Nguồn tin: Báo Bình Phước, 20/11/2018
Ngày cập nhật:
22/11/2018
Thực hiện Quyết định số 440/QĐ-BNN-TY của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt Đề án Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu, từ năm 2016-2018, Chi cục Chăn nuôi - Thú y (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp) Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai dự án xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trong nông hộ tại Bình Long, Hớn Quản, Chơn Thành, Phú Riềng và Đồng Phú. Sau 3 năm thực hiện, đến nay dự án đã mang lại hiệu quả tích cực. Đây là cơ sở để tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh tại một số địa bàn trong tỉnh.
NGƯỜI DÂN TÍCH CỰC THAM GIA DỰ ÁN
Trại gà giống An Bình ở ấp 4, xã Minh Long (Chơn Thành) là một trong 40 hộ tham gia Dự án xây dựng mô hình an toàn có kiểm soát dịch bệnh hướng tới xuất khẩu (gọi tắt là dự án). Anh Đoàn Ngọc Cường, chủ trại gà cho biết: Trại gà được xây dựng liên hoàn, khép kín, đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng ngừa dịch bệnh cho quy trình sản xuất gà giống. Hiện mỗi tháng trại cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 con gà giống tàu vàng (còn gọi là gà ta) nguồn gốc tại địa phương có nhiều ưu điểm như: thịt thơm ngon, dễ nuôi, ít dịch bệnh, giá bán ổn định và được người tiêu dùng ưa thích. Trọng lượng gà sau 4 tháng nuôi đạt 1,8-2,1kg/con. Từ khi tham gia mô hình, được sự hỗ trợ của dự án, cơ sở của anh đã thực hiện đầy đủ quy trình tiêm ngừa vắc-xin, sát trùng khu vực chăn nuôi cho đàn gà giống, đảm bảo chất lượng trước khi xuất ra thị trường.
Tiêm vắc-xin cho đàn gà giống
Đối với các trại nuôi gà tập trung, quy mô lớn, từ khi tham gia dự án đã giúp ngăn chặn tình trạng lây lan dịch bệnh. Anh Trần Văn Linh ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương (Bình Long) cho biết: Trại của gia đình đầu tư năm 2012, gồm 8 dãy chuồng hở với số lượng lên đến 24.000 con gà. Trước đây khi chưa tham gia dự án, gia đình chỉ nuôi theo kinh nghiệm truyền thống nên không bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh. Năm 2016, sau khi tham gia dự án, được hỗ trợ về kỹ thuật, cung cấp vật tư như vắc-xin, thuốc sát trùng, đến nay, gia đình đã xuất 10 lứa gà. Gà nuôi nhanh lớn hơn so với trước đây, tỷ lệ hao hụt thấp, trọng lượng đạt từ 2-2,5kg/con sau 3-3,5 tháng nuôi. Chất lượng gà được đảm bảo, thị trường tiêu thụ tốt hơn nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh. Hiện trại gà của anh sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường nên chưa nghĩ đến xuất khẩu.
Tham gia triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh hướng tới xuất khẩu, các hộ nông dân sẽ được hỗ trợ một phần vắc-xin, thuốc sát trùng, thuốc tẩy ký sinh trùng. Ngoài ra, còn được tập huấn 2 đợt về quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học; quy trình phòng bệnh và vệ sinh thú y trong chăn nuôi gia cầm; hướng dẫn thành lập nhóm liên kết trong chăn nuôi gia cầm, liên kết trong việc mua nguyên liệu đầu vào và bán sản phẩm; trình tự đăng ký và hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và newcastle... Bên cạnh đó, có 1 cán bộ kỹ thuật trực tiếp bám sát quá trình triển khai, hướng dẫn kỹ thuật, quy định đối với cơ sở an toàn dịch bệnh.
HIỆU QUẢ KINH TẾ
Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, ở 5 địa bàn triển khai, đàn gà tại các hộ chăn nuôi tham gia mô hình và các hộ ngoài mô hình đều phát triển ổn định, không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, chỉ xuất hiện một số ca bệnh thông thường nhưng đã được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn điều trị và có kết quả tốt. Sau khi được cấp, các hộ sử dụng vật tư đúng mục đích, đúng hướng dẫn. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát phòng chống dịch và việc chấp hành quy định dự án của các hộ đã cam kết tham gia, nhất là các loại vật tư đối ứng thuộc trách nhiệm của các hộ. Qua tập huấn, được hướng dẫn chăn nuôi an toàn, tỷ lệ chết trên đàn gà của mô hình giảm còn từ 1-5%, chi phí thuốc thú y giảm khoảng 20%. Đàn gà sinh trưởng phát triển tốt, tăng trọng nhanh, góp phần tăng thu nhập và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng trạm xét nghiệm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết: Qua 3 năm triển khai thực hiện, đến nay đã có 40 hộ tham gia dự án, tỷ lệ vật nuôi được tiêm phòng 100%. Kết quả đã có 12 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm A/H5N1 và bệnh newcastle. Đây là những mô hình điểm để bà con tham quan học tập. Cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định, góp phần thúc đẩy, nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Trưởng trạm xét nghiệm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết thêm: Mô hình đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, giúp họ nhìn nhận đúng hướng về chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh. Vì vậy, mô hình cần được nhân rộng và phát triển hơn nữa cả về địa bàn cũng như số lượng hộ tham gia mô hình. Từ hiệu quả bước đầu, thông qua hình thức truyền thông không chỉ giúp các hộ tham gia mô hình mà cả những hộ xung quanh nhận thức rõ tầm quan trọng của chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đây là cơ sở để tiến tới xây dựng vùng an toàn có kiểm soát dịch bệnh hướng tới xuất khẩu. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã và đang phối hợp UBND huyện Đồng Phú triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với chăn nuôi gà. Trung tâm đang trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên heo với nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia đối ứng của nông dân.
Đức Hiến
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.