 ngành hàng chủ lực của địa phương để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mặt khác, Đồng Tháp hiện có tổng đàn vịt đứng đầu ĐBSCL với khoảng 6,5 triệu con. Vì vậy, rất cần những người dám thay đổi tư duy sản xuất, đi trước, đón đầu để đề án tái cơ cấu nông nghiệp trở nên bền vững. Từ một mô hình ban đầu của ông Mới, đến nay toàn tỉnh có 6 THT và gần 50 thành viên, tổng đàn vịt nuôi nhốt trên 200.000 con. Đây là tín hiệu tốt cho thấy mô hình mà ông Mới tiên phong thực hiện đạt hiệu quả cao và có sức lan tỏa mạnh. Ông Mới là một trong những nông dân tiêu biểu được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.
Bài, ảnh: Bình Nguyên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.