Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 03/01/2018
Ngày cập nhật:
4/1/2018
Họ không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, “giữ lửa” cho phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi.
Ông Nguyễn Thuận là Hội viên HND duy nhất trên địa bàn tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen
Mô hình điểm của nông dân
Toàn bộ 15 sào đất, trang trại (TT) tổng hợp của ông Nguyễn Ngọc Thạnh (Thủy Xuân, TP. Huế) chỉ dành trồng duy nhất rau răm.
“Rau răm vốn có giá thành rẻ nhất trong số các loại hoa màu. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người trồng không có thu nhập. Điểm thuận lợi nhất đối với loại rau này là sau khi đưa vào trồng lần đầu tiên, sẽ cho thu hoạch liên tục từ 5-7 năm; ít cỏ dại, không cần nhiều phân, thuốc, dù giá thành rẻ nhưng vẫn cho thu nhập khá cao do chi phí trồng thấp. Vào mùa này, bình quân mỗi ngày tôi thu 2 triệu đồng từ cánh đồng rau răm; mùa nắng bình quân khoảng 1 triệu đồng". Ông Thạnh phân tích.
Ngoài “loại rau tiền triệu”, ông Thạnh còn mở TT lợn rừng với 4 chuồng nuôi lớn được xây trụ bê tông, khoanh thép B40. Từ năm 2009 đến nay, ông Thạnh có tổng đàn gần 50 con lợn và xuất bán hàng trăm lứa. Ông Thạnh chia sẻ, nuôi lợn rừng vốn không khó. Với mô hình này, người nuôi không tốn nhiều chi phí cho điện chiếu sáng, nước tắm; mà có thể tận dụng tất cả các loại phụ phẩm cây trồng bổ sung cho thức ăn. Thuận lợi là giống lợn rừng vốn ít dịch bệnh, dễ chăm sóc và đầu ra lợn thương phẩm ổn định.
Hiện TT của ông Thạnh đang có hơn 2.500 cây trầm dó, trong đó gần 500 cây đã đến kỳ thu hoạch. Đối với cây trầm thì trồng khoảng 10 năm là có thể cấy dầu; sau đó khoảng 2 năm sẽ cho thu hoạch giác trầm. Mỗi cây có giá từ 2-2,5 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí, ông Thạnh lãi được mỗi cây 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, ông đang có hơn 2 ha rừng keo lá tràm sinh trưởng tốt. Với thu nhập bình quân mỗi năm trên 1 tỷ đồng, TT trại tổng hợp của ông Thạnh là mô hình điểm để nhiều hội viên nông dân tham quan, học tập.
Ông Nguyễn Xuân Vang, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) phường Thủy Xuân đánh giá, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân và gia đình, ông Thạnh được hỗ trợ rất nhiều từ các cấp HND trên địa bàn tỉnh. Nhiều năm liền ông Thạnh là nông dân SXKD giỏi cấp Trung ương.
Thông qua các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật (KHKT) cũng như nguồn vốn vay ưu đãi từ quỹ hỗ trợ nông dân, cho thấy hiệu quả thiết thực từ phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững mà HND tỉnh đang triển khai.
Trang trại ông Nguyễn Ngọc Thạnh (Thủy Xuân, TP Huế) cho thu nhập cao, giải quyết nhiều lao động
Ứng dụng khoa học kỹ thuật
Là một nông dân chân lấm tay bùn nhưng nhờ biết ứng dụng KHKT và công nghệ cao vào sản xuất, ông Nguyễn Thuận (Quảng Vinh, Quảng Điền), đã có doanh thu khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm từ mô hình TT chăn nuôi lợn và gà.
Từ “biệt thự” của ông Thuận giữa rú cát, chúng tôi tham quan mô hình 7 trại gà được ông Thuận nuôi theo hình thức đệm lót sinh học và hệ thống dây chuyền nước uống tự động. Mỗi trại có diện tích khoảng 300m2 với 1.500 con gà.
Theo ông Thuận, trước hết phải quy hoạch hệ thống chuồng trại bảo đảm khoa học, đầu tư kỹ lưỡng từ công chăm sóc, lựa chọn con giống, thức ăn cho đến các biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Ban đầu, do chưa có vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất nên ông Thuận chỉ nuôi trồng nhỏ lẻ. Sau khi dành thời gian học hỏi kỹ thuật, ông Thuận đầu tư mạnh vào chăn nuôi quy mô lớn.
Hiện ông Thuận đang sở hữu TT tổng hợp với diện tích hơn 2 ha. Mỗi năm nuôi hơn 30.000 con gà lai ri, 500 con ngan Pháp, 400 con lợn thịt, 40 lợn nái, 3 ao cá và 1,3 ha rừng tràm. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm ông Thuận thu lãi khoảng 900 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Với đàn lợn thịt 400 con và 40 lợn nái, năm 2016, ông Thuận mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây chuồng trại, mở rộng quy mô sản xuất và trang thiết bị hiện đại phục vụ chăn nuôi, như lắp đặt hệ thống lạnh, máng ăn, uống tự động, làm hầm chứa và xử lý chất thải, hầm biogas; áp dụng công nghệ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học bằng việc sử dụng các tấm lót sinh học giúp giảm mùi hôi và khí độc.
Gia đình ông Thuận là một trong những hộ nông dân làm kinh tế TT có quy mô, hiện đại và cho thu nhập cao nhất trên địa bàn tỉnh, người tiên phong trong việc tìm tòi và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, mở ra hướng làm ăn mới cho nhiều nông dân trên địa bàn.
Với mong muốn tiếp tục mở rộng sản xuất, ông Thuận đang có ý định đầu tư thêm các công nghệ mới trong chăn nuôi như dây chuyền đưa thức ăn tự động ở các trại gà. Nhiều năm liền ông Thuận là nông dân SXKD giỏi cấp Trung ương và là hội viên HND duy nhất trên địa bàn tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Năm 2017, tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự có 4 hội viên HND được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Trung ương HND Việt Nam có thành tích xuất sắc và tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Hà Nguyên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.