• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Liên kết trong chăn nuôi để tăng khả năng cạnh tranh

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 3/12/2018
Ngày cập nhật: 4/12/2018

Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam trong sản xuất và xuất khẩu, nhưng một thời gian dài ngành chăn nuôi vẫn chưa thể xuất khẩu do chi phí sản xuất cao, nhiều khâu trung gian làm đội giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh.

Ngành chăn nuôi cần có sự liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ và xuất khẩu

Liên kết - chìa khóa thành công

Thời gian gần đây, ngành chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến từ việc chú trọng năng suất và sản lượng sang nâng cao chất lượng sản phẩm. Thành quả đó là nhờ có đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tái cơ cấu theo chuỗi giá trị ngành hàng như tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến thị trường, các doanh nghiệp (DN) trở thành trung tâm liên kết với các tổ chức sản xuất, chú trọng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, ban hành chính sách khuyến khích…

Từ năm 2008 đến năm 2018, năng suất vật nuôi tăng khoảng 20% và 30% cơ sở chăn nuôi chuyển sang phương thức nuôi công nghiệp; trong đó xuất hiện nhiều DN lớn đầu tư, hình thành liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ với nhiều hình thức, cách thức khác nhau. Đơn cử như mô hình của Công ty CP Việt Nam, Dabaco, Emivest… cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y kèm hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân và mua lại sản phẩm chăn nuôi. Mô hình chuỗi của các công ty: Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, San Hà… hợp tác với nông dân sản xuất, cung ứng sản phẩm có truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, mô hình liên kết khép kín như của TH True Milk, Sagrifood thực hiện các khâu từ chăn nuôi, chế biến và phân phối ra thị trường.

Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, hướng đến xuất khẩu sản phẩm thì “chìa khóa” của sự thành công là phải tạo chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến thị trường. Điển hình, thịt gà Việt Nam gần đây xuất khẩu qua Nhật Bản từ mô hình liên kết của DN Hùng Nhơn - De Heus - Bel Gà - Koyu và Unitek từ con giống, thức ăn, trang trại, thu mua, giết mổ và xuất khẩu tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh. Theo ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Công ty De Heus, sau khi liên kết thành công, công ty tiếp tục khuyến khích nông dân, DN, hợp tác xã (HTX) cùng phối hợp áp dụng công nghệ mới, xây dựng thương hiệu chuỗi giá trị để mang lại hiệu quả tốt hơn. “Hiện nay, nhiều sản phẩm từ ngành chăn nuôi Việt Nam chưa xuất khẩu được là do chi phí sản xuất cao, qua nhiều khâu trung gian; vì vậy, cần có sự liên kết tốt hơn để giảm chi phí”, ông Gabor Fluit khuyến nghị.

Nắm bắt xu thế và đầu tư công nghệ

Tuy tổng đàn, sản lượng gia cầm, gia súc có tăng, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nên sản lượng vẫn nhập khẩu nhiều. Ông Võ Trọng Thành, đại diện Cục Chăn nuôi, cho biết chúng ta chưa kiểm soát được dịch bệnh; tuy có những thành tựu ban đầu nhưng việc tái cơ cấu ngành chuyển biến chậm, tích tụ đầu tư thấp; tổ chức sản xuất còn yếu, chưa truy xuất được nguồn gốc, chi phí sản xuất cao; liên kết theo chuỗi giá trị giữa các khâu sản xuất - giết mổ, chế biến - phân phối còn ít và lỏng lẻo… “Tương lai, ngành chăn nuôi sẽ phát triển mạnh; nhất là hình thành các vùng, trang trại; giảm các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Nếu DN trong nước không cố gắng hơn nữa trong việc phát triển sẽ bị tụt hậu, ngành chăn nuôi chỉ còn là sân chơi của các “ông lớn” chuyên nghiệp đến từ nước ngoài”, ông Võ Trọng Thành chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, Giám đốc HTX Dịch vụ - sản xuất - chế biến Đồng Hiệp, cho rằng việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất đến tiêu thụ là giải pháp hữu hiệu để đưa các sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Đó cũng là con đường ngắn nhất thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm, ổn định kinh tế. Với suy nghĩ trên, ngay từ khi thành lập, HTX Đồng Hiệp đã chú trọng xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trang trại trong chuỗi được bảo đảm đầu ra sản phẩm và quyền lợi của xã viên trước biến động của thị trường. Ngược lại, trang trại đảm bảo chăn nuôi an toàn, hạn chế nhiễm vi sinh vật, tuân thủ vệ sinh thú y.

Với việc hình thành chuỗi liên kết, vai trò của Nhà nước rất quan trọng, đó là cần có chính sách hỗ trợ vốn để mở rộng sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng và phát triển các chuỗi có chứng nhận an toàn; liên kết với DN để tìm đầu ra sản phẩm. Chuỗi liên kết giảm giá thành chăn nuôi, nhưng vấn đề thị trường vẫn là cốt lõi quan trọng. Vì vậy, Nhà nước phải điều tiết thị trường, nhận định được xu hướng thị trường trong và ngoài nước. Song song đó, người chăn nuôi, DN cũng phải thay đổi tư duy, tích cực đổi mới, nắm bắt xu thế và đầu tư công nghệ để hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm. Cần đưa nông dân, thương lái, thương nhân vào khuôn khổ của pháp luật để chế tài, có sự ràng buộc, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.

Ông Phạm Thanh Duy, Cục phó Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) khuyến cáo, để tạo thương hiệu uy tín thì DN cần phải minh bạch quy mô vùng nuôi trồng, kỹ thuật, chất lượng và có thể tổ chức cho người tiêu dùng tham quan. Sự kết hợp hài hòa sẽ giúp hai bên đều có lợi, trong đó, DN đầu tư vào nông dân, bao tiêu sản phẩm; nông dân có trách nhiệm sản xuất đúng quy trình.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho hay cả nước có 23.000 trang trại nhưng chỉ có 50 vùng an toàn dịch bệnh và 1.505 cơ sở an toàn dịch bệnh được Bộ NN-PTNT công nhận. Tỷ lệ trên quá ít nên rất khó xuất khẩu. Nhà nước chỉ là khung pháp chế quản lý, các DN phải chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia trong chuỗi. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu cần sự đồng hành của nhà khoa học. Kế tiếp phải hướng đến chuỗi giá trị bình ổn thị trường nhằm hài hòa lợi ích cho cả người chăn nuôi, người kinh doanh và người tiêu dùng, đó là giá trị tăng thêm. Tránh trường hợp tập trung lợi ích cho một nhóm (như thịt heo), dù đảm bảo nguồn cung nhưng giá thị trường vẫn tăng…

THANH HẢI

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang