• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ông Nguyễn Hoàng Trí: Dựng nên cơ nghiệp từ đàn dê sữa

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 29/11/2018
Ngày cập nhật: 2/12/2018

Ở Tiền Giang, dê là vật nuôi phù hợp với những địa bàn khó khăn, giúp nhiều nông dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong số những nông dân thành công nhờ lập nghiệp từ con dê sữa phải kể đến ông Nguyễn Hoàng Trí, chủ trại dê sữa Tam Hiệp, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành.

Ông Nguyễn Hoàng Trí chăm sóc đàn dê sữa.

Chia sẻ về quá trình lập nghiệp, ông Trí cho biết, khoảng năm 2010 - 2012, ông chuyển sang đầu tư nuôi dê thịt. Sau một thời gian, do giá dê thịt và dê giống lên xuống thất thường, hiệu quả mang lại không được như mong muốn nên ông đã nghiên cứu chuyển sang nuôi dê lấy sữa, bởi ông nhận thấy tiềm năng về nuôi dê sữa rất lớn, lợi nhuận hơn hẳn nuôi dê thịt. Ông bắt đầu cải tạo lại chuồng trại, chọn giống dê tốt và tiến hành nuôi theo quy trình khoa học đã tiếp thu được qua nhiều kênh khác nhau như: Truyền thông, cán bộ khuyến nông, kinh nghiệm những người đi trước,...

Trại dê Tam Hiệp của ông Trí tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 2 ha, chuyên về nuôi dê lấy sữa; giống dê Saanen ông nuôi cho năng suất sữa cao và chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Trí kể, để có đàn dê sữa giống tốt, ông phải lặn lội lên tận trại dê giống ở Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), hoặc ra Ba Vì (Hà Nội),...để chọn giống và vận chuyển về gây giống, nhân đàn. Bù lại, ông có được đàn dê cho năng suất sữa cao và chất lượng tốt. Sữa dê thương phẩm cung ứng thị trường rất được ưa chuộng.

Tổng kinh phí đầu tư trại dê Tam Hiệp khoảng 1 tỷ đồng. Trại dê hiện có 200 con dê chuyên sữa, trong đó có 80 con đang cho sữa, còn lại là dê hậu bị và dê con. Để đảm bảo nguồn thức ăn bổ sung, chất lượng, ông Trí dành 4.000 m2 đất để trồng cỏ chăn nuôi.

Dê sữa ở trại Tam Hiệp cho bình quân từ 1 lít đến 3 lít sữa/con/ngày tùy theo trọng lượng và lứa tuổi. Dê cho thu hoạch sữa kéo dài suốt 6 tháng trong năm/con. Giá sữa dê tại trại bán ra thị trường khoảng 80.000 đồng/lít đã tiệt trùng. Bên cạnh đó, để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, gia đình ông Trí còn nghiên cứu để đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ sữa dê. Ngoài sữa tươi tiệt trùng, gia đình ông còn làm bánh plant sữa dê, yaourt sữa dê... Tất cả các sản phẩm trên đều được sản xuất theo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm và được cấp có thẩm quyền cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm để cung ứng cho những nơi có nhu cầu, cũng như cho các đại lý bán sỉ và lẻ trong, ngoài tỉnh.

Ông Trí hạch toán, sau khi trừ các khoản chi phí, trại dê Tam Hiệp còn lãi từ 200 đến 250 triệu đồng/năm. Sau vài năm gắn bó với con dê sữa, gia đình ông đã vượt qua khó khăn, kinh tế ổn định, có của ăn của để, trở thành triệu phú nông thôn.

Hiện trại dê Tam Hiệp còn cung cấp dê giống cho bà con có nhu cầu để khuyếch trương nghề nuôi dê sữa, thúc đẩy chuyển đổi sản xuất ở vùng thuần nông Tiền Giang theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời trại cũng tổ chức cho các hộ nông dân tham gia nuôi gia công và bao tiêu sữa.

Không những tập trung phát triển trại dê Tam Hiệp, ông Trí còn đứng ra liên kết các hộ nuôi dê lấy sữa trong xóm, thành lập Tổ hợp tác nuôi dê sữa Tam Hiệp, quy tụ khoảng 14 tổ viên tham gia do ông làm Tổ trưởng với mong muốn nhân rộng mô hình và liên kết sản xuất kiểu mới nhằm phát triển bền vững nghề nuôi dê lấy sữa tại địa phương, giúp bà con nông dân hưởng lợi.

Ông Võ Văn Lập, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đánh giá cao mô hình nuôi dê sữa và kinh doanh những sản phẩm từ sữa dê của trại dê Tam Hiệp do ông Nguyễn Hoàng Trí làm chủ và nhận định, đây là mô hình tốt, thích ứng được với điều kiện biến đổi khí hậu, lại phù hợp chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế của các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, giúp nông dân hưởng lợi, nông nghiệp, nông thôn đổi mới.

Mô hình này cần được nhân rộng trong thời gian tới tại những địa bàn thuần nông còn khó khăn trong tỉnh như: Duyên hải Gò Công, các cù lao trên sông Tiền, vùng Đồng Tháp Mười, vùng ngập lũ... để giúp nông dân vừa có thể tổ chức sản xuất được hiệu quả hơn, vừa giảm bớt những rủi ro, nguy cơ do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra.

Mộng Tuyết

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang