Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 05/12/2018
Ngày cập nhật:
7/12/2018
Còn khoảng hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nên thời điểm này, nhiều hộ dân trong tỉnh Bắc Giang đang chuẩn bị cây, con đặc sản đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thịt lợn rừng là món ăn đặc sản, được nhiều người “săn lùng” sử dụng, nhất là mỗi dịp Tết đến. Do vậy, một số hộ dân đã lựa chọn con vật này để phát triển kinh tế. Mô hình nuôi lợn rừng của gia đình anh Trần Quang Việt, thôn Đồng, xã Trường Sơn (Lục Nam) là một điển hình. Anh Việt kể, năm 2013, anh nuôi thử nghiệm thành công 6 con lợn rừng, thu lãi 20 triệu đồng. Từ đó anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, đến nay anh nuôi thả 20-30 con lợn thương phẩm/lứa.
Gia đình ông Nguyễn Văn Phùng, thôn Tân Hòa, xã Hợp Đức (Tân Yên) chuẩn bị gà Đông Tảo phục vụ khách dịp Tết.
“Ban đầu cho lợn ăn cám thông thường; trước hai tháng xuất chuồng, tôi chủ yếu cho lợn ăn các loại lá cây, củ, quả, hạt nên chất lượng thịt thơm ngon. Hai năm gần đây, nhiều người tìm mua sản phẩm này nên giá bán tăng. Mỗi năm trừ chi phí tôi cũng thu về khoảng 200 triệu đồng. Hiện tôi có hơn chục con lợn để xuất chuồng vào dịp Tết”, anh Việt cho biết thêm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Phùng, thôn Tân Hòa, xã Hợp Đức (Tân Yên) dịp này cũng có nhiều khách hàng đặt mua gà Đông Tảo phục vụ Tết Nguyên đán. Có thâm niên 4 năm cung cấp giống gà quý cho khách hàng, ông thường xuyên nghiền củ tam thất tươi lọc nước cho gà uống, có tác dụng phòng dịch bệnh, không phải dùng thuốc kháng sinh giúp gà lớn nhanh, thịt giòn, thơm ngon.
Ông Phùng cho biết: “Gà Đông Tảo khá khó nuôi, thời gian chăm sóc kéo dài. Tết đến mọi người tìm mua gà để làm quà biếu song có thời điểm tôi không đủ cung cấp. Năm nay, tôi chuẩn bị 50 con phục vụ dịp Tết, ước giá bán hơn 1 triệu đồng/con”. Hiện ông Phùng đang nhốt một số con gà nuôi được hai năm tuổi ở một chuồng riêng biệt cho khách hàng đặt trước, giá mỗi con 4-5 triệu đồng.
Cùng với con đặc sản, dịp này, nhiều hộ dân cũng chuẩn bị các loại cây độc, lạ để phục vụ thị hiếu người tiêu dùng trưng bày đón năm mới. Gia đình anh Nguyễn Văn Thùy, thôn Đầm, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) ghép quả cam Canh, phật thủ vào cây bưởi để thành cây ngũ quả. Cây được ghép đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến bán với giá 2-4 triệu đồng/cây. Ngoài anh Thùy, nhiều nông dân tại Lục Ngạn cũng ghép thành công nhiều loại quả trên cùng một cây để trưng Tết.
Mấy năm gần đây, đời sống của người dân nâng lên, nhu cầu sử dụng các sản phẩm đặc sản, cây độc, lạ tăng cao, đặc biệt trong dịp lễ, Tết. Để đáp ứng nhu cầu, nhiều hộ dân đã nhạy bén đầu tư phát triển sản xuất để có thêm thu nhập. Cùng đó, hằng năm, thông qua lồng ghép nguồn vốn các chương trình: Khuyến nông; khoa học công nghệ; giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới đã có hàng tỷ đồng hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi đặc sản cho người dân.
Điển hình là mô hình nuôi cá chép giòn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện ở huyện Yên Thế, gà Đông Tảo ở huyện Lục Nam; nuôi rắn mối, gà chín cựa do Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh triển khai ở huyện Việt Yên; trồng ba kích của Hội Nông dân tỉnh triển khai ở huyện Sơn Động… Các mô hình, dự án trên đã giúp hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang giống mới cho thu nhập cao.
Trong quá trình thực hiện, nhiều huyện đã có cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển sản xuất giống cây con này. Cụ thể tại Lục Ngạn, ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện nói: “Hằng năm, địa phương phân bổ khoảng 200 triệu đồng hỗ trợ mô hình khuyến nông; ngoài xây dựng mô hình nuôi con đặc sản huyện còn chú trọng chuyển giao kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào sản xuất”. Nhờ đó, trên địa bàn huyện có nhiều hộ chuyên sản xuất các loại cây phục vụ Tết ở các xã: Quý Sơn, Thanh Hải, Nghĩa Hồ cho thu nhập cao. Còn ở huyện Sơn Động, để đa dạng hóa giống cây trồng, vật nuôi, huyện triển khai nhiều chương trình hỗ trợ bà con nuôi thỏ; nấm linh chi, tắc kè…
Theo ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, mô hình nuôi trồng các loại cây, con đặc sản mở ra hướng sản xuất hiệu quả cho người dân. Hiện nay, một số hộ đã có liên kết để sản phẩm tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, hình thức sản xuất này khá mới, nhiều rủi ro bởi kinh phí bỏ ra lớn, yêu cầu kỹ thuật cao. Vì vậy, trước khi đầu tư sản xuất, các hộ dân cần tìm hiểu kỹ thị trường, nhu cầu, kỹ thuật; tránh tình trạng phát triển ồ ạt, gây thiệt hại kinh tế. Người sản xuất chủ động liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; tăng cường trang bị kiến thức chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi để tránh rủi ro.
Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Trước khi đầu tư sản xuất cây, con đặc sản cần tìm hiểu kỹ thị trường, kỹ thuật chăm sóc, tránh tình trạng phát triển ồ ạt. Để tránh thiệt hại, người sản xuất cần chủ động liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm; trang bị kiến thức phòng ngừa dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi nhằm giảm rủi ro".
Hoàng Phương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.