• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thừa Thiên Huế: Hướng đến nhãn hiệu thịt bò A Lưới

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 23/11/2018
Ngày cập nhật: 25/11/2018

Thịt bò A Lưới nổi tiếng ngon, nhưng để tạo thương hiệu cho đặc sản vùng cao này là câu chuyện không dễ.

Để nâng cao chất lượng, bò được kiểm tra kỹ lưỡng

Chuyển biến

Gần đây, các cửa hàng đặc sản A Lưới hình thành, góp phần quảng bá cho nông sản vùng cao. Và thịt bò là một trong những mặt hàng được giới thiệu như là đặc sản của địa phương.

Theo người dân A Lưới, bò A Lưới là giống bò vàng bản địa, có thớ thịt nhỏ, mịn và được chăn nuôi tự nhiên nên chất lượng thịt thơm ngon. Phương thức chăn nuôi của người dân cùng với địa hình A Lưới ở độ cao 680-1150m, giữa hai dãy Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây với thời tiết đặc thù, tạo các thảm thực vật khác biệt, làm nên hương vị riêng có của thịt bò.

Nắm bắt lợi thế, A Lưới xây dựng đề án từng bước nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn huyện, phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn bò đạt 10.000 con, làm cơ sở xây dựng thương hiệu “Thịt bò A Lưới” nhằm khai thác tiềm năng của địa phương, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, tiến tới sản xuất hàng hóa và làm giàu từ chăn nuôi.

Sau 3 năm thực hiện đề án, người dân trồng cỏ cao sản, làm chuồng trại kiên cố để chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh, hướng tới phát triển chăn nuôi trang trại.

Ông Hồ Chính Bê, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh cho biết: “Tại địa phương, các hộ dân thôn Phú Thượng, Phú Thành, Phú Xuân tự bỏ vốn để phát triển đàn bò. Nhiều hộ dân cũng muốn nâng cao đời sống của gia đình mình để nhân rộng đề án một cách có hiệu quả, không những chăn nuôi bò mà còn chăn nuôi dê, gà thả vườn, lợn thịt, cá…”.

Giai đoạn từ năm 2016 – 2018, diện tích trồng cỏ toàn huyện A Lưới đạt 18,8 ha, chủ yếu ở các xã: Hồng Thượng, Hồng Quảng, Phú Vinh. Người dân còn tận dụng thêm các phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ như rơm, thân ngô, khoai lang, cây ngô dày, thân cây chuối làm thức ăn cho bò.

“Lúc trước bò được chăn thả, phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên, nay được cán bộ hướng dẫn trồng cỏ giúp việc nuôi bò thuận lợi hơn”, ông Hồ Viết Mỹ (xã Hồng Quảng) bày tỏ. Ba năm thực hiện đề án, A Lưới đã áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò; vận động các hộ dân tham gia đề án xây dựng mới, sửa chữa phần lớn chuồng trại (đạt tỷ lệ 97% so với kế hoạch).

“Chuồng được xây dựng riêng biệt, cách xa nhà ở của gia đình, đảm bảo các điều kiện giữ vệ sinh môi trường. Chúng tôi cũng tổ chức 32 lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân về kỹ thuật trồng cỏ và chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; kỹ thuật nhân giống, quản lý giống và nuôi dưỡng bò cái sinh sản; thực hành các phương pháp chế biến cỏ, các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho đàn bò trong mùa mưa rét”, ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới thông tin.

Từng bước khắc phục khó khăn

Dù có nhiều chuyển biến nhưng sau 3 năm thực hiện, đề án còn gặp nhiều khó khăn. Chỉ tiêu từ năm 2016 - 2018 nhập 1.800 con bò cái sinh sản, nhưng đến nay mới nhập vào địa bàn huyện 900 con, đạt 50% so với kế hoạch.

Một số địa phương triển khai đề án đến với hộ dân chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến ý thức thực hiện theo quy định đề án chưa cao, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào Nhà nước; trồng cỏ và làm chuồng chậm, một số hộ không đảm bảo, có nơi mang tính đối phó nên không đủ điều kiện tham gia.

"Trong quá trình thực hiện đề án, một số hộ tham gia còn tình trạng chăn nuôi thiếu sự quản lý, chăm sóc.Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật không ít hộ dân vẫn còn hạn chế dù đã được tập huấn. Người dân chưa thực sự quan tâm đến công tác phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Số bò mua ở Bình Định và Thanh Hóa khi nhập về không phù hợp với điều kiện thời tiết nên dẫn đến bò chết”, ông A Viết Minh, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn chia sẻ.

Ông Văn Lập cho rằng, hiện nay các xã, thị trấn không có kinh phí hoạt động cho ban chỉ đạo và tổ giúp việc thực hiện đề án, do đó việc phân công cán bộ trong triển khai đề án gặp khó.

Theo ông Lập, dù thịt bò A Lưới chưa có thương hiệu chính thức nhưng đầu ra của sản phẩm đặc sản này rất ổn định, ngoài bò tươi đáp ứng nhu cầu thị trường, các sản phẩm như bò khô, bò một nắng cũng được ưa chuộng.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, thông tin cụ thể nội dung và chính sách của đề án đến các hộ nông dân, vận động tham gia nhằm đạt chỉ tiêu và xây dựng được nhãn hiệu thịt bò A Lưới. Đồng thời tuyên truyền người dân thay đổi tập quán chăn nuôi thả rong sang chăn nuôi bò theo hướng bán thâm canh, có trồng cỏ, có chăm sóc quản lý, thực hiện tốt 3 điều kiện chính để chăn nuôi bò phát triển đó là: Đủ thức ăn, chuồng trại đảm bảo và công tác thú y tốt tại các xã, thị trấn, hướng đến xây dựng nhãn hiệu trong năm 2019”, ông Lập nói.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang