• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhân giống thành công cây nguồn mật Bạc hà

Nguồn tin: Báo Hà Giang, 03/12/2018
Ngày cập nhật: 5/12/2018

Mật ong Bạc hà là một trong những sản phẩm nổi bật của Hà Giang và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, chất lượng sản phẩm được gắn liền với cây nguồn mật Bạc hà. Hiện nay, tổng đàn ong tại 4 huyện vùng cao đạt trên 32 nghìn tổ, tuy nhiên do diện tích cây Bạc hà phân bố rải rác và mọc hoang trên các sườn đồi nên thiếu nguồn nguyên liệu. Bởi vậy, nhằm tạo giải pháp và hướng đi cho việc phát triển nguồn mật giá trị, năm 2017 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh đã nghiên cứu thành công quy trình chăm sóc và phát triển cây nguồn mật Bạc hà.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT và huyện Yên Minh khảo sát diện tích cây Bạc hà được trồng theo phương pháp ươm giống, tại xã Hữu Vinh (Yên Minh).

Bạc hà thuộc loài cỏ dại, thân thảo, mọc tự nhiên trên nương rẫy, sinh trưởng, phát triển ở độ cao 1.000 – 1.500 m và khó có khả năng gieo hạt. Tổng diện tích Bạc hà hiện nay có trên 3.787 ha, mọc rải rác tại 4 huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ. Cùng với đó, diện tích Bạc hà đang bị đe dọa bởi việc sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật và ý thức chưa cao của người dân trong việc bảo vệ giống cây tự nhiên này. Nhằm phát triển và nhân rộng, các cán bộ Chi cục TT&BVTV đã dày công nghiên cứu, chọn cây khỏe, ít sâu bệnh và sử dụng dao, kéo cắt từng bông phơi dưới nắng 3 – 5 ngày, sau đó gieo hạt trên phần đất tơi xốp, sau 5 – 7 ngày cho tỷ lệ nảy mầm trên 90%.

Gia đình anh Lầu Mí Tỏa, thôn Khai Hoang, xã Hữu Vinh (Yên Minh) đã tăng đàn ong mật khi thực hiện quy trình trồng cây Bạc hà.

Đồng chí Giang Đức Hiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết: Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, được sự hỗ trợ của Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa, đơn vị đã tiến hành nghiên cứu nông sinh học, phân tích và đưa ra quy trình cụ thể trong việc trồng, chăm sóc cây Bạc hà. Qua 2 năm nghiên cứu cho kết quả khả quan, cây có tỷ lệ sinh trưởng cao, phát triển tốt, được trồng theo đúng quy trình cho độ cao từ 1,2 – 1,8 m, phân cành nhiều và cho từ 40 – 50 bông, hoa to...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Đỗ Tấn Sơn cho biết: Việc nghiên cứu thành công giống cây nguồn mật Bạc hà đã mở ra cơ hội và giải pháp cho việc xây dựng, phát triển thương hiệu mật ong Bạc hà của tỉnh. Qua đó, định hướng cho các địa phương có diện tích cây Bạc hà và các hộ dân về cách bảo quản giống, khung thời vụ, cách chăm sóc, giúp bảo tồn, nhân rộng, đưa cây Bạc hà trở thành sản phẩm đặc trưng, mang lại giá trị kinh tế cao. Sau khi ban hành quy trình chính thức, Sở sẽ mở các lớp tập huấn và trình UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc phát triển cây Bạc hà...

Là hộ gia đình được chọn thí điểm mô hình, anh Lầu Mí Tỏa, thôn Khai Hoang, xã Hữu Vinh (Yên Minh) cho biết: Gia đình có truyền thống nuôi ong lấy mật, đặc biệt vào tháng 11 hàng năm thường có mật ong Bạc hà bán. Tuy nhiên, do lượng cây Bạc hà phân bố rải rác, số lượng ít nên gây nhiều khó khăn trong việc đặt tổ ong và khả năng tăng đàn. Năm 2017, gia đình được chọn thí điểm trồng cây Bạc hà với diện tích hơn 500 m2; sau 1 năm trồng, được sự chỉ đạo trực tiếp của cán bộ khuyến nông xã và Chi cục TT&BVTV đã cho thấy sự khác biệt. Cây Bạc hà cao hơn so với khi mọc tự nhiên, nhiều bông, đặc biệt chất lượng mật được nâng lên, mật ong sau khi quay sánh hơn, có mùi thơm đặc trưng. Từ đó, gia đình tăng đàn ong lên 80 tổ, dự kiến năm sau sẽ gieo khoảng 1 ha để tạo nguồn mật cho đàn ong...

Với quy trình cụ thể trồng cây Bạc hà như: Chọn giống cây khỏe, không sâu bệnh, lá có răng cưa thưa, hoa màu tím, chùm hoa dạng bông; thời vụ gieo trồng từ tháng 6 – 7 hàng năm, mật độ gieo 40 – 50 nghìn cây/ha; đất gieo làm tơi xốp, sạch cỏ và được trộn đều với phân bón… cây Bạc hà sẽ sinh trưởng, phát triển tốt. Qua đó, mở ra hướng đi và xu hướng mới trong việc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế, cũng như duy trì hiệu quả thương hiệu mật ong Bạc hà.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang