Nguồn tin: Báo An Giang, 04/12/2018
Ngày cập nhật:
7/12/2018
Chỉ cần quét mã QRcode trên ứng dụng zalo, messenger facebook hoặc tích hợp sẵn trên máy ảnh của smartphone (điện thoại thông minh), người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc thịt heo được nuôi ở đâu, giết mổ nơi nào, vận chuyển đến địa điểm kinh doanh. Việc An Giang xây dựng mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo được xem là giải pháp đột phá về cung cấp thịt heo an toàn.
Hướng đến sức khỏe người tiêu dùng
Theo ước tính của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm 2018 (khoảng 29.529 tấn) thì heo hơi chiếm lớn nhất (khoảng 15.609 tấn). Tín hiệu tích cực là nhờ thu hút được những trang trại quy mô lớn, lượng thịt heo doanh nghiệp cung cấp cho thị trường năm 2018 đạt khoảng 2.200 tấn, cao gấp 1,5 lần so năm 2017. Tuy nhiên, nhìn chung, thịt heo vẫn là mặt hàng khó kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng khi mà các công đoạn chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, cung ứng ra thị trường phụ thuộc vào “lương tâm” của người nuôi, thương lái. “Gia đình tôi thường xuyên sử dụng thịt heo nhưng không biết rõ về độ an toàn của sản phẩm. Khi mua thì ghé chỗ sạp quen để đảm bảo thịt tươi, chứ bản thân người bán cũng không chắc là trong quá trình nuôi, heo có bị cho ăn chất cấm, chất tạo nạc hoặc khi giết mổ, có bị bơm nước hay không?” - chị Hà Ngọc Nga (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) băn khoăn.
Cửa hàng Sáu Cúc đắt khách hơn sau khi triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo
Tại chợ Mỹ Bình, từ khi quầy thịt heo Sáu Cúc khai trương điểm bán hàng theo Chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo tỉnh An Giang, chị Nga cũng như nhiều bà nội trợ khác xem đây là giải pháp để chọn lựa thịt heo đảm bảo an toàn. “Tôi thử quét mã QRcode trên zalo, thông tin về nguồn gốc thịt heo được thể hiện đầy đủ. Tôi biết heo được nuôi ở trang trại của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, thời điểm giết mổ và quy trình vận chuyển đạt tiêu chuẩn an toàn nên rất yên tâm” - chị Nga bộc bạch. “Từ khi áp dụng việc truy xuất nguồn gốc thịt heo, lượng hàng tôi bán ra tăng cao hơn rất nhiều so với trước. Điều đó cho thấy, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm” - bà Lâm Thị Thu Cúc (chủ quầy thịt heo Sáu Cúc) thông tin.
Tương tự, sau khi được Sở Công thương triển khai Chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo, quầy thịt heo của chị Lê Thị Thanh Nga ở chợ Cái Sao (TP. Long Xuyên) đắt hàng hơn. “Những người tiêu dùng trẻ rất thích với việc quét mã QRcode truy xuất nguồn gốc” - chị Nga chia sẻ.
Tính toán nhân rộng
Các quầy hàng thịt heo của bà Cúc, chị Nga là những địa điểm tiên phong trong nỗ lực triển khai dự án xây dựng mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1450/QĐ-UBND, ngày 21-6-2018. Trong đó, Sở Công thương được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp thực hiện. Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi cho biết, trước mắt, dự án tập trung xây dựng chuỗi cửa hàng có truy xuất nguồn gốc tại 3 địa phương là TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu với sự tham gia của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam và Công ty Cổ phần XNK Nông sản thực phẩm An Giang (Afiex).
Do An Giang là một trong những địa phương đi đầu của cả nước về triển khai mô hình truy xuất nguồn gốc thịt heo nên việc thực hiện rất gian nan. Sở Công thương cho biết, mô hình đã ứng dụng công nghệ QRcode, vòng seal bảo vệ, điện toán đám mây, tem điện tử và hệ thống phần mềm quản lý để nhận diện và quản lý tất cả thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm thịt heo tươi sống, từ khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển đến địa điểm kinh doanh. Cụ thể, mô hình sử dụng 2 vòng nhận diện có khắc mã QRcode bằng tia laser, đeo vào 2 chân sau của heo tại trang trại khi xuất chuồng. Khi mã QRcode trên vòng nhận diện được kích hoạt, các thông tin về trang trại sẽ được chuyển về hệ thống trung tâm và chủ trang trại sẽ chịu trách nhiệm các thông tin đó. Sau khi giết mổ, heo được xẻ thành 2 mảnh, trên mỗi mảnh có 1 vòng nhận diện. Kiểm dịch viên sẽ “đóng dấu điện tử” lên vòng nhận diện thông qua máy đọc mã QRcode chuyên dụng để xác định nơi giết mổ, thời gian giết mổ, thông tin về nhân viên kiểm dịch và chứng nhận thịt đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Toàn bộ thông tin này sẽ được truyền về máy chủ vận hành. Sau đó, thịt heo sẽ được bày bán tại các cửa hàng thịt heo truy xuất nguồn gốc đã đăng ký.
Như vậy, toàn bộ quá trình chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và kinh doanh, bán lẻ thịt heo đều được kiểm tra và giám sát. Chỉ với thao tác đơn giản trên smartphone, người dùng có thể quét mã QRcode để có được đầy đủ thông tin về thịt heo, an tâm khi sử dụng.
“Sau khi thí điểm các chuỗi cửa hàng có truy xuất nguồn thịt heo tại TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu, Sở Công thương sẽ có đánh giá, nhân rộng toàn tỉnh. Ngoài mục tiêu quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo được kinh doanh trên thị trường, dự án kỳ vọng sẽ góp phần tạo dựng thương hiệu ngành hàng thịt heo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng” - ông Phan Lợi nhấn mạnh.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.