Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Long An, 03/10/2018
Ngày cập nhật:
8/10/2018
Chăn nuôi bò hướng thịt là một trong những định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp nhiều triển vọng về tiềm năng kinh tế cho nhiều địa phương trong cả nước theo mô hình “nuôi bò vùng lúa nước”, không chăn thả đồng cỏ.
Trong đó, ngoài các biện pháp cải tiến về chuồng trại, dinh dưỡng thức ăn, vệ sinh thú y, cách thức chăm sóc … thì yếu tố quan trọng trên hết và có tính quyết định là nâng cao phẩm chất đàn bò qua công tác giống do trong thời gian dài trước đây đàn bò địa phương chủ yếu là bò lai Sind, lai Ongole và bò vàng (hay còn gọi bò ta, bò cóc, bò vàng) tuy khả năng thích nghi phong thổ rất tốt nhưng gặp hạn chế lớn về tầm vóc, sức tăng trọng, tỷ lệ thịt xẻ và chất lượng thịt nên hiệu quả chăn nuôi thấp. Do đó, chiến lược phát triển chăn nuôi bò thịt ở nước ta cần khởi đầu từ việc lai tạo với các giống bò thịt cao sản du nhập để cải thiện nhanh chóng các nhược điểm về giống nêu trên.
Với đặc điểm khí hậu thường xuyên nóng ẩm, do đó các giống bò thịt du nhập để lai tạo với đàn bò địa phương ngoài các yêu cầu về tầm vóc, sức tăng trưởng và chất lượng thịt thì tiêu chí quan trọng hàng đầu là khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu vùng cận nhiệt đới như nước ta. Qua các bước nghiên cứu thử nghiệm gieo tinh nhân tạo nhiều giống bò thịt cao sản như giống Brahman, Droughtmaster, Charolaise, Red Angus, Limousine, Blanc Bleu Belge (3B) … với bò địa phương Lai Sind tại nhiều nơi trong nước đã có thể đúc kết: Brahman là giống bò thịt hội đủ các tiêu chí cần thiết cho mục tiêu nâng chất đàn bò thịt, bao gồm bò nuôi thịt và bò nuôi sinh sản để thay đàn giống về lâu dài; trong đó, đặc biệt đối với tiêu chí thích nghi rộng các tiểu vùng khí hậu và điều kiện chăn nuôi khác nhau thì bò Brahman tỏ ra vượt trội các giống khác.
Ưu điểm về khả năng thích nghi cao nêu trên của bò Brahman bắt nguồn từ nguồn gốc của giống này vốn là các dòng, giống bò Zebu (Bos indicus) của Ấn Độ (tương tự như bò Sind). Từ những năm đầu thế kỷ 19, các nhà khoa học về di truyền giống ở Mỹ đã nhập các giống Gyr, Gujarat, Ongole, Krishna Velley, Nerole của Ấn Độ để nghiên cứu lai tạo ra giống Brahman (tên gọi "Brahman", có nơi gọi là Brahma, được đặt bởi ông James.W.Sartwelle xuất phát từ ý tưởng lấy tên vị thần "Bà-La-Môn" trong truyền thuyết của người Ấn).
Với nhiều ưu điểm di truyền nên giống Brahman nhanh chóng phát triển ở Mỹ và hình thành nên cả một Hiệp hội các nhà sản xuất giống bò Brahman (The American Brahman Breeders Association -ABBA) vào năm 1924 để đăng ký thương hiệu giống Brahman thuần của Mỹ và mở rộng hoạt động cung cấp giống đến nhiều quốc gia khác; điển hình là Úc đã phát triển đàn bò Brahman hiện nay nắm tỷ trọng chủ lực trong thị trường thịt bò của Úc (trên 50% tổng đàn bò các loại của Úc), vì vậy nên ở Úc cũng đã hình thành Hiệp hội những nhà sản xuất giống bò Brahman tương tự như ở Mỹ.
Giống Brahman còn được nhiều nước sử dụng để lai tạo với một số giống bò có nguồn gốc từ Âu Châu (Bos taubrus taurus) để tạo ra các giống bò thịt nổi tiếng khác như: Brangus, Beefmaster, Simbrah, Santa Gertrudis ... Hiện nay, một số nước vùng Nam Mỹ như Argentina, Brasil, Paraguay, Colombia … cũng đang tăng nhanh đàn giống Brahman… và trong khoảng 20 năm trở lại đây giống Brahman cũng đã có mặt ở nhiều nước Á Châu; trong đó có Việt Nam.
Như đã đề cập, Brahman có ưu điểm nổi trội là khả năng thích nghi rất cao với đặc điểm vùng khí hậu nóng quanh năm; tuy nhiên, Brahman cũng thích ứng rất tốt với các nước ôn đới; trong đó Brahman có điểm đặc biệt là khả năng chống kháng rất cao đối với với ve hút máu, ký sinh trùng đường máu và các bệnh liên quan đến mắt, móng. Ngoài ra, một số khảo sát còn ghi nhận bò Brahman có tuổi thọ cao hơn nhiều giống bò khác, bò cái 15 năm tuổi hoặc hơn nữa vẫn còn khả năng sinh sản.
Về ngoại hình, bò Brahman còn giữ nhiều đặc điểm của gốc giống Zebu ban đầu như: phần u cao, yếm phát triển, tai dài và cụp, không sừng, bộ chân cao; kể cả sắc lông nâu đỏ cánh gián hoặc xám trắng như giống gốc. Theo sắc lông, Brahman được phân thành 2 dòng: Brahman đỏ và Brahman xám; trong đó, dòng Brahman xám được ghi nhận có tầm vóc và sức tăng trưởng cao hơn một ít so với dòng đỏ, mặc dù thị hiếu về sắc lông bò ở một số địa phương và quốc gia vùng Á châu ưa chuộng dòng đỏ hơn.
Bò Brahman thuần có thể trọng lớn, bò đực trưởng thành nặng từ 800 kg đến 1.000 kg, bò cái trưởng thành nặng từ 600 kg - 700 kg. Tỷ lệ thịt xẻ đạt từ 55% đến 60% hoặc hơn nếu được nuôi dưỡng đầy đủ. Qua kết quả gieo tinh nhân tạo trên bò Lai Sind tại các địa phương trong nước và ở Long An ghi nhận bê lai Brahman x Lai Sind có trọng lượng sơ sinh, sức tăng trọng, tỷ lệ thịt xẻ đều cao hơn hẳn bò địa phương, đối với bò cái lai được giữ lại làm giống cũng cho thấy khả năng sinh sản ôn định. Chính vì vậy có thể xem Brahman là giống chủ lực hàng đầu để sử dụng phối bằng phương thức gieo tinh nhân tạo với đàn bò nên lai Sind địa phương trước mắt và cả lâu dài để sớm có bò lai nuôi thịt đạt hiệu quả cao và thay dần đàn bò sinh sản mang nhiều máu Brahman phẩm chất tốt sử dụng cho việc tăng đàn và lai tạo với các giống bò thịt khác, hơn nữa bò cái lai Brahman nếu gieo tinh nhân tạo bò chuyên sữa như Holstein Friesan (HF) hay bò Jersey cũng cho bò cái sữa nuôi hiệu quả hơn so với đàn bò sữa có nguồn gốc từ bò Lai Sind hiện thời./.
Lương Lễ Dũng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.