Nguồn tin: Báo Công Thương, 17/9/2018
Ngày cập nhật:
19/9/2018
Nhiều địa phương tại khu vực miền Nam hiện đã phát đi cảnh báo và các phương án để phòng chống dịch tả lợn châu Phi vốn rất dễ xâm nhiễm vào nước ta.
Miền Nam đang tích cực phòng chống bệnh
Nhanh chóng “dựng rào”
Các khuyến cáo đã được gửi đến các doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp thu mua, các chợ đầu mối, chợ truyền thống, lò giết mổ, chủ trang trại, hộ chăn nuôi và cả người tiêu dùng nhằm phòng tránh tối đa căn bệnh dịch tả lợn nguy hiểm và chưa có thuốc phòng này.
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, bình quân hiện nay TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn/ngày, trong đó 80% là do các tỉnh thành khác cung cấp. Nhằm hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, chính quyền thành phố đã chỉ đạo các sở ngành, người kinh doanh thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch trên diện rộng, nhất là các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố.
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh triển khai tháng tiêu độc khử trùng (từ 1/9 - 1/10/2018), tiếp tục vận động các doanh nghiệp kinh doanh, giết mổ, các hộ chăn nuôi lợn và người dân tập trung kiểm soát về thú y, an toàn thực phẩm và an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đối với các hộ chăn nuôi, người dân cần thực hiện thường xuyên các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện tiêu độc khử trùng, định kỳ 1 - 2 lần/tuần. Các trang trại chăn nuôi cần hạn chế khách tham quan, kể cả thương lái vào chuồng lựa lợn để mua; khách vào trại buộc phải tắm rửa vệ sinh, mặc đồ bảo hộ lao động để hạn chế mầm bệnh xâm nhập…
Theo Phó Chi cục chăn nuôi và thú y TP. Hồ Chí Minh - Huỳnh Tấn Phát - chi cục đã chỉ đạo tất cả các trạm kiểm soát kiểm tra các phương tiện vận chuyển động vật, trong đó có thịt lợn khi ra vào các trạm đầu mối, các đơn vị bố trí lực lượng 24/24h để kiểm tra, tiêu độc khử trùng thực phẩm trước khi đưa vào thành phố.
Theo ông Phát, các trường hợp có nghi ngờ dịch bệnh phải được đưa về trạm kiểm dịch động vật Hóc Môn để cách ly, theo dõi và giám sát. Riêng các trường hợp thịt nhập khẩu, Chi cục phân công Chi cục thú y vùng 6 tăng cường kiểm soát sản phẩm thịt động vật đông lạnh nhập khẩu khi vào các sân bay, các cảng.
Ông Lê Minh Hải, Phó Ban quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố được phân công kiểm tra việc nhập, xuất các sản phẩm đông lạnh này để đảm bảo an toàn thực phẩm. Đơn vị cũng sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh kiểm tra, giám sát tất cả các khâu từ khi sản xuất chăn nuôi đến giết mổ và đưa ra thị trường tiêu thụ.
Các địa phương và doanh nghiệp cùng vào cuộc
Các địa phương như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang… cũng đang tích cực cập nhật thông tin về tình hình dịch tả lợn châu Phi, tổ chức triển khai các phương án phòng chống và ứng phó nếu khi có dịch bệnh xảy ra.
Tỉnh Đồng Nai là địa phương có đàn heo lớn nhất cả nước hiện nay với khoảng 1,8 triệu con, để bảo vệ đàn heo trước dịch bệnh, các sở ngành và người chăn nuôi đang ráo riết tổ chức các phương án phòng dịch đến từng trang trại, hộ chăn nuôi và người dân.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên toàn địa bàn, tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề nhằm thông tin về tình hình dịch bệnh và khả năng ứng phó đến từng người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với tổng đàn khoảng 120.000 con.
Trước mắt, Đồng Nai sẽ tập trung thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - Nguyễn Trí Công - đã gửi văn bản đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các giải pháp để phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi hiệu quả.
Theo đó, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất cấm nhập khẩu thịt lợn tại các nước đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi; hạn chế nhập khẩu thịt lợn tại các nước đã có bệnh dịch tả lợn châu Phi để giảm thiểu tồn dư mầm bệnh trong nước và tổ chức kiểm nghiệm chặt chẽ các lô thịt nhập khẩu.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi nuôi C.P. Việt Nam (C.P.Việt Nam) cho biết, khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phí xảy ra ở một số quốc gia và lan rộng ở Trung Quốc, C.P. Việt Nam đã đưa ra và thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh cho hệ thống 3.000 trang trại lợn của công ty và của người chăn nuôi. Cụ thể, C.P. Việt Nam đã mời các chuyên gia hiểu biết sâu về bệnh dịch tả lợn châu Phi về phổ biến cho công nhân viên trong công ty, tổ chức tăng cường sát trùng chuồng trại; in các poster phát cho cho các trang trại và hướng dẫn cho người nông dân cách phòng dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Để phòng chống dịch bệnh này hiệu quả trên diện rộng, C.P. Việt Nam đã trao tặng hóa chất chẩn đoán bệnh dịch tả heo châu phi (ASF) bằng phương pháp realtime PCR và Bộ kit test kiểm tra nhanh phát hiện kháng nguyên ASF. Bộ kiểm tra nhanh có thể sử dụng giống như bộ kiểm tra salbutamol với độ tin cậy khoảng 90% và kiểm tra trong vòng 5 - 10 phút là có kết quả. Tổng trị giá của hóa chất và kit test khoảng 100.000 USD.
Thế Vĩnh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.