Nguồn tin: Báo Cao Bằng, 15/11/2018
Ngày cập nhật:
19/11/2018
Nhận thấy việc phát triển chăn nuôi lợn đen đem lại hiệu quả kinh tế, những năm gần đây, nhân dân các xã vùng cao huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đã chú trọng đầu tư, góp phần làm tăng thêm thu nhập, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương.
Mô hình chăn nuôi lợn đen của người dân Hà Quảng đem lại giá trị kinh tế cao.
Trên địa bàn huyện, việc đầu tư phát triển chăn nuôi lợn đen chủ yếu tập trung tại 12 xã vùng cao, như: Hạ Thôn, Thượng Thôn, Kéo Yên, Tổng Cọt, Mã Ba, Sỹ Hai... Do các địa phương có sẵn nguồn lương thực, nhiều hộ nông dân đầu tư phát triển mạnh. Tại xã Thượng Thôn, nhân dân đã có kinh nghiệm trong việc đầu tư phát triển đàn lợn. Hiện cả xã có 2.138 con lợn, trong đó có 1.207 con lợn đen, chiếm 56% tổng đàn lợn. Để đảm bảo được nguồn giống lợn phục vụ cho việc chăn nuôi, cả xã có 252/503 hộ nuôi lợn nái để cung cấp con giống, đồng thời bán ra thị trường. Bình quân, hằng năm xuất bán ra thị trường trên 1.900 con lợn thịt, trong đó lợn đen chiếm 55%. Cả xã có sản lượng đạt 55 tấn lợn hơi, thu được trên 3 tỷ đồng. Từ hiệu quả kinh tế, nhiều hộ đầu tư phát triển chăn nuôi, duy trì tổng đàn lợn thịt từ 40 - 50 con, hằng năm cho thu nhập từ 60 - 100 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn Đàm Văn Huỳnh chia sẻ: Nguồn lợn đen của nhân dân trong xã có chất lượng thịt tốt, được thị trường chấp nhận, sản phẩm lợn đen dễ tiêu thụ, giá cả tương đối ổn định so với nhiều giống lợn khác. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích chuồng trại, đặc biệt là lợn đen. Theo đó, thông qua các chương trình 30a, 135..., tiếp tục hỗ trợ cho hộ nghèo về con giống để đầu phát triển chăn nuôi.
Do hiệu quả kinh tế từ việc đầu tư phát triển chăn nuôi lợn đen, nhiều năm trở lại đây, huyện Hà Quảng đã đưa vào Nghị quyết phát triển lợn đen trở thành hàng hóa và triển khai công tác hỗ trợ về con giống cho nhân dân, đặc biệt đối với 12 xã vùng cao có điều kiện tự nhiên phù hợp với việc phát triển lợn đen. Trong năm 2017, từ chương trình 30a, 135, huyện đã hỗ trợ cho nhân dân 822 con lợn đen, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, góp phần cải thiện đàn lợn nái, nâng cao chất lượng đàn lợn đen. Bình quân cả huyện mỗi năm xuất bán ra thị trường trên 39.000 con lợn thịt, sản lượng trên 2.556 tấn, giá trị thu nhập trên 107 tỷ đồng; trong đó lợn đen gần 10.000 con, sản lượng trên 625 tấn, tương đương với giá trị 31,3 tỷ đồng.
Lợn đen đã trở thành vật nuôi mũi nhọn của huyện, đặc biệt đối với các xã vùng cao. Từ đó, mở hướng cho nông dân trong việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập cho nông dân vùng khó khăn.
Văn Hiếu
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.