Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 11/11/2018
Ngày cập nhật:
13/11/2018
Phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đang là hướng đi không chỉ giúp người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, đến nay việc phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn.
Trang trại chăn nuôi tập trung tại thôn Tân Phúc, xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc).
Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 653 trang trại chăn nuôi cơ bản đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tập trung ở các huyện, như: Vĩnh Lộc, Nga Sơn, Yên Định, Thọ Xuân... với các đối tượng nuôi chủ yếu là lợn thịt, lợn nái sinh sản, gà lông màu... Để tạo động lực giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh ta đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi, như: Cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 5643/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Trong đó, có nội dung hỗ trợ xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào, gồm: Đường giao thông, đường điện, hệ thống cấp nước đến chân hàng rào cho khu trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn xã, với mức kinh phí hỗ trợ 3 tỷ đồng/khu trang trại ở khu vực đồng bằng và 3,5 tỷ đồng/khu trang trại ở khu vực miền núi... Ngoài ra, tại các khu chăn nuôi tập trung nhiều chủ trang trại đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, khu xử lý chất thải; con giống có năng suất cao, phương tiện vận chuyển, phối trộn thức ăn... Tuy nhiên, việc phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh hiện nay còn gặp nhiều “rào cản”.
Huyện Vĩnh Lộc có 4 khu trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn và hơn 80 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông Đỗ Xuân Hưởng, thôn Tân Phúc, xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc), cho biết: Năm 2016, gia đình ông cùng 3 hộ khác đầu tư xây dựng trang trại tại khu chăn nuôi tập trung của xã và hiện nay, đàn lợn của gia đình ông đang có số lượng gần 200 con. Quy mô và điều kiện chăn nuôi đạt chuẩn theo quy định ở Quyết định 5643/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo ông: Một trong những khó khăn mà rất nhiều hộ chăn nuôi đang gặp phải là thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô lớn đòi hỏi phải có vốn lớn để xây dựng chuồng trại, mua con giống, thức ăn... Hiện nay, nhiều ngân hàng đã tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi vay vốn, song lại vướng về tài sản thế chấp. Thời gian vay vốn ngắn so với chu kỳ sản xuất, gây khó khăn cho chủ trang trại khi định hướng phát triển lâu dài, dẫn đến việc đầu tư chưa đồng bộ, năng suất thấp, giá thành cao, giảm hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, vấn đề đầu ra cho sản phẩm vẫn là băn khoăn, trăn trở của các hộ chăn nuôi trang trại quy mô lớn trên địa bàn. Nhiều hộ đã chủ động đấu mối với các siêu thị để đặt điểm bán hàng, cung cấp cho các nhà hàng, trường học, bếp ăn tập thể... Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều.
Ngoài ra, các địa phương đã quy hoạch đất đai để phát triển chăn nuôi tập trung, nhưng chưa được chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng, nên chưa phát huy tối đa hiệu quả kinh tế. Nhiều khu trang trại đi vào hoạt động gặp nhiều khó khăn trong đầu tư xây dựng hệ thống nước thải, bảo vệ môi trường, điển hình như các huyện: Yên Định, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hà Trung... Theo ông Trịnh Xuân Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Yên Định: Vấn đề bảo vệ môi trường luôn được địa phương quan tâm; tuy nhiên, để xây dựng hệ thống xả thải thì cần chi phí lớn, một số hộ chăn nuôi chưa có điều kiện để đầu tư. Bên cạnh đó, tính liên kết trong phát triển trang trại chăn nuôi chưa cao, chưa hình thành liên vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất, quản lý, kể cả thông tin thị trường của hầu hết các chủ trang trại còn nhiều hạn chế.
Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Thế Sang, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Cần triển khai quy hoạch lâu dài, ổn định các vùng trang trại tập trung của các địa phương. Khuyến khích chuyển đổi, chuyển nhượng, dồn điền, đổi thửa... tạo quỹ đất liền kề để giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư khả thi đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các địa phương, ngành chức năng cần quan tâm chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả kinh tế sang phát triển trang trại. Tạo điều kiện, hỗ trợ vay vốn dài hạn và cho phép chủ trang trại có thể thế chấp bằng tài sản hình thành sau đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để tạo đầu ra cho sản phẩm ổn định, bền vững. Ngoài ra, vị trí xây dựng các khu trang trại chăn nuôi phải nằm cách xa khu dân cư, chú trọng đến vấn đề xử lý nước thải, chất thải trong quá trình sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.