Nguồn tin: Báo Bình Phước, 25/01/2018
Ngày cập nhật:
26/1/2018
Sau hơn 4 năm nỗ lực học tập, cuối năm 2016 Mai Thế Tâm (SN 1994) ở ấp 1B, xã Tiến Thành (Đồng Xoài, Bình Phước), tốt nghiệp đại học chuyên ngành môi trường. Thay vì tìm việc làm đúng chuyên ngành tại các công ty, doanh nghiệp, Tâm lại xin ba mẹ đầu tư cho mình một trang trại nuôi trùn quế và sản xuất phân bón vi sinh tại khu vườn của gia đình. Với niềm tin và sự quyết tâm, kỹ sư trẻ Mai Thế Tâm đã bước đầu khẳng định bản thân và tạo được hướng đi riêng đầy triển vọng.
Khởi nghiệp từ niềm đam mê
Hiện nay, trang trại của anh Tâm tại ấp Bưng Trang, xã Tiến Thành, gồm 1 chuồng bò và khu chế biến thức ăn cho bò khoảng vài trăm mét vuông, với tổng đàn 21 con. Trong đó, 16 con bò giống mua từ đầu năm ngoái và 5 con bê. Tâm cho biết: “Đầu năm 2017, khi thuyết phục gia đình đầu tư mở trang trại chăn nuôi, ba mẹ và người thân đều phản đối nhưng khi nghe tôi trình bày mục đích, phương án, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và đặc biệt là tính ưu việt của ngành nghề mình chọn cũng như xu thế chung của xã hội thì cả gia đình đồng ý. Mục đích của tôi không phải chăn nuôi bò, mà ngành nghề kinh doanh chính - niềm đam mê của tôi, là nuôi trùn quế và sản xuất phân vi sinh cung cấp cho thị trường”.
Anh Mai Thế Tâm giới thiệu trang trại nuôi bò
Cùng với việc chăn nuôi bò, Tâm đã đầu tư xây dựng 3 trại nuôi trùn quế với diện tích nhà nuôi khoảng 300m2. Hiện nay có 2 trại đang nuôi và đã cho thu hoạch 1 đợt phân vi sinh với khối lượng 20 tấn và chuẩn bị cho thu hoạch đợt 2.
Tâm cho biết, trại và các ô nuôi trùn quế do chính Tâm thiết kế với sự tư vấn hướng dẫn của thầy giáo, học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại, cơ sở trong và ngoài tỉnh, kể cả tìm hiểu trên internet. Theo đó quy trình nuôi và sản xuất phân vi sinh cụ thể là: Trùn được mua về và nhân giống dần, phân bò tươi sau khi thu gom sẽ ủ khô hoặc ủ với nước từ 7-10 ngày thì cho trùn ăn. Sau 2-3 ngày cho phân bò đã ủ lên trên bề mặt của ô đang nuôi để trùn ăn. Cứ như vậy sau 4 tháng sẽ thu hoạch sản phẩm phân vi sinh, tức là phân của trùn quế.
Hướng tới xây dựng thương hiệu phân vi sinh bình phước
Hiện nay, phân trùn quế được coi là loại phân hữu cơ vi sinh tốt nhất trong tự nhiên. Đây còn là nguồn dinh dưỡng “dài hơi” cho tất cả loại cây trồng, giúp tạo ra sản phẩm nông nghiệp, nhất là các loại rau, củ, quả chất lượng và năng suất cao. Mặt khác, loại phân này có tác dụng lâu dài và bền vững, giúp cải tạo đất tốt nhất. Vì vậy, nhu cầu sử dụng phân vi sinh từ nuôi trùn quế rất lớn. Tâm cho biết, hiện nay giá bán 1kg phân trùn quế tươi tại trại là 2.500 đồng, phân khô từ 13-14 ngàn đồng/kg. Đến nay, trại của Tâm đã xuất được 1 đợt phân trùn quế gần 20 tấn. Bên cạnh đó, trùn quế là loại thức ăn giàu đạm, chất lượng cao để nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, giúp giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. Giá bán trùn quế trên thị trường hiện từ 50-60 ngàn đồng/kg.
Hiện nay, mô hình kinh tế của Tâm được xã Tiến Thành triển khai nhân rộng. Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho mô hình phát triển, vừa qua UBND xã Tiến Thành đã thành lập Hợp tác xã tư vấn liên kết sản xuất điều và dịch vụ phân bón vi sinh Bình Phước do Mai Thế Tâm làm chủ nhiệm. Mục tiêu của hợp tác xã là liên kết các nông hộ, các mô hình sản xuất, chăn nuôi hướng tới sản phẩm nông nghiệp sạch chất lượng cao. Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thị xã Đồng Xoài cũng đang xem xét hỗ trợ Tâm vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất phát triển kinh tế.
Tâm cho biết: “Hiện nay, xu hướng chung là phát triển nông nghiệp sạch nên nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh rất lớn. Vì vậy, phân trùn quế của trang trại tôi sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường. Chủ yếu là các trang trại trồng rau sạch, dưa lưới, cây ăn trái... đặt mua với số lượng không giới hạn. Về lâu dài, tôi muốn xây dựng một thương hiệu phân vi sinh riêng của tỉnh Bình Phước làm từ phân trùn quế. Đồng thời, mong muốn nhân rộng mô hình nuôi bò kết hợp với nuôi trùn quế lấy phân để tăng thêm thu nhập cho nông dân. Từ đó tạo điều kiện để các hộ dân, cơ sở chăn nuôi, trồng rau sạch, sản xuất nông sản sạch liên kết với nhau để cùng phát triển”.
Sẽ còn nhiều khó khăn trong thời gian tới nhưng với sự quyết tâm, niềm đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ, đặc biệt là ý tưởng, chiến lược sản xuất - kinh doanh vì môi trường, lợi ích cộng đồng, tin rằng cách làm kinh tế của thanh niên 9X Mai Thế Tâm sẽ gặt hái được nhiều thành công và trở thành mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của tuổi trẻ Đồng Xoài.
Kim Phụng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.