Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 21/11/2018
Ngày cập nhật:
23/11/2018
Ba Tri là huyện có đàn bò lớn nhất tỉnh Bến Tre, với gần 100 ngàn con; trong đó, đa phần là bò cái sinh sản, còn lại là bò con và bò nuôi vỗ béo. Nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện chất lượng đàn bò, cuối năm 2016, bò Ba Tri được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ trao chứng nhận nhãn hiệu “Bò Ba Tri”. Đây là nhãn hiệu bò đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long có chất lượng và giá trị kinh tế cao, tạo động lực để ngành chăn nuôi bò ở Ba Tri phát triển.
Đàn bò chuẩn bị xuất bán của Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Chánh.
Những năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi bò lại gặp khó khăn. Anh Nguyễn Thành Quang - chủ cơ sở sản xuất bò giống ở ấp Mỹ Hòa cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, giá bò có chiều hướng giảm khiến anh gặp rất nhiều khó khăn, việc mua bán không còn mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi.
Hiện nay, giá bò thịt cũng chỉ dao động ở mức khoảng 15 triệu đồng/tạ. Với giá này, người nuôi chỉ hòa vốn. Trong khi đó, việc tiêu thụ bò giống ra các tỉnh cũng có dấu hiệu bão hòa. Do có xu hướng giảm đàn, nên bê đực lại có giá cao gấp 2 lần bê cái. Trung bình bê đực nuôi khoảng 5 - 6 tháng, bán giá từ 9 - 10 triệu đồng, trong khi bê cái chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng/con, giảm khoảng một nửa so với thời điểm năm 2015.
Hiện bò giống của cơ sở Thanh Quang đã được xuất bán ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Kiên Giang… Theo anh Quang, triển vọng thị trường của đàn bò còn rất lớn nếu được hỗ trợ nhiều hơn về hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thêm thị trường mới. Bên cạnh đó là hỗ trợ về vốn vay để phát triển việc chăn nuôi, kinh doanh bò giống.
Trong khi ở các trang trại, người chăn nuôi bò gặp nhiều khó khăn thì Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Mỹ Chánh, ở ấp Gò Da, xã Mỹ Chánh lại hoạt động khá hiệu quả và có chiều hướng phát triển tốt. Nếu như lúc mới thành lập, HTX nông nghiệp Mỹ Chánh chỉ có 50 hộ thành viên, tổng vốn điều lệ hơn 100 triệu đồng, thì đến nay số thành viên tăng lên 200 và vốn điều lệ cũng tăng lên 10 tỷ đồng.
Ông Trà Tấn Thanh - Giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Chánh cho biết, ngay từ khi thành lập, HTX đã xây dựng phương hướng hoạt động rất cụ thể. Đặc biệt, HTX sản xuất an toàn và đảm bảo các vấn đề về an toàn vệ sinh dịch bệnh. Nhờ chất lượng tốt, bò giống của HTX luôn duy trì được giá bán ổn định và cao hơn giá thị trường từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Thanh, từ khi thành lập đến nay, việc đấu thầu mua bán của HTX cũng thuận lợi hơn do nhận được sự tin tưởng của đối tác. Chỉ trong 10 tháng năm 2018, HTX đã xuất bán 1.200 bò các loại. Về lâu dài, HTX sẽ kết nạp thêm nhiều thành viên để việc kinh doanh có lãi khá hơn. Khi đủ mạnh, HTX sẽ phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh đã đăng ký. Kế hoạch trước mắt của HTX là đầu tư lò giết mổ tập trung và xây dựng gian hàng bán thịt tươi, thịt sau chế biến…, nhằm giảm bớt khâu trung gian và gia tăng lợi nhuận cho xã viên. “Để làm được điều này, rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng; đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng” - ông Thanh cho biết thêm.
Thông tin từ UBND huyện Ba Tri, huyện đang tập trung hỗ trợ HTX nông nghiệp Mỹ Chánh trở thành điểm sáng để tạo sự lan tỏa ra khắp địa bàn huyện. Cùng với đó, huyện cũng đang tập trung tháo gỡ một số khó khăn để nhãn hiệu tập thể “Bò Ba Tri” có thể mang lại lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá cho đàn bò.
Được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu “Bò Ba Tri” cùng với sự ra đời của HTX nông nghiệp Mỹ Chánh thực sự là tiền đề quan trọng để Ba Tri phát triển thương hiệu riêng của huyện. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương cho biết, huyện xác định việc nâng cao chất lượng đàn bò là vấn đề quan trọng hàng đầu. Huyện đang nỗ lực hoàn thiện chuỗi giá trị “Bò Ba Tri”, hướng dẫn hộ chăn nuôi đi theo hướng liên kết, tập trung sản xuất theo hình thức tổ hợp tác và HTX đảm bảo liên kết chặt chẽ đầu vào, đầu ra. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ khai thác thật tốt nhãn hiệu chứng nhận “Bò Ba Tri” để nhãn hiệu này sẽ trở thành thương hiệu và ngày càng vươn xa trên thị trường.
Bài, ảnh: Trung Trí
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.