• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Để chăn nuôi bò phát huy lợi thế. Bài 2: Hướng đến phát triển bền vững

Nguồn tin: Báo Long An, 18/9/2018
Ngày cập nhật: 20/9/2018

Nuôi bò ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) là giải pháp hợp lý, đúng đắn, tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và lợi nhuận cho người dân, nâng cao giá trị, góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm.

3 hộ dân tham gia mô hình điểm về chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao (trong đó, tỉnh hỗ trợ 30% chi phí mua 59 con bò giống). Ảnh chụp tại hộ ông Phạm Thành Công, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa

Chăn nuôi bò ƯDCNC là yêu cầu đang được đặt ra hiện nay. Tuy nhiên, các cấp, các ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp hơn nữa để thực hiện tốt giải pháp trên, hướng đến phát triển bền vững để phát huy được thế mạnh, mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi bò thịt, bò sữa trên địa bàn, góp phần phát triển KT - XH địa phương, tăng lợi nhuận cho người dân.

Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi bò thịt xã Hòa Khánh Đông (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) - Võ Thanh Quang nói: “Ngoài sự cố gắng của HTX, chúng tôi cần Nhà nước hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý HTX; giới thiệu doanh nghiệp (DN) cung cấp thức ăn chăn nuôi bò thịt ƯDCNC; hỗ trợ kinh phí cải tạo lại đàn bò giống, vay vốn với lãi suất ưu đãi phục vụ chăn nuôi; hướng dẫn xây chuồng trại đúng tiêu chuẩn, xây dựng logo thương hiệu; tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường, hỗ trợ gieo tinh bò giống ngoại chất lượng cao, giống cỏ, máy cắt cỏ, máy băm cỏ trong quá trình chăn nuôi bò ƯDCNC”.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Tây Hòa (xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ) cho biết: HTX đang phát triển chăn nuôi bò ƯDCNC với 16 thành viên, tổng đàn bò 162 con. HTX được hỗ trợ một số chính sách, tuy nhiên, quá trình hoạt động còn gặp một số khó khăn nhất định. HTX kiến nghị Nhà nước tạo điều kiện cho xã viên vay vốn ưu đãi phục vụ chăn nuôi bò ƯDCNC, giới thiệu DN bao tiêu sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ - Phạm Văn Liên chia sẻ: Đức Huệ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để chăn nuôi bò thịt ƯDCNC đạt kết quả; tiếp tục triển khai gieo tinh nhân tạo bò giống theo kế hoạch, tập huấn các kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, kêu gọi các DN về bao tiêu sản phẩm. Huyện kiến nghị tỉnh tập huấn chuyên môn cho cán bộ, thực hiện mô hình điểm và giới thiệu DN bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Nguyễn Minh Trung thông tin: Huyện chủ động kêu gọi DN bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi; cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho các đơn vị bao tiêu nông sản trên địa bàn. Đồng thời, huyện tăng cường tập huấn để người chăn nuôi dễ dàng tiếp cận khoa học - kỹ thuật tiên tiến, phù hợp trong quá trình chăn nuôi bò ƯDCNC; phối hợp các sở, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc của người dân để việc chăn nuôi bò đạt kết quả.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Giết mổ, sơ chế Sơn Thủy Hà (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) - Lưu Sơn Thủy cho rằng: Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi về mặt cơ chế, chính sách cho DN. Người chăn nuôi cần thay đổi tập quán chăn nuôi, mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi, thay đổi con giống, chọn các loại bò giống có chất lượng cao nhằm đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của thị trường. Như vậy, đầu ra của sản phẩm sẽ dễ dàng, người chăn nuôi có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm đầu mối tiêu thụ và đơn vị thu mua thuận lợi trong quá trình ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm.

Theo Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, thời gian qua, sở phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác kết nối tiêu thụ bò thịt, thông qua nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa được tổ chức tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là thị trường TP.HCM. Thời gian tới, sở tiếp tục tăng cường thực hiện công tác này. Bên cạnh đó, các HTX chăn nuôi phải tập trung thực hiện tốt quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng, an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc, bảo đảm cung ứng đủ số lượng. HTX phải kịp thời thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ cũng như chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiêu thụ, nhu cầu kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp để sở nắm bắt, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, sở phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu thị trường, tránh tình trạng nguồn cung vượt cầu làm ảnh hưởng đến người chăn nuôi. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi phải tham gia vào HTX, hình thành chuỗi chăn nuôi và DN thông qua HTX - đại diện pháp nhân để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Hơn 70 trang thiết bị (máy cắt cỏ, máy băm cỏ) được tỉnh hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác phục vụ chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng thông tin: Sở phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người chăn nuôi bò thịt, bò sữa trên địa bàn. Để phát huy thế mạnh chăn nuôi bò thịt, bò sữa trên địa bàn, thời gian tới, sở thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. Đối với chăn nuôi bò thịt, sở tăng cường tập huấn, thông tin, tuyên truyền sâu, rộng đến người dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiểu biết về chăm sóc, thú y, vệ sinh môi trường chăn nuôi,... nhằm tăng hiệu quả kinh tế; xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi như tổ hợp tác, HTX, theo hướng trang trại tập trung, an toàn sinh học, phát triển bền vững, hạn chế nuôi nhỏ, lẻ, manh mún; tiếp tục đẩy nhanh kế hoạch xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt ƯDCNC tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ trong giai đoạn 2018 - 2020 (xây dựng 2 HTX điểm, 8 mô hình điểm và thực hiện nhân rộng). Đối với chăn nuôi bò sữa, sở tiếp tục nâng cao tiềm năng di truyền về giống, sử dụng tinh bò có năng suất sữa cao để cải thiện chất lượng bò sữa; hỗ trợ tiêm phòng vắc-xin cho đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh, đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi như công nghệ lai tạo bò sữa, kỹ thuật trồng, chế biến thức ăn xanh nhằm tăng năng suất và chất lượng sữa, tạo sản phẩm an toàn thực phẩm. Khuyến khích chăn nuôi bò sữa có quy mô 10 con trở lên, hạn chế nuôi nhỏ, lẻ và triển khai việc đeo thẻ tai cho đàn bò sữa của tỉnh, dễ kiểm soát cũng là điều kiện để công ty sữa ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Ngoài ra, sở phối hợp xây dựng liên kết chuỗi bò thịt, bò sữa để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra và đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải tăng cường phối hợp với nhau trong việc hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi bò sữa, bò thịt trên địa bàn. Bên cạnh đó, ông đề nghị các hộ chăn nuôi phải vào hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường, để tăng lợi nhuận.

Thanh Mỹ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang