• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thoát nghèo nhờ nuôi bò sữa

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 30/11/2018
Ngày cập nhật: 2/12/2018

Cùng với người Kinh, ở Ðơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) hiện đã có không ít gia đình người dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên thoát nghèo, làm giàu nhờ chăn nuôi bò sữa.

Đàn bò nhà ông K’Sin

Những người đi đầu

Khi chúng tôi đến nhà, anh K’Phục đang làm vệ sinh cho 2 chuồng bò sữa phía sau nhà và chuẩn bị cắt cỏ cho bò ăn.

Năm nay 33 tuổi, K’Phục là một trong những người đi đầu trong phong trào chăn nuôi bò sữa trong cộng đồng người DTTS K’Ho tại thôn Đ’Ròn, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương từ cách đây 5 năm. Nhờ nuôi bò sữa cuộc sống của gia đình anh nay đã thay đổi rất nhiều.

Theo K’Phục, trước đây gia đình anh cũng như bao người DTTS trong thôn thường nuôi bò vàng (bò thịt), đơn giản vì bò vàng dễ nuôi, nơi đây đất rừng rộng, nhiều cỏ, cứ thả vào rừng, chiều lùa về. Rồi Đạ Ròn thành một trong những xã trọng điểm nuôi bò sữa của Đơn Dương, nhiều người Kinh trong vùng nuôi bò sữa làm ăn khấm khá lên, K’Phục được sự vận động của chính quyền địa phương cũng thử bắt đầu nuôi.

Được sự hỗ trợ một phần vốn từ dự án nuôi bò sữa của huyện cho vùng dồng bào DTTS, K’Phục đã quyết định bán đàn bò vàng của mình để có vốn mua 4 con bò sữa, mỗi con trên dưới 50 triệu đồng về nuôi.

Đến nay gia đình K’Phục đã có tổng cộng 13 con, cả bò sữa và bê trong đàn của mình. Bên cạnh 2 chuồng bò xây đã lâu sau nhà, anh còn chuẩn bị xây thêm một chuồng mới. Trong nhà anh đã sắm sửa máy móc phục vụ cho việc nuôi bò sữa, máy cắt cỏ, trên 4 sào đất trồng rau năm xưa giờ anh trồng cỏ cho bò, anh còn làm kho mua cả tấn bắp cây về ủ chua để làm thức ăn cho bò.

Trung bình mỗi ngày gia đình anh K’Phúc vắt được khoảng 150 lít sữa, với giá sữa từ 8-14 nghìn đồng/lít như hiện nay, mỗi tuần trừ đi chi phí thì anh cũng thu được trên 4 triệu đồng, “Cũng đủ cho 3 đứa con ăn học” - K’Phục cười tươi.

Một gia đình khác cũng đi đầu trong nuôi bò sữa trong thôn Đ’Ròn chính là ông K’Sin. Năm nay 55 tuổi, K’Sin cho biết gia đình ông chuyển từ việc trồng rau sang nuôi bò từ 4 năm trước.

“Ngày đầu cũng lo lắm, mình ít vốn, không đủ tiền mua bò, cũng chẳng có kinh nghiệm chăm sóc lỡ có việc gì thì sao”. Nhưng với sự vận động của chính quyền ông cũng mạnh dạn mua 3 con bò sữa về nuôi, đến nay đàn bò đã lên đến 17 con cả bò lẫn bê, trong đó có 6 con đang cho sữa. Để có nguồn thức ăn cho bò ổn định ông đã trồng đến 6 sào cỏ. Ông tính mỗi ngày trung bình gia đình thu được trên 110 kg sữa, trừ chi phí mỗi tháng cũng có trên 6 triệu đồng thu nhập. Bên cạnh bò sữa K’Sin còn nuôi thêm trâu, dùng phân trâu, bò trồng rau trên diện tích đất nhà còn lại.

Người nuôi ngày càng nhiều

“Ngày càng nhiều nhà nuôi và số lượng bò sữa cũng nhiều lên trong thôn” - ông K’Út, thôn trưởng Đ’Ròn tươi cười cho biết.

Trong 8 thôn của xã Đạ Ròn hiện nay, có 3 thôn cộng đồng đồng bào DTTS sinh sống, trong đó thôn Đ’Ròn đến thời điểm này đã có 25 gia đình nuôi bò sữa.

Như ông K’Út cho biết, không phải gia đình nào nuôi bò sữa trong thôn cũng khấm khá , vì nuôi bò sữa bên cạnh sự chuyên cần, hiểu biết khoa học kỹ thuật cũng cần may mắn nữa. “Bò sữa khó nuôi hơn bò vàng, cứ nuôi bò sữa như bò vàng thì không được đâu. Người nuôi cần biết kỹ thuật chăm sóc, phải kỹ lưỡng, chuồng trại phải đòi hỏi luôn thoáng, ngày chùi rửa 2 lần sáng chiều trước khi vắt sữa. Thức ăn thì phải chất lượng để cho ra độ sữa đạt độ béo, đủ độ ngọt thì bán được sữa giá cao.

Còn nữa, việc nhà dù gấp mấy cũng bỏ đó lo mà tắm rửa, dọn sạch chuồng, vắt sữa để sữa bò không bị nhiễm bệnh” - ông K’Út nói.

May mắn hơn là khi bò sữa đẻ ra bê cái, mỗi con bê cái như vậy có giá trên 15 triệu đồng, còn nếu đẻ ra bò đực thì chỉ việc bán thịt, chỉ chừng 1- 2 triệu đồng/con.

Nhưng nhìn chung, nuôi bò sữa đã và đang giúp người DTTS Đ’Ròn có thu nhập khá lên rất nhanh. “Đã có trên 50% gia đình từ khi nuôi bò sữa đã thoát nghèo, làm giàu, có cuộc sống ổn định, có nhà đến nay có đến 20 con bò lẫn bê, có nhà 15 con, nhà cửa đàng hoàng, gia đình mọi người có việc làm, con cái đi học” - ông K’Út cho biết.

Theo ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn, vùng đất Đạ Ròn rất thuận lợi cho việc chăn nuôi bò sữa, vì đất trong xã màu mỡ phù hợp cho việc trồng cỏ nuôi bò, thời tiết cũng thích hợp với điều kiện chăn nuôi bò sữa.

Theo chủ trương chung của huyện, để khuyến khích nông dân, nhất là người DTTS trong vùng, nếu ai tham gia nuôi bò sữa Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Xã và huyện thường xuyên tổ chức tập huấn chăn nuôi bò sữa cho người nuôi, ít nhất cũng mỗi năm hai lần giúp người nuôi hiểu rõ hơn về quy trình chăn nuôi bò sữa, về thức ăn, cách chăm sóc, thuốc phòng chống bệnh. Đồng thời, tạo điều kiện cho người DTTS nuôi bò sữa trong xã tham gia các hợp tác xã; giúp người dân ký hợp đồng bán sữa với các công ty thu mua sữa trên địa bàn.

GIA KHÁNH - H’NẾP BYA

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang