• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hiệu quả vỗ béo bò lai Pháp

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 17/10/2018
Ngày cập nhật: 19/10/2018

Nông dân xã An Phú (TP Tuy Hòa) vỗ béo bò lai Pháp - Ảnh: LÊ TRÂM

Phú Yên có tổng đàn bò lên đến 176.400 con, tuy nhiên giá trị sản xuất của ngành Chăn nuôi bò chưa cao, bởi chăn nuôi bò vẫn còn mang nặng truyền thống với hình thức tận dụng rơm, cỏ hoặc chăn thả bầy đàn tự do. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình chăn nuôi vỗ béo bò, áp dụng kỹ thuật vỗ béo bò thịt bằng cách cho bò ăn thức ăn tinh. Qua đó giúp người nuôi bỏ cách nuôi cũ là cho ăn rơm khô rồi uống nước vũng.

Mô hình nói trên được triển khai tại xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) và xã An Phú (TP Tuy Hòa) với 60 hộ chăn nuôi 82 con bò. Bò đưa vào vỗ béo là giống bò lai Pháp. Hộ tham gia mô hình có chuồng trại nuôi bò phải độc lập và cách biệt với nhà ở; được tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo, áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật theo yêu cầu của mô hình, đầu tư thức ăn tinh cho bò như pha trộn bột bắp, cám gạo, đậu tương rang, bột cá… để tăng hàm lượng protein thô.

Ông Phạm Ngọc Cảnh ở xã An Phú tham gia vỗ béo bò lai, cho hay: Cách đây 3 tháng, tôi mua con bò lai Pháp với giá 28 triệu đồng về nuôi vỗ béo bằng cách trộn muối, bột xương, bột bắp, cám gạo... cho bò ăn để tăng khối lượng cũng như sức đề kháng. Sau đó, tôi cho bò ăn cháo. Thực đơn trong nồi cháo “dinh dưỡng” gồm: gạo, cám, chuối cây hoặc rau muống. Sau 3 tháng nấu cháo “thúc” bò, hiện với giá thịt bò 190.000 đồng/kg, thì con bò có giá khoảng 45 triệu đồng. Trừ chi phí ban đầu mua giống, đầu tư thức ăn và cả công nhà bỏ ra là hết 33 triệu đồng, tôi còn lời 12 triệu đồng, như vậy mỗi tháng được 4 triệu đồng. Nếu nuôi 5 con thì mỗi tháng có thể kiếm được 20 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Phong ở xã An Phú, cũng nấu cháo vỗ béo bò. Theo ông Phong, sáng ông bỏ rơm khô rồi cho bò ăn xen cỏ voi, cỏ tây trồng quanh nhà, trưa chiều cho bò ăn cháo. Qua 3 tháng nuôi, bò bung đùi, đổ thịt. Cần (cổ) to, mông cao lên theo kiểu “chắp roi cày” thấy rõ. “Tôi mua con bò với giá 26 triệu đồng, giờ tầm 35 triệu đồng, trừ chi phí lãi chắc ăn 9 triệu đồng/3 tháng. Đó là tôi bán bò mô hình đến thời điểm tổng kết, chứ bò này nuôi thêm 2 tháng nữa, đúng sức phát thì bán trên 50 triệu đồng”, ông Phong nói.

Theo ông Đào Tấn Nhiệm, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông TP Tuy Hòa, người nuôi có thể xác định trọng lượng cơ thể bò bằng cách sử dụng thước dây để đo vòng ngực (VN), dài thân chéo (DTC). Khi có được số đo của VN và DTC thì áp dụng vào công thức tính: trọng lượng hơi (TLH) = VN x VN x DTC x 90 (đơn vị tính: mét). Nếu bò béo cộng thêm 5%, bò gầy thì trừ đi 5% thì có được trọng lượng của con bò (kg).

Ông Nhiệm cho biết: Qua theo dõi 41 con bò vỗ béo của 30 hộ nông dân tham gia mô hình, chúng tôi nhận thấy rằng, tổng trọng lượng của 41 con bò lúc đưa vào mô hình khoảng 11.609kg, trung bình mỗi con có trọng lượng là 283,1kg. Tổng trọng lượng sau 90 ngày nuôi gần 15.085kg. Như vậy một con bò sau thời gian vỗ béo có trọng lượng trung bình là 367,9kg, tăng trọng 84,8kg, tương đương 942g/con/ngày.

Xã Hòa Mỹ Tây có tổng đàn bò lên đến 2.786 con; ở đây “mười nhà như chục” nhà nào cũng nấu cháo nuôi bò. Theo nhiều người chăn nuôi bò ở đây, khi cho bò ăn cháo, bò uống được nhiều nước hơn. Nghĩa là khi múc nước cháo đổ vào thau cho bò ăn, người nuôi đổ thêm nước vào, bò uống hết cả phần nước và phần cháo trong thau. Khi đó, bò uống nước nhiều thì mướt lông, mau múp (mập).

Ông Huỳnh Đăng Tiên, nông dân vỗ béo bò ở xã Hòa Mỹ Tây, cho rằng: Mô hình đã giúp cho bà con chăn nuôi bò nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi bò thâm canh, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết công ăn việc làm trong lúc nông nhàn.

Theo ông Trần Nguyễn Lâm Viên, Phó phụ trách Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa, mô hình là căn cứ để đánh giá so sánh hiệu quả kinh tế và môi trường giữa hai phương pháp chăn nuôi truyền thống và thâm canh. Từ đó làm cơ sở cho nông dân học hỏi kinh nghiệm và phương pháp làm kinh tế để tự làm giàu cho gia đình. Thông qua mô hình, hàng trăm hộ chăn nuôi chuyển từ tập quán nuôi thả rông hoàn toàn sang nuôi nhốt mang lại hiệu quả kinh tế.

LÊ TRÂM

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang