Nguồn tin: Báo Lào Cai, 05/10/2018
Ngày cập nhật:
7/10/2018
Chợ Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai từ lâu đã nổi tiếng là phiên chợ bản địa giàu bản sắc. Chợ họp vào thứ Bảy hằng tuần, là điểm giao dịch hàng hóa của bà con các xã trong huyện và vùng lân cận. Đây được gọi là “sàn giao dịch” trâu lớn của vùng Tây Bắc. Những năm gần đây, nhiều thương lái người Trung Quốc đến để tìm mua trâu, nhưng những cuộc giao dịch này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chiều thứ Năm và ngày thứ Sáu là thời điểm chợ trâu Cán Cấu nhộn nhịp nhất. Hàng trăm con trâu khắp nơi được đưa về đây. Trước khi lên “sàn giao dịch”, trâu phải trải qua đợt kiểm tra sức khỏe tại điểm kiểm dịch gia súc thuộc quản lý của Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Trước đây, chợ Cán Cấu chủ yếu là điểm giao dịch trâu của người dân huyện Si Ma Cai, nhưng nay thương lái các tỉnh như Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An cũng đem trâu ra bán.
Nhiều thương lái tập trung ở chợ Cán Cấu giao dịch mua bán trâu.
Anh Nguyễn Văn Phong, một thương lái ở huyện Bảo Thắng đã có nhiều năm trong nghề lái xe chở trâu lên chợ Cán Cấu. Anh mua trâu ở các huyện vùng cao, thậm chí sang cả tỉnh khác tìm mua những con trâu tốt về chăm sóc, sau đó đem đến chợ Cán Cấu bán. Phiên chợ vừa qua với anh Phong không suôn sẻ, bởi bị thương lái người Trung Quốc ép giá. Lứa trâu đã nhiều lần chở đi chở về mà vẫn chưa tìm được giá ưng ý nên anh Phong rất phiền lòng. Anh cho biết: Vài năm trước, buôn bán trâu được lắm, thương lái người Trung Quốc trả giá rất cao, giao dịch diễn ra nhanh chóng, nhưng không hiểu vì lý do gì mà năm nay mua bán khó khăn, tôi bị họ trả giá chưa đủ giá gốc nên không ít lần phải chở trâu về nhà.
Anh Trần Văn Hậu, một thương lái trâu người Nghệ An cũng chán nản. Chi phí chở trâu từ Nghệ An đến Si Ma Cai khá tốn kém, mấy anh em họ hàng nhà anh chung vốn mong kiếm được chút lãi, nhưng tình hình không mấy khả quan. Phiên chợ vừa qua, anh Hậu chỉ bán được 2 con trâu, còn lại 10 con trâu phải quay đầu về Nghệ An chờ phiên giao dịch khác. Anh Hậu cho biết: Năm nay buôn bán trâu rất khó, thương lái người Trung Quốc luôn lấy lý do thị trường bên đó bão hòa để ép giá thương lái người Việt Nam.
Chi phí buôn trâu khá lớn, mỗi thương lái tốn vài trăm triệu để mua trâu, nuôi trâu trong thời gian chờ bán cộng thêm nhiều chi phí phát sinh khác. Những năm trước, nhiều thương lái Trung Quốc sang tận chợ Cán Cấu để mua trâu. Giá trâu ổn định khiến nhiều người Việt quyết định bỏ vốn đầu tư buôn trâu. Nhưng 2 năm trở lại đây, tình trạng thương lái người Trung Quốc ép giá, khiến không ít thương lái người Việt bị lỗ nặng. Nguyên nhân giá trâu xuống thấp được thương lái Trung Quốc giải thích do nhu cầu thị trường Trung Quốc không còn “nóng” như những năm trước.
Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: Những năm trước, buôn trâu khá lời nên nhiều thương lái người Việt Nam đầu tư, vì vậy mà năm nay, không tránh khỏi tình trạng bị thương lái người Trung Quốc ép giá. Chúng tôi khuyến cáo người dân trên địa bàn huyện thận trọng trước khi đầu tư buôn trâu, đồng thời yêu cầu thương lái từ nơi khác đến phải kiểm dịch trâu để tránh lây nhiễm bệnh cho đàn gia súc trên địa bàn.
Trước tình hình bị ép giá sâu, không ít thương lái đã quyết định bán lỗ số trâu đang có để thu hồi vốn. Song, nhiều thương lái tiếp tục kiên trì tìm đến những lái buôn người Trung Quốc với mong muốn giá của phiên chợ sau sẽ khả quan hơn phiên chợ trước. Tuy nhiên, các thương lái cần thận trọng khi giao dịch trâu, tránh tình trạng đầu tư lớn nhưng không bán được do bị ép giá.
MỘC ANH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.