• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Định: Mô hình liên kết giữa người chăn nuôi heo với doanh nghiệp: Hai bên cùng có lợi

Nguồn tin: Báo Bình Định, 7/9/2018
Ngày cập nhật: 11/9/2018

Thời gian qua, nhiều hộ dân đã đầu tư vốn xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Thực tế cho thấy, hình thức liên doanh trong chăn nuôi đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả DN và người chăn nuôi.

Trang trại chăn nuôi heo thịt gia công của ông Lê Xuân Quang, ở thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ.

Yên tâm đầu ra

Phương thức đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (sau đây viết tắt là Công ty CP) là hỗ trợ con giống gia súc, gia cầm (GSGC), kỹ thuật, thức ăn và thu mua toàn bộ sản phẩm chăn nuôi. Người chăn nuôi chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng, thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh, cung cấp sản phẩm cho DN như đã cam kết.

Phương thức hợp tác đầu tư này đã được nhiều người chăn nuôi trong tỉnh thực hiện, mang lại hiệu quả cao. Điển hình như hộ ông Lê Xuân Quang, ở thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn). Năm 2005, sau khi được Công ty CP - chi nhánh Bình Định II tư vấn và đặt vấn đề liên kết chăn nuôi heo gia công, ông Quang đã sử dụng 1 ha đất ở thôn Thọ Lộc 2 để xây dựng trang trại chăn nuôi heo theo hướng hiện đại, khép kín.

Ông Quang thổ lộ: “Trong chăn nuôi, sợ nhất là dịch bệnh và không có đầu ra sản phẩm. Nhưng DN đã cam kết giải quyết 2 vấn đề trên, nên tôi quyết định xây dựng trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn. Mỗi năm tôi nuôi 2 lứa heo thịt, mỗi lứa 1.500 con để cung cấp cho DN. Nhờ áp dụng tốt quy trình đầu tư chăm sóc, nên trang trại của tôi chưa xảy ra dịch bệnh vật nuôi; lợi nhuận sau khi trừ chi phí khoảng trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tôi còn nuôi thêm bò, gà và trồng keo lai quanh trang trại để tăng thu nhập”.

Ở thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ còn có các chủ trang trại Nguyễn Văn Nam và Nguyễn Thành Hay cũng chăn nuôi gia công cho Công ty CP, đạt hiệu quả cao. Riêng trang trại của ông Nam thường xuyên nuôi mỗi lứa từ 4.000 - 4.500 con gà siêu thịt và 700 con heo. Mỗi lứa gà nuôi từ 45 - 50 ngày là xuất chuồng, mỗi năm được DN trả tiền công trên 50 triệu đồng. Còn heo nuôi 2 lứa/năm, DN trả tiền công hơn 140 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn đào ao thả cá, tận dụng chất thải của heo, gà làm thức ăn cho cá, thu về khoảng 80 triệu đồng/năm.

“Chăn nuôi gia công không phải đầu tư con giống, thức ăn, nhưng lại được hỗ trợ tối đa về thú y, nên vật nuôi luôn đảm bảo an toàn dịch bệnh. Điều quan trọng là người chăn nuôi luôn yên tâm về đầu ra sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Nam chia sẻ.

Hai bên cùng có lợi

Ông Võ Ngọc Lâm, Giám đốc Công ty CP - chi nhánh Bình Định II, cho biết: Phương thức đầu tư của công ty thu hút sự quan tâm của nhiều hộ nông dân trong tỉnh. Đến nay, công ty đã hợp tác đầu tư chăn nuôi GSGC với 51 chủ trang trại trong tỉnh. Các chủ trang trại đã áp dụng tốt các tiến bộ KHKT vào thực tế, nên đã giảm được chi phí đầu vào, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng lợi nhuận. Bình quân mỗi năm công ty thu mua 120 ngàn con heo và 360 ngàn con gà từ các chủ trang trại. Mỗi con heo loại 1 tạ/con, công ty trả công cho người chăn nuôi 300 ngàn đồng, và 10.000 đồng/con gà loại 1,5 kg/con. Thông qua đầu tư chăn nuôi GSGC gia công, DN chủ động được nguồn hàng để cung ứng cho thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Các chủ trang trại có điều kiện tiếp cận và áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, mô hình đầu tư chăn nuôi GSGC tập trung của Công ty CP được kiểm soát, quản lý chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra, nên hạn chế được dịch bệnh phát sinh. Người chăn nuôi yên tâm đầu tư vì không lo đầu ra sản phẩm và có thu nhập khá. Tuy nhiên, để liên kết chăn nuôi mang lại lợi nhuận lâu dài, bản thân chủ trang trại phải mạnh dạn đầu tư, nghiêm túc thực hiện quy trình chăn nuôi do DN và ngành chức năng của tỉnh hướng dẫn. Sở NN&PTNT sẽ sử dụng nguồn vốn từ Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp để hỗ trợ các chủ trang trại chăn nuôi xây dựng hầm khí bioga, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, phát triển chăn nuôi hiệu quả hơn.

PHẠM TIẾN SỸ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang