• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vĩnh Phúc: Quản lý chặt hoạt động gây nuôi động vật hoang dã

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 26/10/2018
Ngày cập nhật: 29/10/2018

Thời gian gần đây, việc gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) trở thành một nghề “hot” thu hút nhiều sự quan tâm của nông dân, bởi lợi nhuận không hề nhỏ. Tuy nhiên, nếu quản lý không tốt hoạt động gây nuôi ĐVHD sẽ dẫn đến tình trạng buôn bán trái phép, đặc biệt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Vì vậy, cùng với việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở gây nuôi ĐVHD phát triển, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát, tránh phát sinh hệ lụy.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tân, xã Hợp Châu (Tam Đảo) nuôi hơn 30 con hươu, giá trị kinh tế cao. Ảnh: Kim Ly

Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc, toàn tỉnh có gần 400 trại/cơ sở gây nuôi ĐVHD, với gần 40 loài, gần 280 nghìn cá thể. Trong đó, có 6 trại/cơ sở nuôi gấu với gần 200 cá thể; gần 300 trại/cơ sở nuôi 14 loài ĐVHD quý hiếm khác, với gần 260 nghìn cá thể; gần 60 trại/cơ sở nuôi 21 loài động vật rừng thông thường, với gần 18 nghìn cá thể.

Trung bình mỗi năm, các trại/cơ sở gây nuôi ĐVHD cung cấp ra thị trường trên 100 tấn thịt các loại phục vụ mục đích thương mại. Việc phát triển các cơ sở gây nuôi, sinh sản ĐVHD là một trong những biện pháp nhằm bảo tồn nguồn gen, giảm áp lực lên việc săn bắn, khai thác ngoài tự nhiên, giúp mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Mặc dù đem lại nhiều lợi ích thiết thực nhưng nếu quản lý không tốt hoạt động gây nuôi ĐVHD sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: Tình trạng các đối tượng lợi dụng để mua bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép các loài ĐVHD; đưa ĐVHD khai thác trái phép ngoài tự nhiên vào nhập chuồng để hợp thức hóa và đặc biệt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Để quản lý chặt chẽ việc gây nuôi ĐVHD, cùng với việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân mở rộng quy mô chăn nuôi, hàng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo phòng chuyên môn, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn có hoạt động gây nuôi ĐVHD tổ chức kiểm tra, xác minh điều kiện nuôi sinh sản/sinh trưởng; chủng loại; số lượng ĐVHD gây nuôi; cấp phát sổ theo dõi nhập, xuất ĐVHD cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình gây nuôi sinh sản/sinh trưởng ĐVHD; hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động gây nuôi sinh trưởng/sinh sản ĐVHD thường xuyên ghi chép đầy đủ tình hình nhập, xuất trong quá trình gây nuôi, sinh sản, sinh trưởng và phát triển ĐVHD và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình nhập, xuất với cơ quan chức năng; theo dõi, giám sát chặt chẽ sự tăng, giảm số lượng trong quá trình nuôi của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để làm cơ sở cho việc xác nhận nguồn gốc ĐVHD gây nuôi. Đến nay, 100% trại/cơ sở gây nuôi ĐVHD trên địa bàn tỉnh đều được cấp giấy chứng nhận và mở hồ sơ theo dõi.

Ngoài việc kiểm tra định kỳ, Chi cục tổ chức các đợt thanh tra chuyên ngành đối với các cơ sở gây nuôi ĐVHD và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Từ đầu năm 2016 đến nay, Chi cục tổ chức 4 đợt thanh tra chuyên ngành đối với 3 tổ chức, 35 hộ gia đình, cá nhân có hoạt động gây nuôi sinh sản/sinh trưởng ĐVHD và kinh doanh nhà hàng, quán ăn có sử dụng thực phẩm là ĐVHD; phát hiện, lập hồ sơ và xử lý 1 vụ vi phạm thủ tục hành chính trong cất giữ ĐVHD.

Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý các cơ sở gây nuôi ĐVHD đang gặp một số khó khăn. Chia sẻ về vấn đề này, ông Triệu Thiết Thực, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, gây nuôi ĐVHD còn chồng chéo, chưa rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình thực thi; số các trại/cơ sở gây nuôi sinh sản/sinh trưởng ĐVHD trên địa bàn tỉnh tuy lớn, song quy mô nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của con người; kỹ thuật nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, việc áp dụng những tiến bộ KHKT còn hạn chế nên hiệu quả thấp, rủi ro cao; một số trại/cơ sở gây nuôi ĐVHD hung dữ, độc tố cao làm khó khăn cho việc thống kê, theo dõi sinh sản, sinh trưởng; một số trại/cơ sở gây nuôi còn chưa thực hiện đúng những quy định của pháp luật về quản lý ĐVHD như: Thu, mua ĐVHD không rõ nguồn gốc hợp pháp vào nhập đàn; trong quá trình gây nuôi không thực hiện kê khai sổ nhập, xuất ĐVHD thường xuyên…

Để kiểm soát chặt chẽ các cơ sở gây nuôi ĐVHD, tránh phát sinh hệ lụy, ông Thực cho biết thêm: Thời gian tới, Chi cục tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình vi phạm các quy định của pháp luật về gây nuôi sinh sản/sinh trưởng, săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép, tàng trữ các loại ĐVHD không rõ nguồn gốc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn thể nhân dân, nhất là các trại/cơ sở gây nuôi ĐVHD không đưa các loại ĐVHD không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào nhập đàn.

Thanh Huyền

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang