Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 16/10/2018
Ngày cập nhật:
21/10/2018
Đàn gia súc, gia cầm bố mẹ được sử dụng để sản xuất con giống phục vụ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thường xuyên chiếm từ 20% tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh . Với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, việc sản xuất, kinh doanh con giống được thực hiện ở các địa phương, bao gồm cả việc sản xuất giống phục vụ hoạt động chăn nuôi tại chỗ, kinh doanh thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Sản xuất giống lợn theo hướng Vietgahp tại huyện Văn Lâm
Tại địa bàn xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên), việc vận chuyển, kinh doanh bò giống diễn ra sôi động hàng ngày nhằm phục vụ hoạt động chăn nuôi bò thịt vốn rất phát triển tại đây. Trung bình hàng ngày có hàng trăm con bò thịt, bê giống được vận chuyển nhỏ lẻ về địa phương phục vụ hoạt động nuôi vỗ béo thương phẩm. Ông Vũ Văn Động, một thương lái chuyên cung cấp bê giống cho các hộ chăn nuôi trong xã cho biết: “Bê giống được mua từ các hộ chăn nuôi bò sinh sản tại thành phố Hưng Yên, các huyện Khoái Châu, Kim Động... Tôi thường đến từng hộ chăn nuôi, lựa chọn kỹ lưỡng sau đó mới nhập mua về, người chăn nuôi bò thịt trong xã có nhu cầu sẽ liên hệ, thỏa thuận về tuổi bê, trọng lượng, giá cả và được vận chuyển tới tận chuồng trại”. Ông Động cũng cho biết, nhiều năm trở lại đây nhờ sự hỗ trợ của tỉnh nên hầu hết đàn bò sinh sản ở nông hộ được tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, không có tình trạng bê giống mắc dịch bệnh nguy hiểm. Mặt khác, do đàn bò là tài sản lớn của nông hộ, việc chăm sóc, phòng bệnh cũng ngày càng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, số cơ sở chăn nuôi có chứng nhận an toàn dịch bệnh vẫn còn ít, một số hộ chưa chủ động làm sổ theo dõi tiêm phòng, bấm số tai quản lý... việc mua bán con giống vẫn thực hiện theo hình thức tự phát.
Theo quy định, khi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi phải có đủ các điều kiện như: Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về lĩnh vực giống vật nuôi; có địa điểm sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi phù hợp với quy hoạch của ngành Nông nghiệp và PTNT và phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường; có cơ sở vật chất và trang, thiết bị kỹ thuật phù hợp với việc sản xuất, kinh doanh của từng loài vật nuôi và từng phẩm cấp giống; có nguồn nhân lực phục vụ phù hợp; có hồ sơ theo dõi giống; thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống vật nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi theo hình thức chăn nuôi truyền thống mà không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh thì không phải thực hiện quy định như trên nhưng vẫn phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về thú y, pháp luật về thuỷ sản và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi an toàn hiện đã được hầu hết người chăn nuôi, hộ sản xuất quan tâm. Bên cạnh yêu cầu chung của người nuôi thương phẩm, đây cũng là điều kiện để hộ sản xuất, kinh doanh có thể xuất bán con giống an toàn trong và ngoài tỉnh. Theo tổng hợp của Chi cục Thú y, mô hình sản xuất con giống an toàn dịch bệnh hiện đã được xây dựng ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Trang trại chăn nuôi lợn giống, lợn thịt của anh Nguyễn Hồng Hà (xã Hồng Tiến, Khoái Châu) là cơ sở đã được cấp chứng nhận của Chi cục Thú y về an toàn dịch bệnh (đối với bệnh lở mồm long móng, dịch tả). Anh Hà cho biết: “Sản xuất con giống an toàn có yêu cầu cao hơn hẳn so với chăn nuôi thông thường. Ngay từ đầu, chúng tôi đã đầu tư quy trình chăn nuôi khép kín, đàn vật nuôi bố mẹ được quản lý nghiêm ngặt, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin đúng lịch, được kiểm tra định lượng kháng thể và thải loại ngay khi không đạt tiêu chuẩn. Mỗi lứa con giống trước khi đem gây nuôi hoặc xuất bán đều phải bảo đảm chất lượng và an toàn về dịch bệnh, đủ tiêu chuẩn phục vụ chăn nuôi thương phẩm và xuất bán ngoại tỉnh”.
Ngành chuyên môn khuyến cáo, người chăn nuôi khi sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi cần bảo đảm các điều kiện an toàn, sản xuất theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Đối với người chăn nuôi khi nhập giống cần lựa chọn cơ sở có chứng nhận an toàn dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh thú y, đủ chất lượng, phẩm cấp, từ đó bảo đảm sản xuất và bảo vệ hoạt động chăn nuôi chung của tỉnh.
Vi Ngoan
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.