• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khống chế bệnh lở mồm long móng, không để lây lan diện rộng

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 22/11/2018
Ngày cập nhật: 24/11/2018

Tính từ đầu năm 2018 đến nay, bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã tái phát tại 10 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thành phố trong tỉnh Quảng Trị với tổng gia súc mắc bệnh là 267 con, trong đó mới nhất là tháng 10/2018 xảy ra tại 7 thôn, bản của 5 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cùng với chính quyền địa phương đang triển khai các giải pháp để khống chế, không để dịch bệnh lan ra diện rộng.

Kiểm tra dấu hiệu gia súc mắc bệnh

Ngày 5/11/2018, hộ chăn nuôi ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, Hướng Hóa phát hiện một con bò có biểu hiện của bệnh LMLM liền báo cho chính quyền địa phương. Sau đó, từ ngày 5-12/11, tại thôn Ruộng cũng có gia súc mắc bệnh và cao điểm là từ ngày 12-16/11, toàn xã có 3 thôn với 71 con gia súc bị LMML. Bà Lê Thị Hội, Chủ tịch UBND xã Hướng Tân cho biết, ngay sau khi bệnh bùng phát trên địa bàn xã, xã Hướng Tân đã kịp thời báo cáo tình hình với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, đồng thời họp Ban chỉ đạo, phối hợp lực lượng chức năng tổ chức tiêm phòng tại 6/7 thôn trong toàn xã, còn lại một thôn do địa bàn cách xa trung tâm 15 km nên xã chưa tiến hành tiêm phòng được. Đến thời điểm này, có một con bò bệnh đã chết, 35 con có dấu hiệu lành triệu chứng, hai con phát bệnh trở lại. Với sự hỗ trợ của cán bộ chuyên môn tăng cường của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, địa phương đang nỗ lực kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính từ cuối tháng 10/2018 đến ngày 19/11/2018, tổng số gia súc mắc bệnh LMLM là 167 con, thuộc các xã Tân Lập, Hướng Tân, Hướng Sơn, Tân Long, thị trấn Lao Bảo của huyện Hướng Hóa, trong đó 1 con bò chết, đã tiêu hủy 7 con lợn, số gia súc đang điều trị 48 con, 112 con bò đã lành triệu chứng. Các ổ dịch đều tái phát tại chỗ, do virus LMLM type O gây ra. Ngay sau khi nhận được tin báo phát hiện bệnh trên đàn gia súc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cử cán bộ trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo cán bộ chuyên môn cấp huyện tiến hành cách ly số gia súc bị mắc bệnh, tập trung theo dõi chữa trị, đồng thời cấp 3.550 liều vắc xin tiêm bao vây ổ dịch tại các xã có dịch và các xã có nguy cơ nhiễm bệnh, 195 lít hóa chất các loại để tiến hành tiêu độc khử trùng. Đến thời điểm này đã tổ chức tiêm phòng cho 389 con gia súc các loại. Huyện Hướng Hóa cũng đã công bố dịch LMLM gia súc trên địa bàn, thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên tuyến Quốc lộ 9 tại địa bàn giáp ranh hai huyện Hướng Hóa, Đakrông và các điểm chốt chặn tại các vùng dịch trên địa bàn, tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc cảm nhiễm với bệnh LMLM và sản phẩm từ gia súc ra, vào vùng có dịch, tiến hành khoanh vùng, bao vây ổ dịch không để lây lan trên diện rộng.

Ông Đào Văn An, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trực tiếp tham gia xử lý bệnh LMLM tại địa bàn huyện Hướng Hóa cho biết, từ kinh nghiệm xử lý dịch bệnh LMLM trên vật nuôi, lực lượng chức năng đã ứng dụng phương pháp tiêm thẳng vắc xin vào ổ dịch giúp khống chế, rút ngắn thời gian dập dịch LMLM trên đàn trâu, bò. Đây là phương pháp giúp gia súc không bị tiêu hủy mà vẫn phát triển bình thường. Sử dụng vắc xin điều trị bệnh LMLM mặc dù không khó, song phương pháp này đòi hỏi người chăn nuôi phải thực hiện đúng quy trình trong việc tiêm vắc xin và có phác đồ điều trị thật cụ thể thì mới đem lại hiệu quả.

Qua kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm và các mẫu giám sát lưu hành vi rút cho thấy, các chủng vi rút gây bệnh nguy hiểm cho gia súc vẫn còn lưu hành rộng rãi trong môi trường, trong đàn vật nuôi. Ngoài ra, với đặc thù địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa rộng, người dân quen với tập quán chăn nuôi thả rông, khó trong công tác quản lý, thời tiết thay đổi, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch LMLM trên đàn gia súc là rất lớn. Trong tháng 7/2018, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin của địa phương đạt thấp, chỉ 8.750 con, đạt 67,5% tổng đàn. Theo ông Trần Hoãn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến tháng 9/2018 tỉnh đã cấp cho huyện Hướng Hóa 10.000 liều vắc xin và mới đây cấp bổ sung thêm 8.100 liều để huyện chủ động tiêm phòng cho đàn gia súc.

Theo thống kê, hiện nay tổng đàn trâu bò trong toàn tỉnh là hơn 93.000 con. Trước tình hình bệnh LMLM tiếp tục xảy ra trong năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường công tác phòng chống bệnh LMLM trên gia súc. Đồng thời tỉnh cũng có văn bản xin Trung ương hỗ trợ 20.000 lít hóa chất Han Iodine 10% từ nguồn dự trữ quốc gia để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi.

Hiện 5 xã, thị trấn có gia súc mắc bệnh LMLM hiện vẫn chưa qua 21 ngày. Do vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người hiểu biết về nguyên nhân, triệu chứng, bệnh tích, tác hại và cách phòng, chống bệnh LMLM. Khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, quan sát đàn vật nuôi, khi thấy gia súc có hiện tượng ốm, sốt, bỏ ăn, chảy nước dãi, có bọt, có mụn nước ở vùng miệng, quanh móng chân hoặc chết bất thường phải tiến hành cách ly ngay những con ốm ra khu vực riêng; không được chăn thả, không bán chạy, không giết mổ, vứt xác gia súc chết và chất thải của chúng ra môi trường, phải báo ngay cho chính quyền địa phương để được hướng dẫn biện pháp xử lý thích hợp. Thực hiện nghiêm chỉnh công tác chống dịch như cách ly, tiêu hủy vật nuôi bị bệnh; vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển vật nuôi; tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch…theo hướng dẫn của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc: Đối với hộ có dịch, phun hóa chất ngày 1 lần, xã có dịch 2 ngày 1 lần, thực hiện liên tục trong suốt thời gian có dịch; tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch để không lây lan dịch.

Bệnh LMLM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp chủ yếu là nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho con vật bằng cách tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cho ăn thức ăn mềm dễ tiêu, bổ sung vitamin, điện giải, các thuốc trợ sức, trợ lực; vệ sinh môi trường, luôn giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã cử cán bộ tăng cường xuống cơ sở giúp người dân cách nhận biết và điều trị dứt điểm cho gia súc mắc bệnh; kiểm soát chặt chẽ để hạn chế lây lan trên diện rộng.

Bảo Bình

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang