• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nguy cơ thịt lợn ngoại ‘lấn sân’: Ngành chăn nuôi có khó khăn?

Nguồn tin: Hà Nội Mới, 05/10/2018
Ngày cập nhật: 6/10/2018

Trong khi giá thịt lợn móc hàm bán tại chợ dân sinh đang ở mức cao, khoảng 130.000 đồng/kg, thì giá thịt lợn nhập khẩu của Mỹ chỉ từ 30.000 đồng/kg. Thực tế này được đánh giá là có lợi cho người tiêu dùng nhưng liệu có gây khó khăn cho ngành chăn nuôi trong nước?

Người dân lựa chọn sản phẩm thịt lợn bày bán trong siêu thị. Ảnh: Hải Anh

Giá rẻ bằng 1/3

Mới đây, Ủy ban Tiếp thị toàn cầu thuộc Hiệp hội Chăn nuôi lợn Hoa Kỳ đã đến Singapore, Việt Nam, Hồng Kông (Trung Quốc) để tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng, phát triển hệ thống bán lẻ, tìm kiếm đối tác để xuất khẩu. Khảo sát của Ủy ban Tiếp thị toàn cầu thuộc Hiệp hội Chăn nuôi lợn Hoa Kỳ tại Việt Nam cho thấy, sức tiêu thụ thịt lợn Mỹ tại Việt Nam tăng đáng kể. Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn của Mỹ với tổng trị giá 12 triệu USD, tăng 140% so với năm 2016. Trong tháng 5-2018, lượng thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam là hơn 11.000 tấn, chiếm 37% lượng thịt nhập khẩu.

Riêng nội tạng đỏ của lợn như tim, gan, cật... của Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam có giá trị khoảng 1 triệu USD trong năm 2017, nhưng nội tạng trắng, gồm: Lòng, bao tử... chưa được cấp phép. Vì thế, Ủy ban Tiếp thị toàn cầu thuộc Hiệp hội Chăn nuôi lợn Hoa Kỳ đang đàm phán và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu nội tạng trắng sang Việt Nam. Mặt khác, do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, hiện nguồn cung thịt lợn tại Mỹ đang tăng mạnh, vượt nhu cầu tiêu dùng nội địa, do đó hoạt động xuất khẩu sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam ngày càng tăng. Đáng nói, thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ giá rẻ chỉ bằng 1/2 đến 1/3 so với giá thịt trong nước.

Theo bà Nguyễn Thị Minh (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông), giá thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ thấp hơn trong nước sẽ có lợi cho người tiêu dùng. "Thêm nguồn thịt lợn nhập khẩu với giá bán rẻ hơn thì thương lái không thể vin vào lý do khan hàng để nâng giá bán như vừa qua. Đồng thời, chúng tôi có thêm sự lựa chọn cho bữa ăn gia đình và phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng. Quan trọng là cơ quan chức năng siết chặt quản lý về chất lượng khi nhập khẩu" - bà Minh phân tích.

Khảo sát một số siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, thịt lợn nhập khẩu tiêu thụ ở mức thấp, chỉ chiếm gần 5% số lượng thịt bán ra trên thị trường, vì thói quen sử dụng thịt đông lạnh của người dân còn rất ít. Thịt nhập khẩu chủ yếu bán cho nhà hàng, khách sạn, quán ăn… Chủ một chuỗi cửa hàng thịt nướng trên địa bàn quận Thanh Xuân tiết lộ, giá thịt lợn nhập khẩu hợp lý, chất lượng bảo đảm, đầy đủ giấy tờ, dễ dàng lựa chọn loại thịt theo yêu cầu, nhất là thịt ba chỉ để nướng. Hiện, giá thịt lợn nhập khẩu đến tay các cơ sở tiêu dùng dao động từ 40.000 đến 60.000 đồng/kg...

Cơ hội đẩy mạnh tái cơ cấu

Thực tế cho thấy, việc giá thịt lợn nhập khẩu thấp hơn giá trong nước có lợi cho người tiêu dùng, nhưng lại khiến người chăn nuôi lo ngại. Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) cho rằng, cần phải cân đối hài hòa lượng thịt nhập khẩu từ nước ngoài, đồng thời kiểm soát tốt nguồn cung và giá thịt trong nước, tránh tình trạng thịt giá rẻ nhập khẩu ồ ạt ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi vốn đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

Ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh tái cơ cấu và thay đổi cách làm để phát triển bền vững. Ảnh: Sơn Hà

Trước nguy cơ thịt lợn ngoại lấn sân thị trường nội địa, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thừa nhận, giá thịt lợn ở Việt Nam đang ở nhóm cao nhất thế giới. Nguyên nhân là do, chăn nuôi trong nước quy mô nhỏ lẻ. Trong khi thức ăn chăn nuôi phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, dẫn tới chi phí sản xuất cao... Điều này khiến thịt lợn giá rẻ từ các nước có nguy cơ tràn vào Việt Nam, không chỉ có thịt lợn từ Mỹ mà còn từ Trung Quốc hay các nước Canada, Tây Ban Nha, Ba Lan…

Trong giai đoạn hội nhập, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, việc xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm nông sản là việc bình thường, không thể “ngăn sông cấm chợ”. Để cạnh tranh được với thịt lợn nhập khẩu, các doanh nghiệp và người chăn nuôi phải cải tiến cách quản lý, đầu tư công nghệ, tăng chất lượng, giảm giá thành sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ, để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, tránh tình trạng phụ thuộc nhập khẩu, bản thân các hợp tác xã, nông dân chăn nuôi phải chủ động kết nối với cơ sở giết mổ công nghiệp và các chuỗi tiêu thụ lớn, để giảm dần khâu trung gian.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết thêm: "Chúng ta không thể vì bảo hộ nông dân mà cực đoan “đóng cửa” với thương mại thế giới. Tuy nhiên, ngoài nâng cao năng lực chăn nuôi trong nước, cần có những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện chất lượng, đặc biệt là quy định bắt buộc về truy xuất nguồn gốc, điều kiện vệ sinh thú y đối với các loại thịt nhập khẩu vào Việt Nam để vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm, vừa tránh việc nhập khẩu ồ ạt, dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường. Thịt lợn nhập khẩu giá rẻ "lấn sân" thị trường Việt Nam vừa là thách thức, vừa là cơ hội giúp ngành chăn nuôi đẩy mạnh tái cơ cấu và thay đổi cách làm để có khả năng tham gia hội nhập, phát triển bền vững".

Bạch Thanh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang