Nguồn tin: Báo Hòa Bình, 5/11/2018
Ngày cập nhật:
6/11/2018
Qua nghiên cứu, tìm hiểu, người dân xã Cao Dương (Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) nhận thấy nuôi dê phù hợp với khí hậu, địa hình của xã. Từ đó, mô hình nuôi dê được nhiều người dân trong xã thực hiện và nhân rộng. Chăn nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế ổn định, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
Người dân xã Cao Dương (Lương Sơn) áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi dê, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh chụp tại gia đình chị Bùi Thị Hiển, thôn Quèn Thị).
Đến thăm mô hình nuôi dê của gia đình chị Bùi Thị Hiển, thôn Quèn Thị - một trong những hộ nuôi dê có tiếng về chất lượng của xã Cao Dương. Chị Hiển chia sẻ: Chăn nuôi dê góp phần quan trọng xây dựng cơ ngơi của gia đình tôi. Trước khi nuôi dê, gia đình tôi chăn nuôi trâu, bò, lợn nhưng hiệu quả kinh tế không cao, thị trường tiêu thụ không ổn định. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, tôi nhận thấy dê thích ứng tốt với khí hậu, địa hình của địa phương nên gia đình quyết tâm vay ngân hàng đầu tư nuôi dê. Năm 2016, gia đình tôi bắt đầu nuôi 8 con dê, sau đó gây giống và nuôi dê lấy thịt. Dê đến thời gian xuất chuồng, thương lái tìm đến tận nhà để mua, không phải qua trung gian. Giá bán dê khoảng 130.000 đồng/kg. Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Hiện nay, toàn xã Cao Dương có khoảng 106 hộ nuôi dê với tổng đàn gần 1.300 con. Các hộ nuôi dê phân bố chủ yếu ở tất cả các thôn nhưng tập trung chủ yếu ở thôn Quèn Thị với khoảng 15 hộ nuôi. Một số hộ nuôi có tiếng về chất lượng thịt dê thơm ngon như hộ các ông: Hà Văn Đán, Bùi Đình Chiến (thôn Quèn Thị), Nguyễn Văn Tài, Bạch Văn Thìn (thôn Om Làng)…
Ông Bùi Đình Chiến (thôn Quèn Thị) chia sẻ: Người nuôi dê phải chú ý đến những thuộc tính của vật nuôi. Vì dê thuộc loại động vật "ăn cao, ngủ kỹ” nên khi làm chuồng phải chú ý làm nơi cao ráo, thông thoáng; phải áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm chuồng đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Để có đàn dê khỏe mạnh, yếu tố đầu tiên là phải chọn con giống tốt, vệ sinh chuồng trại thường xuyên. Đặc biệt, thức ăn phải để khô ráo trước khi cho ăn để tránh đau bụng cho đàn dê. Sức đề kháng của dê tương đối cao, người nuôi chỉ cần định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho vật nuôi.
Thị trường tiêu thụ dê tương đối ổn định. Có thời điểm, nhiều hộ không có hàng để bán do nhu cầu thị trường lớn, ổn định. Với việc áp dụng tốt kỹ thuật chăm sóc và nắm bắt thị trường, nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống nhân dân của xã Cao Dương.
Đồng chí Bùi Minh Biện, Chủ tịch UBND xã Cao Dương cho biết: Để nuôi dê phát triển và nhân rộng, UBND xã đã tổ chức tập huấn mô hình cải tạo đàn dê cho các hộ nuôi theo nguồn vốn của Trạm khuyến nông, khuyến lâm huyện Lương Sơn. Xã thực hiện chủ trương Nhà nước chi trả 80% kinh phí mua dê đực về cải tạo tại địa phương, hộ dân chi trả 20%. Ngoài ra, xã tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi dê, thu hút hơn 200 học viên tham gia.
Thu Thủy
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.